Anh N.V.M có con đang học tại một trường ở Hà Nội cho biết:
“Tiền học chính của cháu thì không nhiều chỉ khoảng 150.000 đồng/ tháng.
Cháu nhà tôi đang học lớp 6, trường không dạy buổi 2, không ăn bán trú cho nên tiền học chính khóa cũng không quá cao nhưng nặng tiền nhất là tiền học thêm.
Chống được lạm thu và học thêm cưỡng bức sẽ ý nghĩa hơn nhiều việc miễn học phí |
Chỉ tính riêng việc học thêm tại nhà cô 3 môn: Văn, Toán, Anh gia đình đóng khoảng 1.2 triệu đồng/ tháng như vậy là gần gấp 10 lần so với tiền học chính khóa”.
Cháu N.Đ.L là con của anh N.V.M, một tuần M. chỉ học các buổi sáng tại trường còn hầu hết các buổi chiều (trừ chủ nhật) là đi học thêm tại các lớp dạy thêm do giáo viên trong trường mở.
Một tuần, L. học 5 buổi, một tháng 20 buổi và đóng tiền học phí là 1.2 triệu đồng/ tháng. Như vậy trung bình chi phí cho một buổi học thêm là 60.000 đồng.
Cháu L. nói: “Ở lớp cháu hầu như các bạn đều đi học thêm nhà cô giáo. Môn Toán do cô giáo tên Trinh dạy. Ba cô dạy môn Toán, Văn, Anh thuê một nhà dân để dạy học.
Tiền học phí ở trường thì không cao chủ yếu nặng nhất là tiền học thêm. Cháu tính tiền học thêm cũng gần gấp 10 lần so với tiền học chính.
Mặc dù cô giáo nói học thêm là tự nguyện, không ép buộc nhưng hầu hết cả lớp đều đi học. Lớp cháu có 58 bạn chỉ có khoảng 1-2 bạn là không đi học thêm thôi”.
Một đứa trẻ chỉ mới học lớp 6 cũng có thể nhận ra được nghịch lý này. Đó là lý do vì sao cứ đến dịp đầu năm phụ huynh các trường công lập lại kêu “oai oái” vì hết khoản này đến khoản khác.
Vẫn có nhiều giáo viên mang học sinh chính khóa ra bên ngoài trường để dạy thêm (Ảnh:N.D) |
Người trong ngành cứ than vãn: Nghề giáo viên bạc lắm, nghèo lắm! Nhưng thực tế nếu tính số tiền từ dạy thêm thì con số không phải là nhỏ.
Lấy ví dụ lớp dạy thêm của cô giáo Tr. có khoảng 58 học sinh, một tháng cô thu 1.2 triệu/ học sinh vị chi là gần 60 triệu từ tiền học thêm.
Chưa kể các cô còn dạy hai lớp: khối 6, khối 7. Sau khi trừ đi 10 triệu tiền thuê nhà, tiền điện nước các cô phải thu lại khoảng 110 triệu đồng/ tháng/ 3 cô.
Như vậy mỗi giáo viên này bỏ túi ngót nghét gần 40 triệu đồng/ tháng từ việc dạy thêm. Những con số biết nói như thế này chứng minh được rằng dạy thêm vẫn là nguồn thu nhập chủ yếu của giáo viên.
Thậm chí nhiều người chỉ cần được mang cái mác giáo viên rồi ra ngoài dạy thêm. Trên thực tế tiền lương của giáo viên chỉ chiếm phần nhỏ so với tổng thu nhập của giáo viên.
Mặc dù trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT: Ban hành quy định về dạy thêm, học thêm nhưng trên thực tế nhiều giáo viên vẫn bất chấp để dạy thêm.
Trong thông tư này có rất nhiều quy định chặt chẽ về nguyên tắc mở trung tâm dạy thêm, giáo viên dạy thêm ngoài trường nhưng điều 22: xử lý vi phạm lại rất chung chung dẫn đến tình trạng nhờn luật.
