Nghe thầy Thuyết nói về sách Tiếng Việt lớp 1 mới, giáo viên chúng tôi lo quá

20/12/2019 06:42
Phan Tuyết
(GDVN) - Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 có thể dạy được ngay và không cần tập huấn. Liệu căn cứ vào đâu để thầy Thuyết đưa ra nhận định chủ quan này?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi nói về Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” do ông làm: “Sách Tiếng Việt 1 mới, dạy được ngay, không cần tập huấn".

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, giáo viên cầm sách Tiếng Việt 1 mới của bộ sách Cánh Diều dạy được ngay, không cần tập huấn (Ảnh: Thùy Linh)
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, giáo viên cầm sách Tiếng Việt 1 mới của bộ sách Cánh Diều dạy được ngay, không cần tập huấn (Ảnh: Thùy Linh)

Thầy Thuyết đã đưa ra những điểm kế thừa của sách giáo khoa Tiếng Việt hiện hành và những điểm khác biệt của sách giáo khoa mới.

Những điểm kế thừa sách giáo khoa hiện hành

Thầy Thuyết cũng cho biết, cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 có 3 phần: dạy chữ, dạy vần và tổ hợp.

Theo đúng quy trình dạy từ khoá, phân tích đánh vần từ khoá, dạy chữ và ứng dụng, mỗi bài dạy từ 1, 2 chữ. Đó là những điểm kế thừa. 

Những điểm mới của sách Tiếng Việt lớp 1

Đó là, điểm đặc biệt có sự khác biệt phần luyện đọc tổng hợp, mỗi lần dành 2 tiết tự đọc sách. Việc này giúp hình thành năng lực tự học của các em. Ở trong luyện tập tổng hợp dành 1 tiết để vận dụng sáng tạo.  

Ở phần luyện tập tổng hợp, sách có thêm các bài hướng dẫn học sinh tự đọc sách tạo lập các văn bản đa phương thức, tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm học tập thậm chí học sinh có thể viết bưu thiếp, viết lời giới thiệu bản thân, sưu tầm hình ảnh thiên nhiên, nói vài lời về hình ảnh đó để giúp học sinh đưa bài học vào cuộc sống.

Những băn khoăn, lo ngại

Nghe thầy Thuyết nói về sách Tiếng Việt lớp 1 mới, giáo viên chúng tôi lo quá ảnh 2
Chương trình sách giáo khoa mới học hỏi nhiều kinh nghiệm các nước phát triển

Là giáo viên hiện đang giảng dạy lớp 1 bậc tiểu học, chúng tôi thấy rằng sách Tiếng Việt lớp 1 hiện hành khá nặng với học sinh, những đứa trẻ mới hơn 5 tuổi và tròn 6 tuổi.

Vì sao nói kiến thức nặng? Bởi mỗi ngày học sinh phải học 2 âm vần mới với khá nhiều từ khóa mở rộng.

Buổi sáng học 2 tiết Tiếng Việt, 1 tiết ôn tập, buổi chiều tiếp tục ôn lại bài của buổi sáng.

Thế nhưng nhiều em vẫn chưa đọc thông. Xót con, cha mẹ phải gửi các em cho thầy cô dạy kèm thêm buổi tối.

Nhiều em trước đó cũng đã học những kiến thức này trong hè. Khi vào học cũng đã học và ôn luyện cả ngày trên trường và tối đến lại học thêm một lần nữa.

Thế nhưng, không phải em nào cũng có thể đọc thông. Chưa thể nhớ âm vần cũ lại phải tiếp tục học tiếp âm vần mới. Cứ thế, cái cũ chưa quen, cái mới lại nhét vào nên học sinh khá căng thẳng và mệt mỏi.

Những tưởng khi thay sách, các nhà biên soạn sẽ nắm vững điều này để giảm tải cho học sinh trong bộ sách mới.

