Kiểm tra học kỳ cần nhẹ nhàng, không nên quá quan trọng vấn đề!

22/12/2019 07:00
THANH AN
(GDVN) - Hãy tổ chức kiểm tra học kỳ nhẹ nhàng, không quá tạo áp lực cho giáo viên và học sinh bởi thực tế đây cũng chỉ là một bài “kiểm tra định kỳ” mà thôi.

Việc kiểm tra học kỳ trong các trường phổ thông nếu nói quan trọng thì cũng đúng mà nói là không quan trọng thì cũng chẳng sai. Nhất là đối với cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông thì điểm kiểm tra học kỳ cũng chỉ là 1 trong vô vàn các cột điểm mà thôi.

Vì thế, các nhà trường, các lãnh đạo ngành giáo dục ở các địa phương hãy xem đây là một công việc định kỳ hàng năm thì mọi thứ sẽ không còn quá áp lực cho giáo viên và học trò. Nhưng, mọi thứ đang bị đẩy lên quan trọng đến mức không cần thiết.

Tổ chức kiểm tra học kỳ nên tổ chức nhẹ nhàng (Ảnh minh họa: TTXVN)
Tổ chức kiểm tra học kỳ nên tổ chức nhẹ nhàng (Ảnh minh họa: TTXVN)

Có một điều mà hiện nay có rất nhiều người đang nhầm lẫn tên gọi “kiểm tra học kỳ” với “thi học kỳ”. Bản chất của tên gọi thì đây là “kiểm tra” học kỳ mới đúng nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng thì đa phần các bài viết đều gọi là “thi” học kỳ.

Một khi dùng từ “thi” thì bản chất việc “kiểm tra” định kỳ này như được tăng thêm sự quan trọng. Chỉ tiếc, không chỉ một số bài viết gọi đây là “thi” mà ngay cả giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng đang có sự nhầm lẫn đáng tiếc này.

Trong khi đó, các cấp học phổ thông hiện nay chỉ có một số kỳ thi như sau: Thi tuyển sinh 10, Thi Trung học phổ thông quốc gia; Thi học sinh giỏi văn hóa…

Một khi đã có từ “thi” có nghĩa là có sự cạnh tranh giữa các thí sinh với nhau sẽ gay gắt hơn và tính chất các kỳ thi sẽ quan trọng hơn rất nhiều.

Hơn nữa, kiểm tra học kỳ hiện nay phần lớn các môn học là do nhà trường ra đề, giáo viên trong tổ chỉ tổ chức chấm chéo với nhau. Nhiều khi giáo viên dạy lớp nào thì chấm lớp đó.

Kiểm tra học kỳ chỉ mang tính là đánh giá lại quá trình học của học trò trong 1 học kỳ mà thôi. Cho nên, phần lớn các đề kiểm tra học kỳ chỉ có thời gian là 45 phút như một số bài kiểm tra định kỳ khác.

Vì thế, Sở và Phòng Giáo dục có tham gia ra đề thì cũng thường chỉ tập trung vào các môn chính hoặc một số môn học ở cuối cấp mà thôi.

Điều này, đã được quy định rất rõ trong Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT  ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế quy định đánh giá, xếp loại học sinh Trung học cơ sở và học sinh Trung học phổ thông.

Kiểm tra học kỳ cần nhẹ nhàng, không nên quá quan trọng vấn đề! ảnh 2
Phòng, Sở ra đề kiểm tra: Giáo viên sợ nhất điều gì?

Học sinh 2 cấp học này có các loại bài kiểm tra như sau: “Kiểm tra thường xuyên gồm: Kiểm tra miệng; kiểm tra viết dưới 1 tiết; kiểm tra thực hành dưới 1 tiết.

Kiểm tra định kỳ gồm: Kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên; kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên; kiểm tra học kỳ.

 Hệ số điểm các loại bài kiểm tra được tính như sau: “Đối với các môn học đánh giá bằng cho điểm: Điểm kiểm tra thường xuyên tính hệ số 1, điểm kiểm tra viết và kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên tính hệ số 2, điểm kiểm tra học kỳ tính hệ số 3”.

Như vậy, chúng ta thấy rất rõ rằng bài kiểm tra học kỳ cũng chỉ là bài “kiểm tra định kỳ” mà thôi, nó chỉ quan trọng hơn các bài kiểm tra khác là điểm nhân hệ số 3, còn bài kiểm tra thường xuyên là điểm hệ số 1, các bài kiểm tra định còn lại là điểm hệ số 2.