Tiền học thêm phụ huynh đang đóng gấp 10 lần tiền học chính khóa (Ảnh:N.D) |
Không khó có thể nhận ra thực trạng giáo viên vẫn mang học sinh chính khóa ra ngoài trường dạy.
Bên cạnh khía cạnh về pháp luật, phụ huynh cũng thắc mắc: Việc học thêm ngoài trường có thực sự hiệu quả và bổ ích cho học sinh hay chỉ là cách giáo viên kiếm tiền?
Anh N.V.M đặt vấn đề: “Cả lớp phụ huynh nào cũng cho con đi học thêm chẳng lẽ mình lại không cho đi. Không cho con đi lại lo lắng con ở lớp có vấn đề gì cũng không được các cô giúp đỡ, bênh vực.
Mặc dù biết học thêm là tốn gấp 10 lần học chính nhưng vẫn phải cho con đi. Tôi chỉ thắc mắc là đối với học sinh lớp 6 thì cần gì phải bắt các con học thêm với cường độ và lịch học dày như vậy? Để làm gì?”.
Phụ huynh trường cấp 2 thị trấn Văn Điển cũng rất bức xúc tố thẳng giáo viên dùng chiêu trò ép các con đi học.
Không tùy tiện lập quỹ để ép học sinh đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện |
Phụ huynh này nói: “Giáo viên trên lớp dạy hời hợt, minh chứng là cái gì cũng cho ghi đọc sách giáo khoa. Nếu đọc sách giáo khoa đâu cần giáo viên dạy.
Học sinh cần giáo viên dạy truyền lửa, không nên giáo điều,tôn trọng cách viết và sự sáng tạo của học sinh, nên gợi ý cho học sinh viết theo cách này hay cách khác.
Giáo viên Trường trung học cơ sở thị Trấn Văn Điển chỉ chăm làm thêm, biến tướng dưới hình thức là dạy thêm vào chiều thứ bảy và ngày chủ nhật ở nhà giáo viên hoặc giáo viên nào không có điều kiện dạy thêm ở nhà được thì giáo viên chung chi thuê ở một nơi nào rồi tập trung dạy.
Vì áp lực học thêm và lịch học quá dày gần như không có ngày nghỉ cho nên phụ huynh đã phản ánh về sở giáo dục và giáo viên đã chuyển địa điểm đến nơi mới xa khu dân cư, gần Trường Chu Văn An, Thanh Trì bắt đầu từ chủ nhật ngày 13/10/2019”.
Một điều khá ngạc nhiên trong khi trường công xảy ra tình trạng biến tướng dạy thêm thì các trường tư lại hiếm khi xảy ra tình trạng này.
Điều này đúng với chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng quản trị hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Câu chuyện bên lề các buổi hội thảo do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, thầy Hòa cho biết:
“Những chuyện dạy thêm, lạm thu hầu hết xảy ra ở các trường công chứ trường tư làm gì có dạy thêm.
Bởi ở trường tư các kiến thức thầy cô dạy hết trên lớp rồi chứ không có chuyện mang về nhà đề dạy thêm, ép học sinh đi dạy thêm.
Tại trường tư phụ huynh có quyền hài lòng hoặc không hài lòng với việc giảng dạy vì đây là dịch vụ giữa bên cung cấp dịch vụ và khách hàng còn tại trường công là cơ chế xin cho”.
Tại một số trường công: Học phí 1, lạm thu 10 (Ảnh:N.D) |
Khảo sát nhiều phụ huynh có con học trường tư, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời có rất ít các trường hợp (hoặc có thể nói là không có) học sinh bị ép đi học thêm.
Bên cạnh vấn đề học thêm, dạy thêm biến tướng thì tình trạng lạm thu tại các trường công lập cũng diễn ra rất nhức nhối. Nhìn vào danh sách thu đầu năm tại các trường mới thấy tiền học phí chỉ bằng khoảng 1/5 so với những khoản khác.
Cho nên nhiều phụ huynh nói: Học trường công cứ ngỡ là rẻ, học phí đúng là rẻ nhưng cộng các khoản khác mới thấy còn quá học phí trường tư.