Đã gần 1 tháng trôi qua kể từ khi xảy ra sự cố Nhà máy nước sông Đà cung cấp nước sinh hoạt nhiễm dầu thải khiến hàng vạn người dân ở phía Tây Hà Nội khổ sở vì phải xếp hàng chờ xin từng xô nước sạch.
Cho đến bây giờ nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng vì không hiểu nổi tại sao dầu thải có thể lọt qua hệ thống kỹ thuật của nhà máy nước và tới tận nhiều nhà dân và trường học.
Cũng vì vấn đề này chưa được làm rõ, chưa được công khai, vì thế dù gần đây đã có thông tin nước sinh hoạt từ nhà máy này đảm bảo an toàn, nhưng rất nhiều gia đình đã lựa chọn một giải pháp an toàn cho sức khỏe của họ là mua nước đóng bình đạt tiêu chuẩn để ăn uống và chỉ sử dụng nước nhà máy để tắm giặt. Nhiều trường học cũng phải áp dụng biện pháp này, thậm chí còn xây dựng cả một hệ thống lọc riêng.
Khi sự cố này xảy ra, Hà Nội đã tỏ rõ quyết tâm sẽ xử lý triệt để, bảo vệ sức khỏe của người dân, nhưng cho tới nay cơ quan chức năng vẫn đang điều tra hành vi của những kẻ đổ trộm dầu thải, còn trách nhiệm của Công ty nước sạch sông Đà (Viwasupco) thì chưa được làm rõ.
Mặc dù công ty này có xin lỗi trong "Thông cáo báo chí" và "miễn phí 1 tháng tiền nước", nhưng người dân không hài lòng vì điều mà họ quan tâm là sức khỏe liệu có bị ảnh hưởng trong những ngày trót sử dụng nước nhiễm dầu thải?
Sự cố nước nhiễm dầu thải khiến người dân phải xếp hàng trong đêm chờ nhận nước sạch. Ảnh: Thế Đại. |
Trao đổi với báo chí chiều ngày 22/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nói rõ: “Từ vụ nước sạch Sông Đà rút ra được rất nhiều kinh nghiệm về quản lý nguồn nước, cũng như cần làm rõ trách nhiệm của các bên.
Chúng ta thường nói đến an ninh về chính trị nhưng không nghĩ đến an ninh nguồn nước, tức là vệ sinh, an toàn, sau vụ này phải quan tâm hơn. Với doanh nghiệp nhận nước đầu nguồn thế nào, nước xử lý thế nào...
Không thể toàn bộ hệ thống quan trắc mà không phát hiện ra, hoặc xử lý lúng túng như ông Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà nói là tôi không biết nên dừng hay không. Cái đó nhất định phải chấn chỉnh”.
“Biết rõ nước bẩn mà vẫn để dân ăn uống là tội ác” |
Các doanh nghiệp phân phối nước cũng phải có hệ thống quan trắc, chịu trách nhiệm về chất lượng nước.
Từ vụ nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng: “Phải rà soát lại các quy trình để quy phạm hóa, quy trình hóa, không để xảy ra vụ việc tương tự, Hà Nội phải rút kinh nghiệm để chỉ đạo khắc phục, không để xảy ra nữa, việc bảo đảm an ninh nguồn nước không phải không làm được”. (1)
Chưa rõ, những ngày đã qua và tới đây Hà Nội sẽ áp dụng các biện pháp gì để ngăn chặn thật sự hiệu quả, không để xảy ra tình trạng tương tự?
Bên lề cuộc họp Quốc Hội hôm 22/10, trao đổi về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp nước cho Hà Nội trong vụ việc này, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường nói: "Phản ứng của người dân, suy nghĩ của người dân nói chung cũng là suy nghĩ của tôi. Tôi cũng ăn nước ấy, gia đình tôi cũng mất 3 ngày ăn uống nguồn nước nhiễm dầu đó mà không hay biết.
Rõ ràng không phải bàn gì nhiều về tính chất hành vi trong trường hợp này. Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ đã không đưa ra những giải pháp đúng đắn và kịp thời với sự cố.
Họ đã không nghĩ đến lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng, không lường hết những hệ quả, tác hại gây ra. Thậm chí, phải dùng từ hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết ở đây".
