Làm không nổi một bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục đang buông bỏ trách nhiệm!

21/12/2019 06:00
Thanh Sơn
(GDVN) - Quốc hội giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra tổ chức, biên soạn một bộ sách giáo khoa, tuy nhiên đến nay đã không có một sách nào của Bộ cả.

Theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa từ lớp 1-12 cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cụ thể, tại Điểm g, Khoản 3, Điều 2 của Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân khác biên soạn”.

Thực hiện nội dung này, tháng 3/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông báo mời các nhà khoa học, nhà giáo tham gia xây dựng bộ sách giáo khoa do Bộ chỉ đạo biên soạn.

Quốc hội giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra tổ chức, biên soạn một bộ sách giáo khoa, tuy nhiên đến nay đã không có một sách nào của Bộ cả. (Ảnh minh họa về bộ sách Cánh Diều: Thùy Linh chụp)
Quốc hội giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra tổ chức, biên soạn một bộ sách giáo khoa, tuy nhiên đến nay đã không có một sách nào của Bộ cả. (Ảnh minh họa về bộ sách Cánh Diều: Thùy Linh chụp)

Khi đó, ngày 19/3/2019, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông - Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời Báo Tuổi trẻ về nỗi lo thiếu nhân lực viết sách giáo khoa mới như sau:

“Thiếu nguồn nhân lực viết sách giáo khoa chỉ là suy đoán, vì nguồn nhân lực có khả năng viết sách giáo khoa không chỉ có vài trăm người.

Việc mời tác giả viết bộ sách giáo khoa, ngoài việc đảm bảo các tiêu chí như quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không chỉ hướng đến việc mời các tác giả có trình độ đào tạo cao, có uy tín, kinh nghiệm viết sách giáo khoa mà sẽ mời những tác giả có khả năng tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, có khả năng ngoại ngữ tốt để tiếp cận các nguồn tài liệu.

Ngoài ra, Bộ sẽ mời các tác giả là giáo viên phổ thông giỏi” [1].

Thầy Thuyết nói, sách Tiếng Việt 1 mới, dạy được ngay, không cần tập huấn

Cũng theo ông Thành: “Trong tháng 3/2019 chúng tôi sẽ tiến hành mời và tuyển chọn các chủ biên, tác giả dựa trên danh sách được giới thiệu.

Việc tuyển chọn sẽ theo nguyên tắc cứ ba ứng cử viên chọn lấy một để đáp ứng các yêu cầu biên soạn. Việc này cũng có sự tham vấn của Ngân hàng Thế giới” [1].

Thế nhưng đến nay, chỉ còn ít ngày là hết năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện được bộ sách giáo khoa như Nghị quyết 88 của Quốc hội giao.

Lý do được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ báo cáo trả lời Quốc hội hồi tháng 5/2019 rằng: “Phương án trực tiếp tuyển chọn tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia.
Hầu hết các tác giả có khả năng viết sách giáo khoa đều đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu việc biên soạn từ năm 2018 khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố để xin ý kiến.

Nhân sự trong việc biên soạn như biên tập viên, họa sĩ trình bày cũng thuộc biên chế của các Nhà xuất bản nên không thể tham gia với Bộ Giáo dục và Đào tạo” [2].

Tuy nhiên khi nhìn vào thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo mời tác giả viết bộ sách giáo khoa, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trao đổi với Tạp chí điện tử Viettimes rằng: “Giả sử lúc ấy (tức tháng 3/2019 – PV) có viết thì cũng không kịp vì thời gian phải trình sách ra Hội đồng thẩm định chỉ còn 4 tháng”. [3]

Các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phát biểu của các lãnh đạo Bộ đều cho rằng “đổi mới chương trình, sách giáo khoa nhiệm vụ quan trọng hàng đầu” nhưng đến nay Bộ chưa hoàn thành được bộ sách giáo khoa nào cho chương trình mới.

Sách Toán hiện hành phải giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được

Trong khi, đến nay đã chính thức công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới bởi các cá nhân, tổ chức khác nhau.

Theo đó 32 sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thuộc 5 bộ sách giáo khoa của 3 nhà xuất bản gồm Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 

Trong số này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 4 bộ sách, gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; và bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Tài liệu tham khảo: 

[1]//tuoitre.vn/tuyen-giao-vien-gioi-viet-sach-20190319085714233.htm

[2]//tuoitre.vn/se-khong-thieu-sach-giao-khoa-cho-chuong-trinh-moi-20190523092837802.htm

[3]//viettimes.vn/gs-nguyen-minh-thuyet-noi-gi-ve-vu-bo-gddt-su-dung-16-trieu-usd-bien-soan-sach-giao-khoa-374651.html

Thanh Sơn