Nhưng theo thầy Thuyết, sách Tiếng Việt mới sẽ kế thừa sách hiện hành đúng phần nội dung kiến thức nặng nhất. Đó là quy trình dạy từ khoá, phân tích đánh vần từ khoá, dạy chữ và ứng dụng, mỗi bài dạy từ 1, 2 chữ.

Chúng tôi lại thấy vô cùng lo lắng như khi các em học chương trình cũ

Nghe thầy Thuyết nói về sách Tiếng Việt lớp 1 mới, giáo viên chúng tôi lo quá ảnh 3
Nền giáo dục lớp 1 chỉ như khung trời nhỏ qua cửa sổ, dựa vào đâu mà vĩnh cửu?

Điểm đặc biệt của sách mới là có sự khác biệt phần luyện đọc tổng hợp, mỗi lần dành 2 tiết tự đọc sách.

Vì chưa có bộ Tiếng Việt 1 mới trong tay nên chúng tôi không biết 2 tiết tự đọc sách cho học sinh lớp 1 được bắt đầu từ tuần học nào?

Trong thực tế hiện nay, học sinh đã học xong học kỳ 1 (tuần 17) nhưng vẫn chưa đủ khả năng đọc câu (trừ những học sinh đi học thêm từ mẫu giáo) thì sao có thể đọc sách?

Học sinh lớp 1 đọc thông viết thạo cũng phải tới tuần 35 (kết thúc chương trình) đương nhiên trừ những học sinh đi học trước.

2 tiết tự đọc sách với mục tiêu giúp hình thành năng lực tự học của các em. Liệu các em có thể đọc được khi âm vần chưa được học xong và chưa nhớ hết?

Nói chuyện này, chúng tôi nhớ lại chuyện một trường học hưởng ứng ngày đọc sách nên huy động học sinh trường mình từ lớp 1 đến lớ 5 ra sân đọc và giới thiệu về sách.

Nhiều học sinh lớp 1 cầm cuốn sách ngược mà không biết. Khi nghe người hướng dẫn đọc câu hỏi: “Em thích đọc sách nào nhất? Em có thể phát biểu cảm tưởng khi đọc xong cuốn sách ấy”.

Có em hỏi: “Cô ơi con không biết đọc sao có thể trả lời câu hỏi được ạ?”

Nay chương trình mới có thêm 2 tiết tự đọc sách, chẳng biết các em sẽ đọc thế nào?

Bên cạnh đó, những điểm mới của sách Tiếng Việt 1 còn có nội dung: tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm học tập thậm chí học sinh có thể viết bưu thiếp, viết lời giới thiệu bản thân, sưu tầm hình ảnh thiên nhiên, nói vài lời về hình ảnh đó để giúp học sinh đưa bài học vào cuộc sống. ...

Đây chính là nội dung trong cuốn sách Tiếng Việt lớp 2 hiện hành. Tự giới thiệu bản thân được dạy vào tuần 1 lớp 2.

Viết bưu thiếp được dạy vào tuần 10 của lớp 2. Khi dạy lớp 2 đến phần này, học sinh còn chưa tự mình viết được bưu thiếp, chưa thể viết lời giới thiệu bản thân…

Để các em hoàn thành bài, thầy cô giáo đã phải nỗ lực hết mình thậm chí phải viết mẫu trên bảng, lúc đó các em nới có thể viết theo.

Được biết, sách giáo khoa mới sẽ giảm tải cho học sinh những kiến thức quá tải, nhưng tại sao những kiến thức dạy ở lớp 2 lại được đưa xuống dạy ở lớp 1 như thế này liệu có phải là giảm tải?

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 có thể dạy được ngay và không cần tập huấn. Liệu căn cứ vào đâu để thầy Thuyết đưa ra nhận định chủ quan này?

Còn nếu dựa vào tình hình thực tế mà giáo viên chúng tôi đang trải qua hằng ngày, chúng tôi thấy lo cho chương trình quá nặng sẽ làm khổ học sinh, sẽ buộc phụ huynh phải cho con đi học thêm tối ngày.

Phan Tuyết