Chính vì thế, nếu kiểm tra học kỳ điểm cao mà các cột điểm còn lại thấp thì điểm học kỳ cũng chẳng thể nào “kéo” lên cao được.

Chẳng hạn như môn Ngữ văn lớp 9 hiện nay có 5 cột điểm kiểm tra thường xuyên (điểm hệ số 1) và 6 cột điểm kiểm tra định kỳ (điểm hệ số 2) thì điểm kiểm tra học kỳ cũng chỉ có một tác động rất nhỏ đến điểm trung bình của môn học. 

Trong khi, thực tế thì đa phần bài kiểm tra học kỳ có điểm nhỏ hơn các điểm kiểm tra còn lại.

Theo chúng tôi, chỉ có kiểm tra học kỳ ở Tiểu học thì có phần quan trọng hơn bởi học sinh Tiểu học có ít bài kiểm tra. Mỗi học kỳ chỉ có bài kiểm tra giữa kỳ và bài kiểm tra học kỳ để đánh giá kết quả học tập và xếp loại cho học trò.

Học sinh 2 cấp còn lại thì có rất nhiều bài kiểm tra nên việc kiểm tra học kỳ không có tác động quá lớn đến kết quả học tập của học trò. Thế nhưng, những gì mà chúng ta đang thấy thì việc kiểm tra học kỳ đang được xem như một kỳ thi thực sự.

Có những địa phương tổ chức ra đề, học sinh làm bài điểm thấp lại tổ chức kiểm tra lại như chuyện 3.000 học sinh lớp 9 thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội) đang được phản ánh khá nhiều trong mấy ngày qua.

Kiểm tra học kỳ cần nhẹ nhàng, không nên quá quan trọng vấn đề! ảnh 3Học sinh chưa làm bài, thầy không được phép đưa đề lên mạng

Việc Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Thanh Xuân ra đề nhưng học sinh không làm được bài nên dẫn đến kết quả môn Toán có điểm thấp bất thường (khoảng 70% bài kiểm tra có điểm dưới trung bình) nên phải kiểm tra lại.

Điều này cho thấy bệnh thành tích đã quá nặng trong cách chỉ đạo của ngành giáo dục nơi đây. Bởi, tổ chức kiểm tra lại vừa gây tốn kém cho các nhà trường và cũng là sự thừa nhận yếu kém của người ra đề. Đồng thời, cũng bộc lộ tình trạng tập huấn cho giáo viên, tình trạng dạy và học của địa phương này còn tồn tại nhiều bất cập.

Đôi điều kiến nghị

Thứ nhất: Ngành giáo dục các địa phương cần chỉ đạo các nhà trường tổ chức kiểm tra học kỳ nhẹ nhàng, không nên quan trọng hóa vấn đề quá mức.

Phòng chuyên môn cần tập huấn, định hướng về cấu trúc, ma trận đề rõ ràng và thống nhất trong toàn ngành để các trường không bỡ ngỡ với cấu trúc đề kiểm tra (nếu gặp đề Phòng, Sở).

Đề kiểm tra học kỳ phải đảm bảo được các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Tránh tình trạng giáo viên ra đề tù mù không đúng hướng dẫn lâu nay của ngành.

Thứ hai: Các nhà trường, các tổ chuyên môn tự ra đề thì cần tập trung bàn bạc, thống nhất những đơn vị kiến thức, ma trận đề cụ thể và có định hướng rõ ràng trong đề cương cho học trò. Tránh tình trạng giáo viên ra đề “bật mí” với học sinh học thêm với mình trước khi kiểm tra.

Các đề kiểm tra học kỳ được các giáo viên ra thì Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn có thể kết hợp trộn đề. Giáo viên ôn tập cho học trò những nội dung trọng tâm và định hướng, động viên cho học trò ôn tập tốt, tránh thói quen quay cóp trong giờ kiểm tra.

Khi tổ chức kiểm tra nên tổ chức xếp theo số báo danh và tổ chức gác kiểm tra nghiêm minh, công bằng giữa các phòng. Khi chấm bài kiểm tra cần được rọc phách, chấm tập trung một số bài để thống nhất cách chấm và chấm tại trường. 

Đối với những đề Phòng, Sở ra cần đảm bảo tính khoa học, không đánh đố các trường, tránh tối đa sai sót để những đề của Sở, Phòng là những đề mẫu mực nhất.

Hãy tổ chức kiểm tra học kỳ nhẹ nhàng, không quá tạo áp lực cho giáo viên và học sinh bởi thực tế đây cũng chỉ là một bài “kiểm tra định kỳ” mà thôi.

THANH AN