Phụ huynh bị chặn đòi ủng hộ
Phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, phụ huynh Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội) bức xúc trước hàng loạt vấn đề có dấu hiệu tiêu cực tại ngôi trường này.
Đáng nói, ngay từ đầu chân ướt chân ráo đến nộp hồ sơ tuyển sinh lớp 6, ngày 22/7, phụ huynh đã bị chặn lại bởi một người tự xưng đại diện ban cha mẹ học sinh của trường kêu gọi tối thiểu mỗi phụ huynh 1 triệu đồng để làm nhà để xe cho học sinh.
Nếu phụ huynh nào may mắn lọt qua khâu này đến phòng nộp hồ sơ tuyển sinh xong sẽ được nhân viên nhận hồ sơ nhắc khéo đến gặp bác phụ huynh bên ngoài để hoàn thiện thủ tục.
Hiệu trưởng đừng mượn tay Ban đại diện cha mẹ học sinh để lạm thu |
Một phụ huynh có con học lớp 6 bức xúc cho biết: “Khoảng 14h ngày 22/7 tôi đến nộp hồ sơ tuyển sinh cho con vào lớp 6, ngay lối vào phòng nộp hồ sơ của trường có một phụ huynh nam nói là đại diện ban phụ huynh trường.
Người này gặp từng người đến nộp hồ sơ và kêu gọi mỗi phụ huynh đầu cấp ủng hộ nhà trường tối thiểu 1 triệu đồng để xây nhà để xe cho học sinh. Trường đã có nhà để xe nhưng đã cũ cần làm thêm chỗ để mới.
Biết nói gì, chúng tôi đành phải ủng hộ, thời điểm đó cũng có rất nhiều phụ huynh đến nộp hồ sơ và cũng phải ngậm ngùi rút 1 triệu đồng ủng hộ”.
Phụ huynh này cũng chỉ rõ: “Nếu người nào đến nộp hồ sơ không ủng hộ sẽ bị nhân viên nhận hồ sơ của trường nhắc ra gặp vị phụ huynh đó.
Lo ngại không ủng hộ trường, hồ sơ con không được duyệt, như thế con sẽ không được đi học. Bởi vậy, tôi và nhiều phụ huynh nộp hồ sơ hôm đó đã nộp cho vị phụ huynh đại điện cho ban đại diện của trường”.
Đáng nói không chỉ phải ủng hộ 1 triệu đồng cho ban phụ huynh nhà trường, phụ huynh khối 6 còn được nhà trường ưu ái chọn cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp trước khi có buổi họp phụ huynh đầu tiên.
“Buổi họp phụ huynh đầu năm học, chúng tôi khá bất ngờ khi giáo viên chủ nhiệm giới thiệu lớp đã có ban phụ huynh lớp do nhà trường chọn giúp.
Ngay sau khi ra mắt ban phụ huynh của lớp, trưởng ban phụ huynh lớp bàn việc đầu tiên là yêu cầu phụ huynh đóng tiền mua sắm điều hòa, thiết bị, máy chiếu… vì lớp trước ra trường đã tháo đi”, một phụ huynh nói.
Một phụ huynh có con học lớp 6 thông tin thêm: “Chưa biết lớp cần mua sắm những gì, dự chi bao nhiêu, nhưng ban phụ huynh lớp đã thu mỗi phụ huynh 1,5 triệu đồng.
Biết vô lý, nhưng trong tình huống đó mọi người đều đóng mà mình không đóng sẽ rất khó cho con. Gần như hôm đó phụ huynh đi họp đều đóng ngay”.
Ngay buổi đầu họp phụ huynh khối 6, trường đã dựng sẵn ban phụ huynh để thu nhiều khoản tiền vô lý. Ảnh: Hoàng Hải Yến. |
Chia sẻ với phóng viên, nếu như việc đóng góp để mua trang thiết bị phục vụ đó hoàn toàn công khai, minh bạch nhằm phục vụ cho cả lớp sẽ không có gì đáng nói. Tuy nhiên, việc mua sắm sau đó sử dụng tiền đóng góp của phụ huynh không được công khai, minh bạch.
Một phụ huynh chỉ rõ: “Bằng mắt thường quan sát cũng có thể thấy những thiết bị, điều hòa lắp cho lớp không giống như hàng mới. Phụ huynh bức xúc lắm mà không biết kêu ai.
Có một điều kỳ lạ ở ngôi trường này đó là học sinh khối 6, phụ huynh đóng một mức như nhau 1,5 triệu đồng.
Chỉ riêng khối 6 năm học 2019-2020 có 11 lớp, bình quân 45 học sinh một lớp, như vậy tính ra mỗi lớp số tiền đóng góp khoảng trên 67 triệu đồng. Tính cả trường 11 lớp số tiền lên đến trên 700 triệu đồng”.
Phụ huynh Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển đặt nghi vấn có hay không việc nhà trường cùng với ban đại diện phụ huynh do trường dựng lên mập mờ trong việc mua sắm thiết bị cũ mới để hưởng lợi vật chất.
