Đều đều các buổi tối thứ 2, 4, 6 trong tuần, giáo viên trường Tiểu học Nậm Lư (Mường Khương) lại cùng nhau xuống thị trấn tham gia các lớp học tiếng H’Mông phục vụ công tác giảng dạy.
Thầy Phạm Văn Toàn, người tự nhận có 2 “ngoại ngữ” (tiếng H’Mông và tiếng Anh) hóm hỉnh:
Chứng chỉ ngoại ngữ có cần thiết cho giáo viên không? |
“Giáo viên chúng tôi hay đùa nhau ai cũng có 2 – 3 ngoại ngữ.
Bên cạnh tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung...giáo viên ở đây đều biết tiếng H’Mông, tiếng người Nùng, người Dao...
Việc học ngôn ngữ của bà con dân tộc thiểu số giúp ích rất nhiều cho công tác giảng dạy.
Bởi học sinh xuống đây hầu hết đều nói tiếng dân tộc của các em.
Giáo viên muốn giao tiếp được với học sinh không còn cách nào khác là phải học thêm tiếng đồng bào dân tộc.
Sau khi mình biết ngôn ngữ của các em thì việc uốn nắn và bảo ban các em mới hiệu quả hơn”.
Khi được hỏi, thầy dùng tiếng Anh nhiều hơn hay tiếng H’Mông nhiều hơn?, thầy Toàn cười:
“Tất nhiên ở đây giáo viên dùng tiếng H’Mông nhiều hơn. Sử dụng tiếng Anh thì biết nói với ai?
Các em học sinh ở trường để dạy các em nói được tiếng phổ thông, học được chữ quốc ngữ là khó lắm rồi. Việc giao tiếp hay nói chuyện bằng tiếng Anh gần như là không thể.
Giáo viên ở đây không có môi trường để nói ngoại ngữ như ở dưới miền xuôi”.
Vùng cao thiếu môi trường để giao tiếp và rèn luyện tiếng Anh cho nên chứng chỉ ngoại ngữ liệu có cần thiết (Ảnh:V.N) |
Chính vì lý do như vậy, thầy Toàn đánh giá: Chứng chỉ tiếng H’Mông quan trọng hơn nhiều so với chứng chỉ tiếng Anh. Chứng chỉ tiếng Anh chúng tôi học và thi cho đủ hồ sơ, sau lại “bỏ xó”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoan, cũng vừa hoàn thành xong lớp học tiếng H’Mông và nhận chứng chỉ tiếng H’Mông.
Mặc dù cô Hoan dạy tiếng Anh ở trường nhưng vẫn học thêm ngôn ngữ của một số đồng bào dân tộc thiểu số để phục vụ công tác giảng dạy.
Cô tâm sự: “Không chỉ riêng tôi mà tất cả giáo viên ở vùng cao hầu hết đều phải học thêm ngôn ngữ của đồng bào dân tộc.
Mặc dù tôi dạy tiếng Anh nhưng thi thoảng vẫn phải dùng tiếng H’Mông để nói chuyện với các em. Học tiếng Anh trên đây rất khó áp dụng vì thiếu môi trường để mình thực hành.
Học sinh hoặc đồng nghiệp chỉ thường nói chuyện với nhau bằng tiếng phổ thông hoặc tiếng dân tộc chứ mấy khi nói chuyện hoặc giao tiếp bằng tiếng Anh. Nên tôi nói chuyện bằng tiếng Anh một mình có khi người ta lại bảo dở hơi”.
Ở vùng cao việc biết tiếng H'Mông còn quan trọng hơn tiếng Anh trong việc giảng dạy (Ảnh:Đức Minh) |
Câu chuyện về quy định chứng chỉ tiếng Anh, tin học không phải là một câu chuyện mới.
Tuy nhiên những người hiểu rõ nhất tính hình thức của quy định trên chính là những giáo viên vùng cao.
Làm công tác hiệu trưởng đã hơn 20 năm, cô N.T.H vẫn đánh giá: “Việc yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh, tin học giáo viên vẫn nặng tính hình thức.
Cô H. nói: “Tôi tâm sự thật lòng dưới tư cách người làm quản lý, giáo viên của chúng tôi ở trên đây chẳng có ai dùng tiếng Anh đi dạy hoặc giao tiếp. Vì lấy ai để giao tiếp, lấy ai để dạy.
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thầy cô được học những gì? |
Đối với các cháu người dân tộc thiểu số hầu hết các em chỉ giao tiếp bằng ngôn ngữ dân tộc mình.
Những giáo viên của trường phải mất cả năm trời mới giúp các em có thể đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông.
Cho nên để học sinh nói được tiếng phổ thông, học được chữ Quốc ngữ là vượt quá mong đợi của chúng tôi rồi.
Thêm nữa có nhiều môn học không sử dụng tiếng Anh nhưng vẫn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ chẳng hạn như môn ngữ văn, môn lịch sử…
Trong các giờ học ngữ văn, giáo viên thường lồng ghép những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc cho học sinh nghe và hiểu chứ ai đi nói tiếng Anh làm gì”.
Cũng theo cô H. quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học “làm khổ” giáo viên vùng cao:
“Chúng tôi muốn học và thi chứng chỉ là phải về tận thành phố Lào Cai cách đây 70 km. Học xong rồi thi và lấy chứng chỉ.
Thứ nhất là mất thời gian vì thời gian học cũng khá lâu lại xa nơi mình dạy học, nơi mình ở, giáo viên phải đi đi về về.
Thứ hai, học xong chỉ để đấy cho đẹp hồ sơ cũng không áp dụng gì được ở đây.
Thứ ba, tốn kém tiền bạc cho giáo viên trong khi mức lương của giáo viên vùng cao vốn đã thấp lại phải bỏ một số tiền đi học chứng chỉ xong về để đấy”.
Nhiều quy định đang xa rời thực tế, có tính chất cào bằng (Ảnh:V.N) |
Do vậy cô H. mong muốn: “Chúng tôi mong có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện từng vùng. Bởi giữa vùng đồng bằng và vùng cao điều kiện kinh tế, xã hội là khác nhau.
Cho nên những tiêu chuẩn cào bằng như thế này rất khập khiễng. Giáo viên dưới xuôi có điều kiện để học và giao tiếp, giảng dạy tiếng Anh chứ trên đây toàn rừng núi, học sinh hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số thì giáo viên nói tiếng Anh với ai mà cần chứng chỉ”.
Tiếng lòng của một số giáo viên vùng cao đã chỉ ra được một bất cập trong các quy định, tiêu chuẩn trước đây.
Bất cập đó đến từ sự cào bằng mà không căn cứ theo điều kiện của từng vùng, từng miền.
Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng: “Cũng giống như việc triển khai thi trên máy tính, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cần phải căn cứ điều kiện thực tế của từng vùng, từng địa phương.
Không thể lấy vùng A để áp đặt cho vùng B bởi bản chất 2 vùng là khác nhau. Đối với giáo viên và học sinh vùng cao cần có những chính sách khác biệt và phù hợp chứ không thể căn cứ những quy định chung chung được”.
Sau 26 năm tồn tại, chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C chính thức bị xóa sổ bằng việc dừng kiểm tra và cấp chứng chỉ từ ngày 15/1/2020. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT.
Theo đó, bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên (Chương 3 Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên kèm theo Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6/6/2008).
Tuy nhiên giáo viên vùng cao vẫn mong muốn có những chính sách thực tế hơn căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng vì hiện nay chứng chỉ tiếng H’Mông còn quan trọng hơn chứng chỉ ngoại ngữ.