Ngày 8/11/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: “Chuẩn ngoại ngữ mới cho giáo viên”.
Theo nội dung bài báo, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức” nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí, việc làm và khung năng lực theo quy định.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, có 60% viên chức và 50% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) trở lên; hướng đến năm 2030 sẽ đảm bảo 70% viên chức và 60% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) trở lên.
Như vậy, giáo viên/nhân viên (sau đây gọi chung là viên chức) làm việc ở đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục (ngoại trừ giáo viên ngoại ngữ) phải tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ để đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) theo quy định.
Ở trường học, phải có 60% viên chức đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4. Đối với giáo viên giữ chức vụ lãnh đạo quản lý (Hiệu trưởng, Hiệu phó, tổ trưởng/tổ phó chuyên môn và văn phòng) phải có 50% đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4.
Viên chức phải vận dụng được những kiến thức về ngoại ngữ để nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ mới là điều thiết thực nhất. (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn) |
Chúng tôi có mấy điều băn khoăn với đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức” như sau:
Thứ nhất, trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) rất khó để viên chức có thể đạt được, nếu thi cử nghiêm túc.
Bởi, để đạt được trình độ này, viên chức phải thi qua 3 kĩ năng: nói, nghe và viết.
Kĩ năng nói: Kể cả giáo viên dạy tiếng Anh hiện nay, nhiều người cũng phát âm sai, cho nên thí sinh nói được một đoạn văn để giám khảo hiểu không phải dễ, kể cả học thuộc lòng.
Hơn nữa, thí sinh không phải thích gì nói đó mà phải trả lời từng câu hỏi của giám khảo. Mỗi câu hỏi liên quan đến một chủ đề khác nhau, thì liệu họ có đủ vốn từ để nói hay không?
Kĩ năng nghe: Thí sinh nghe một đoạn văn (dài) do người bản ngữ nói, sau đó trả lời các câu hỏi liên quan.
Phần nghe thường khiến thí sinh lo sợ nhất (sợ bị điểm liệt), bởi họ phát âm chưa chuẩn, vốn từ vựng hạn chế nên khó hiểu được người bản ngữ nói gì. Và không phải lúc nào âm thanh ở phòng thi cũng đủ chuẩn để thí sinh nghe được rõ ràng.
Cho nên, sau khi nghe xong, nhiều thí sinh đánh lụi các câu hỏi trắc nghiệm. Riêng phần điền từ, thí sinh thường để trống (vì không nghe được).
Phần viết: Thí sinh viết một đoạn văn về một chủ đề nào đó, có nội dung rõ ràng và có độ dài theo quy định.
Để viết được đoạn văn, thí sinh cần có đủ vốn từ, nắm chắc ngữ pháp, nắm vững văn phong tiếng Anh thì mới có thể hoàn thành được.
Tuy vậy, qua những kì thi cấp chứng chỉ tiếng Anh, hiếm có thí sinh nào thi hỏng, thậm chí nhiều người được xếp loại khá giỏi.
Thi cử khó khăn là thế, vậy họ đỗ bằng cách nào?
Thường những cơ sở đào tạo nghiêm túc rất ít người học vì sợ rớt. Những cơ sở được nhiều người đăng kí thường thu học phí và lệ phí cao, kèm theo những chiêu trò mà chỉ có người trong cuộc mới biết.
Đề thi chứng chỉ tiếng Anh thường có hơn 70% câu hỏi trắc nghiệm. Thí sinh làm bài thế nào, chỉ có giám khảo (của cơ sở đào tạo đó) và bản thân thí sinh biết mà thôi.
Cho nên, nhiều người có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng thường hữu danh nhưng vô thực, chỉ để làm đẹp hồ sơ.
Thứ hai, viên chức sử dụng kiến thức tiếng Anh thế nào trong công tác quản lí, giảng dạy/văn phòng?
Trước hết, với lãnh đạo, nhiệm vụ chính họ phải làm là công tác hành chính, chuyên môn và cơ sở vật chất.
Tiếp đến, nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy, hoặc có thể kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm, thư viện, văn phòng (số ít).
Cuối cùng, các nhân viên như kế toán, văn thư, văn phòng, thiết bị-thí nghiệm, công nghệ thông tin… thì mỗi vị trí có một nhiệm vụ riêng.
Như thế để thấy rằng, lãnh đạo quản lí, giáo viên và nhân viên ở trường học chỉ đơn thuần làm công tác hành chính, chuyên môn, nghiệp vụ chứ không phải làm công tác nghiên cứu.
Chúng tôi nhận thấy, ít ai vận dụng kiến thức tiếng Anh nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, bởi kiến thức thầy cô giảng dạy cho học sinh chỉ mang tính phổ thông.
Chỉ một số trường chất lượng cao dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh thì giáo viên mới có cơ hội sử dụng ngoại ngữ này.
Tiếng Anh chỉ cần cho những người làm công việc nghiên cứu để tìm thêm tài liệu tham khảo. Và cho dù có làm công tác nghiên cứu thì không phải ai cũng có thể sử dụng được tiếng Anh, bởi từ vựng trong nghiên cứu mang tính học thuật rất cao.
Quy định thời hạn sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học |
Thứ ba, những viên chức nào được miễn chứng chỉ tiếng Anh, trong số 40, 50% còn lại? Cũng có thể là viên chức trên 55 tuổi, nhưng đây là con số ít.
Vậy những viên chức được miễn chứng chỉ tiếng Anh liệu có bị xếp hạng thấp? Và như thế, lương của họ có bị trả thấp hơn không?
Với viên chức bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh, liệu họ có bị ép buộc cho đủ chỉ tiêu không?
Và như thế, liệu có công bằng không?
Thứ tư, đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức” có nội dung:
“Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho viên chức được bố trí từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm nguồn ngân sách Nhà nước bố trí cho đơn vị); đóng góp của viên chức và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, người được cử đi học chứng chỉ tiếng Anh phải tốn một khoản kinh phí, nhiều hay ít tùy thuộc vào chi tiêu nội bộ và nguồn kết dư của từng đơn vị.
Nếu đơn vị không có tiền chi trả thì người học phải tự bỏ tiền túi, trong khi đồng lương của viên chức ngành giáo dục hiện nay không đủ sống.
Đơn vị nào đủ tiền chi trả một phần cho viên chức thì phúc lợi của người lao động sẽ bị cắt giảm. Những dịp như lễ, Tết, ngày 20/11… viên chức ít được quan tâm về vật chất (dĩ nhiên có cả tinh thần) thì cũng khó động viên họ làm tốt công việc.
Thiết nghĩ, viên chức phải vận dụng được những kiến thức về ngoại ngữ để nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ mới là điều thiết thực nhất.
Đây cũng là điều chúng tôi trăn trở lắm thay…
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuan-ngoai-ngu-moi-cho-giao-vien-post204663.gd?fbclid=IwAR3AfDQKGKn51y-1Vobfnt261yp6QZZC66rlLs3xhkixlJSUeZ6PmUpAuog
[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/toi-thay-rang-quy-dinh-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-la-khong-can-thiet-post204149.gd