Lẽ đời, Nhà xuất bản cho tiền, Sở giáo dục chả lẽ lại nhận suông?

22/12/2019 06:24
Thanh Thủy
(GDVN) - “Bánh ít” – là thù lao từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã rõ, còn bánh quy – từ các cá nhân Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cho lại Nhà xuất bản là gì?

Trong động thái mới nhất liên vụ nhận thù lao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố phải tổ chức họp báo về vụ việc.

Ảnh minh họa: TTXVN
Ảnh minh họa: TTXVN

Có lẽ, không riêng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mà dư luận đều muốn Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố minh bạch rõ ràng về việc nhận thù lao đều đặn từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam của cá nhân là lãnh đạo Sở và thuộc cấp.

Theo đó, Giám đốc, Phó giám đốc Sở cùng Chánh văn phòng, Phó văn phòng, các Trưởng, Phó phòng chuyên môn, chuyên viên chỉ đạo toàn bộ các môn học từ tiểu học đến trung học phổ thông của Sở này mỗi tháng từ 2,5 triệu đến 6 triệu đồng, tùy chức vụ.

Tính ra, mỗi năm, các vị này nhận được từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khoảng 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Nếu tính đến nay, con số thù lao đó là không hề ít.

Và nếu "vô tình", phần lớn sách giáo khoa được các trường trên địa bàn Thành phố lựa chọn tới đây là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì chắc hẳn khó thuyết phục được dư luận về sự "vô tình" ấy.

Chưa rõ, các lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp các “ chất xám, tâm huyết” như thế nào để “ráp” ra bộ sách giáo khoa “chất lượng” như lời Giám đốc Sở Lê Hồng Sơn nói tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố vừa qua.

Nhưng dư luận không khỏi hoài nghi là thực tế, ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố danh mục 32 sách giáo khoa được sử dụng trong năm học tới, để các trường phổ thông lựa chọn bộ sách phù hợp cho học sinh địa phương.

Nhưng từ năm 2015 đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh. 

Tại kỳ họp lần thứ 17, diễn ra trong tháng 12 vừa qua, nhiều ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt ra vấn đề, một số cá nhân thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã nhận thù lao hàng tháng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong việc chỉ đạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa miền Nam.

Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thù lao mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi trả hàng tháng cho một số cá nhân của Sở, để phối hợp với Nhà xuất bản biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Theo ông Lê Hồng Sơn, làm một bộ sách giáo khoa, hay bất cứ một sản phẩm văn hóa nào, thì người trực tiếp tham gia thực hiện phải có chế độ nhuận bút, thù lao bồi dưỡng. Đó là quy chế nội bộ của Nhà xuất bản.

Làm không nổi một bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục đang buông bỏ trách nhiệm!
Làm không nổi một bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục đang buông bỏ trách nhiệm!

Người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, phải có phần này. Nếu không có thù lao, thì không mời được ai tham gia cùng với Nhà xuất bản.

Về chi phí thù lao đã nhận, ông Lê Hồng Sơn giải thích tiếp: Nếu tính gộp lại nhiều năm thì thấy con số khá lớn, “hơi bị khủng” nhưng thực tế không là gì so với tâm huyết, chất xám những người trực tiếp tham gia làm sách.

“Chúng tôi là những người làm chuyên môn, tham gia vào chuyên môn, cùng ráp lại với nhau để cho ra một sản phẩm có chất lượng” – ông Lê Hồng Sơn kết luận. (1)

Dư luận chờ đợi, Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh minh bạch rõ được các đóng góp cụ thể để các vị có thù lao nhiều năm từ Nhà xuất bản Giáo dục.

Vì nếu thực, các vị đã bỏ rất nhiều “tâm huyết”, “chất xám” để làm ra bộ sách giáo khoa thì có lẽ các vị cũng nên chia sẻ kinh nghiệm rộng rãi cho nhiều cán bộ Nhà nước khác cách để gia tăng thêm thu nhập một cách đàng hoàng.

Chúng tôi chờ đợi các vị và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đưa ra được các minh chứng rõ ràng về các nội dung đóng góp để dư luận tâm phục khẩu phục.

Đặc biệt là chia sẻ là làm cách nào vừa “hoàn thành công việc” ở vị trí đảm nhiệm là Giám đốc sở, Phó Giám đốc Sở Giáo dục, Chánh văn phòng… vừa có thể đóng góp cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để nhận mức thù lao đều đặn ngần ấy năm.

Tài liệu tham khảo:

(1)https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ong-le-hong-son-noi-neu-khong-co-thu-lao-cua-nha-xuat-ban-thi-ai-lam-sach-post205188.gd

Thanh Thủy