Không những thế chỉ riêng kỳ 1 phụ huynh đã phải đóng 800 ngàn đồng tiền quỹ lớp và đóng thêm 500 ngàn đồng nữa mà phụ huynh không biết ban phụ huynh chi tiêu những gì.
“Thực tế khối 9 ra trường sẽ tặng lại cho trường, vậy số điều hòa, thiết bị này đi đâu? Bằng mắt thường quan sát những thiết bị này nói là mua mới nhưng không mới”, một phụ huynh đặt vấn đề.
Một vấn đề nữa khiến phụ huynh bức xúc đó là giáo viên của trường đưa học sinh ra ngoài trung tâm học thêm. Nếu học sinh nào không học thêm sẽ bị cô giáo đối xử theo kiểu rất phản cảm, làm mất hình ảnh người thầy đáng kính trong mắt học trò và phụ huynh.
“Con tôi không đi học thêm cô giáo dạy môn Văn ở ngoài trung tâm. Trên lớp cô bất ngờ chấm vở con tôi và cho điểm rất thấp. Cô yêu cầu con tôi mang về cho bố mẹ ký tên vào.
Trong khi đó, các bạn đi học thêm cô giáo không bị như vậy. Thật khó hiểu và buồn cho một cô giáo dạy Văn, mà dạy văn chính là dạy học sinh đến cái đẹp lại có cách cư xử như vậy”, một phụ huynh chua xót nói.
Cô Trương Thị Quý Hoa, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển từ chối trả lời báo chí và cũng không bình luận gì về thông tin phụ huynh phản ánh. Ảnh: Người Đưa Tin. |
Huyện Thanh Trì "cấm cửa" Báo chí?
Để làm rõ những nội dung phụ huynh phản ánh, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với cô Trương Quý Hoa, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển.
Tuy nhiên, cô Trương Quý Hoa từ chối cung cấp thông tin với lý do theo quy định của huyện Thanh Trì, phóng viên phải có giấy giới thiệu của lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Thanh trì hoặc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì.
Phóng viên tiếp tục liên hệ với bà Nguyễn Thị Tuyết Lê, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì. Nhưng bà Lê một lần nữa đưa ra quy định của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì rằng, phóng viên liên hệ với lãnh đạo huyện. Phòng không được phát ngôn.
Để làm rõ quy định riêng của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì có phải đang gây khó, cản trở báo chí tác nghiệp, phóng viên liên hệ với ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì.
Tuy nhiên, ông Quỳnh đề nghị phóng viên liên hệ với ông Chử Mạnh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân, Trưởng Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính huyện Thanh Trì.
Trao đổi với phóng viên, ông Chử Mạnh Thắng cho rằng: “Báo chí có nội dung cần phản ánh sẽ chuyển đến văn phòng của Ủy ban nhân dân huyện. Sau đó, bộ văn phòng sẽ báo cáo lãnh đạo huyện.
Sau đó lãnh đạo sẽ chỉ đạo kiểm tra nội dung Báo quan tâm. Khi có kết quả, Ủy ban nhân dân huyện sẽ trả lời cơ quan báo chí bằng văn bản”.
Hiệu trưởng không được hách dịch, cửa quyền, trù dập, bưng bít |
Để khách quan, phóng viên đề nghị được làm việc với trường về nội dung phụ huynh phản ánh, tuy nhiên, ông Chử Mạnh Thắng cho biết: “Về quản lý nhà nước, trên địa bàn huyện, tất cả các đơn vị thuộc huyện quản lý sẽ giao cho một đầu mối văn phòng các nội dung báo chí phản ánh để báo cáo lãnh đạo huyện.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo huyện sẽ giao phòng chuyên môn kiểm tra, làm rõ. Nếu đúng như các thông tin báo chí thông tin, lãnh đạo huyện sẽ chỉ đạo xử lý theo mức độ vi phạm”.
Điều khó hiểu, ông Chử Mạnh Thắng lại cho rằng: “Các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện như trường học không được quyền phát ngôn với báo chí”.
Điều rất khó hiểu, ông Chử Mạnh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân, Trưởng Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhưng lại hiểu lơ mơ Luật Báo chí.
Ông Thắng cho rằng: “Báo chí cũng giống như trả lời đơn thư của công dân. Tất cả đơn thư đến, đồng chí chủ tịch ủy ban sẽ giao cho các phòng chức năng kiểm tra báo cáo lãnh đạo huyện. Sau đó lãnh đạo sẽ trả lời công dân.
Đó là quy định của huyện”.
Phóng viên tiếp tục hỏi ông Chử Mạnh Thắng về việc “cấm cửa” báo chí như vậy theo văn bản nào của huyện Thanh Trì và do ai ký. Tuy nhiên, ông Thắng không trả lời.
Ông Thắng khẳng định: “Huyện hoàn toàn chịu trách nhiệm thông tin phản hồi báo chí, nếu sai chịu trách nhiệm”.
Ông Thắng cũng cho rằng, nếu văn bản trả lời của huyện không thỏa mãn cơ quan báo chí là trách nhiệm của báo chí. Báo chí không phải là cơ quan điều tra.