Đã nhận tiền của nhau thì làm sao còn khách quan khi chọn sách giáo khoa

11/12/2019 06:30
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: “Cơ quan quản lý nhà nước khi bắt tay với một doanh nghiệp thì làm sao còn khách quan nữa”.

Hiện tại có 5 bộ sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Chỉ riêng bộ "Chân trời sáng tạo" có sự tham gia của lãnh đạo, cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.

Những ngày qua câu chuyện một số cá nhân thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thù lao hàng tháng của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong việc chỉ đạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa miền Nam đang làm dư luận đặt ra nhiều băn khoăn.

Trước vấn đề này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: “Cơ quan quản lý nhà nước khi bắt tay với một doanh nghiệp thì làm sao còn khách quan nữa”.

Theo Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: “Cơ quan quản lý nhà nước khi bắt tay với một doanh nghiệp thì làm sao còn khách quan nữa”. (Ảnh: Báo Vietnamnet)
Theo Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: “Cơ quan quản lý nhà nước khi bắt tay với một doanh nghiệp thì làm sao còn khách quan nữa”. (Ảnh: Báo Vietnamnet)

Chia sẻ thêm, ông Dong nói: “Ở một số quốc gia họ cấm chuyện này bởi về logic mà nói, “đi đêm” với nhau đến khi lựa chọn sách giáo khoa cho địa phương mình thì lại không chọn bộ sách do mình tham gia biên soạn. Làm sao có thể không chọn bộ sách mà hai bên đã phối hợp thực hiện!”. 

Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trả thù lao "hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa" cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh mỗi người 2,5 đến 6 triệu đồng/ tháng từ năm 1/5/2015, trong khi tháng 12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chính thức công bố chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam không biết đã dựa trên căn cứ nào để làm sách giáo khoa trước hơn 2 năm so với thời điểm chính thức có chương trình môn học, hoạt động giáo dục”, Giáo sư Dong nhấn mạnh. 

Ông Lê Hồng Sơn nói nếu không có thù lao của nhà xuất bản thì ai làm sách?

Ngoài ra, ông Dong cũng cho rằng, việc làm này của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh có thể dẫn tới tình trạng 62 Sở Giáo dục và Đào tạo còn lại đều muốn kết hợp với Nhà xuất bản để có bộ sách giáo khoa của tỉnh mình, địa phương nào chỉ học sách giáo khoa của địa phương đó. 

Với mức thù lao 6 triệu đồng/tháng mà Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh còn cho rằng không đáng bao nhiêu thì không biết theo ông Lê Hồng Sơn bao nhiêu mới là “đáng”. 

“Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh có biết rằng 6 triệu đồng là gấp gần 3 lần lương tháng của giáo viên tốt nghiệp đại học mới ra trường theo bảng lương nhà nước”, Giáo sư Dong nói. 

Được biết, 11 người nhận thù lao của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam), ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó giám đốc Sở, Phó ban) và các Phó chánh Văn phòng, Trưởng phòng Giáo dục các cấp đóng vai trò ủy viên. Trong đó, ông Sơn nhận mức cao nhất 6 triệu đồng mỗi tháng.

Đến năm 2018, Nhà xuất bản tiếp tục thành lập Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa mới tại miền Nam gồm 11 người. Trong đó, 10 người nằm trong danh sách cũ, ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó phòng Giáo dục Trung học, ủy viên) được thay bằng ông Cao Minh Quý (Phó phòng Giáo dục Trung học).

Lần này, Nhà xuất bản bổ sung nhóm tư vấn hỗ trợ gồm 15 người là chuyên viên các cấp học, môn học cùng ông Trần Lê Quang, Kế toán trưởng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi người trong nhóm tư vấn hỗ trợ nhận thù lao 2,5 triệu đồng một tháng.

Theo giải thích của ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thù lao mà Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam chi trả hàng tháng cho một số cá nhân của Sở, để phối hợp với Nhà Xuất bản biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Cũng theo ông Lê Hồng Sơn, làm một bộ sách giáo khoa, hay bất cứ một sản phẩm văn hóa nào, thì người trực tiếp tham gia thực hiện phải có chế độ nhuận bút, thù lao bồi dưỡng. Đó là quy chế nội bộ của Nhà Xuất bản.

Người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, phải có phần này. Nếu không có thù lao, thì không mời được ai tham gia cùng với Nhà Xuất bản.


Thùy Linh