Theo ông Hà thì người sử dụng nước có thể có thể kiện đơn vị cung cấp nước không đảm bảo chất lượng, và những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bẩn có thể bị các cơ quan pháp luật xử lý từng bước.
"Cung cấp thuốc giả thì đi tù, vậy nước bẩn cũng có thể đi tù chứ sao, đây là tính mạng hàng trăm ngàn người dân đang sinh sống tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đang lo lắng bởi nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn", Bộ trưởng Hà nói. (2)
Đây là chuyện hệ trọng trong quản lý nước sạch và cần phải khởi tố việc buông lỏng quản lý Ảnh: Thế Đại. |
Khi sự việc xảy ra, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội vào ngày 15/10, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà thừa nhận: “Đây là lần đầu tiên gặp sự cố dạng này và bày tỏ mong muốn được thông cảm với lý do trong 10 năm phục vụ người dân Thủ đô… qua đây chúng tôi cũng rút kinh nghiệm”.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13, nêu quan điểm: “Kinh doanh nước là một lĩnh vực hết sức đặc thù và có điều kiện, nó khác biệt hoàn toàn với các lĩnh vực khác, bởi có ảnh hưởng tới sức khỏe của từng con người.
An ninh về nước rất quan trọng, đây là vấn đề an ninh quốc gia, ngang tầm với an ninh năng lượng. Rõ ràng là nước bị nhiễm dầu, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của hàng vạn hộ dân mà giám đốc Viwasupco lại nói không có độc, lại còn nói các chỉ số trong nước vẫn bình thường.
Từ những bất thường trong vụ việc này, tôi cho rằng lãnh đạo Thành phố Hà Nội cần phải yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc, có thể phải xem xét trách nhiệm hình sự vì liên quan đến tính mạng con người, chứ không phải chỉ là câu nói xin rút kinh nghiệm là xong.
Nếu không phát hiện ra trong nước có dầu nhớt thì quy trình lọc nước và phân phối nước cho dân quá tệ hại. Nếu biết mà vẫn bơm nước đến hàng vạn hộ dân như thế là tội ác, phải nghiêm trị”.
Bà An cho rằng: “Qua vụ việc này, vấn đề giao cho tư nhân kinh doanh những lĩnh vực có tính chất độc quyền, cho thấy 'lỗi hệ thống' trong tư duy quản trị.
bên cạnh việc phải xử lý hình sự những người đổ dầu trộm vào đầu nguồn nước Sông Đà, thì việc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội để cho một công ty hoạt động trong một lĩnh vực độc quyền mà thiếu giám sát, trước hết là lỗi của chính quyền Hà Nội vì không giám sát chặt chẽ.
Những chuyện như ô nhiễm nước sẽ còn xảy ra nữa, bởi một công ty hoạt động chạy theo lợi nhuận, trong một lĩnh vực độc quyền, thì họ sẽ có những động lực lợi ích hoàn toàn khác với mục tiêu của công ty công ích.
Hiện nay mới khởi tố hình sự việc đổ dầu thôi, còn chưa xem xét là liệu có khởi tố việc tắc trách, để cho một lượng nước như thế vào hệ thống kiểm soát, hệ thống lọc nước và như là vô trách nhiệm hoặc là nhắm mắt làm ngơ.
Đây là chuyện hệ trọng trong quản lý nước sạch và cần phải khởi tố việc buông lỏng quản lý này.
Đằng sau chuyện khởi tố này nó còn vấn đề dân sự, người dân có quyền và cần được tạo điều kiện để kiện dân sự về vụ việc này, vấn đề độc quyền trong cung cấp dịch vụ dân sinh".
Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà nước cho hàng vạn hộ dân khu vực phía Tây Hà Nội. Đơn vị này từng dính sự cố vỡ đường ống nước liên tiếp và vào năm 2018 có nhiều bị cáo liên quan đến các vụ việc này lãnh án với tội danh "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Tài liệu tham khảo:
1. https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bi-thu-hoang-trung-hai-noi-ve-trach-nhiem-trong-vu-nuoc-sach-nhiem-dau-thai-post203644.gd
2. https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-truong-tran-hong-ha-gia-dinh-toi-phai-su-dung-nguon-nuoc-song-da-nhiem-ban-trong-3-ngay/829924.antd