Trận chiến trên sông Bạch Đằng sẽ khác những điều đã công bố

23/12/2019 09:19
LÃ TIẾN
(GDVN) - Các nhà khoa học cho rằng, việc phát hiện trận địa bãi cọc Cao Quỳ sẽ làm thay đổi nhận thức và mở ra hướng nghiên cứu mới về trận chiến trên sông Bạch Đằng.

Tại hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), các đại biểu là nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đóng góp những ý kiến quý báu cho thành phố Hải Phòng.

Theo đó, các đại biểu đều khẳng định: Việc phát hiện, khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ có giá trị to lớn, đầy đủ, toàn diện và chính xác, mở ra hướng nghiên cứu mới về chiến dịch, chiến thắng Bạch Đằng chống quân xâm lược Nguyên Mông của quân, dân nhà Trần năm 1288, do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy.

Phát hiện này góp phần thay đổi toàn bộ nhận định trước đây cho rằng trận chiến Bạch Đằng chỉ diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

Đồng thời, từ kết quả giám định, phân tích, khảo sát thực địa, các đại biểu đồng quan điểm: Bãi cọc Cao Quỳ là một phần trận địa liên quan đến chiến dịch chống quân Nguyên- Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ sẽ thay đổi toàn bộ nhận định trước đây về trận chiến trên sông Bạch Đằng (Ảnh: Lã Tiến)
Việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ sẽ thay đổi toàn bộ nhận định trước đây về trận chiến trên sông Bạch Đằng (Ảnh: Lã Tiến)

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử -khảo cổ- dân tộc học, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ: “Tôi đã có một linh cảm rất lạ khi nghe tin người dân phát hiện được 2 cọc gỗ tại khu vực này.

Ngay lập tức, tôi liên tưởng tới việc có thể có những phát hiện mới liên quan tới chiến thắng Bạch Đằng Giang.

Ngay lúc đó, tôi đã gọi điện cho ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị có ngay những giải pháp để giữ gìn và tổ chức khai quật”.

Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, có một chút gì đó như là tâm linh, như là run rủi bởi công việc tìm kiếm những chứng tích liên quan tới chiến thắng Bạch Đằng Giang tưởng như đã vô vọng thì đến đúng thời điểm này lại xuất hiện tại Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Cùng với những thông tin, câu chuyện liên quan tới chiến thắng Bạch Đằng Giang tại vùng đất địa linh nhân kiệt này, Giáo sư Giang luôn cảm nhận linh cảm của mình là đúng và sự thật đã diễn ra đúng như vậy.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử -khảo cổ- dân tộc học, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Ảnh: Lã Tiến)
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử -khảo cổ- dân tộc học, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Ảnh: Lã Tiến)

“Việc phát hiện ra trận địa bãi cọc Cao Quỳ có ý nghĩa hết sức to lớn, có lẽ rất nhiều nhận thức về chiến trận Bạch Đằng từ trước tới nay phải thay đổi.

Đồng thời mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cả về khảo cổ học, lịch sử quân sự và cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta”, Giáo sư Vũ Minh Giang khẳng định.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, bãi cọc Cao Quỳ giúp các nhà khoa học, nghiên cứu, người dân cả nước có nhận thức mới đúng đắn, đầy đủ, khách quan, sát thực hiện hơn về trận chiến Bạch Đằng năm 1288.

“Phát hiện này đã khẳng định: Hải Phòng chính là nơi từng diễn ra các trận đánh và có đóng góp quan trọng trong chiến dịch chống quân xâm lược Nguyên Mông của quân dân nhà Trần.

Từ đó, thay đổi quan điểm trước đây là trận chiến Bạch Đằng chỉ diễn ra tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

Mà đây là chiến dịch có quy mô rất lớn, diễn ra ở nhiều địa bàn… Chiến thắng này không chỉ thể hiện hào khí Đông A, niềm tự hào, tự tôn dân tộc Đại Việt, mà mang ý nghĩa quốc tế.

Chính từ thất bại tại Bạch Đằng, vó ngựa quân Nguyên Mông phải ngừng mở rộng xâm lược các nước Đông Nam Á và Nhật Bản…”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc nhận định.

Các nhà khoa học, nhà khảo cổ đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong việc phát hiện bãi cọc gỗ cổ Bạch Đằng (Ảnh: Lã Tiến)
Các nhà khoa học, nhà khảo cổ đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong việc phát hiện bãi cọc gỗ cổ Bạch Đằng (Ảnh: Lã Tiến)

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, từ phát hiện mới này, có nhiều căn cứ cho thấy Sở chỉ huy chiến trường của chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 khả năng cao được đặt tại khu vực Khu di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) hiện nay.

Việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ cho thấy nhiều khả năng các trận địa cọc tại Quảng Yên hiện nay là vị trí cuối trong trận địa do quân ta giăng ra.

Tiến sĩ Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bày tỏ lo ngại, nếu không có phương án bảo vệ, bảo quản hiện vật sẽ rất nguy hiểm.

Nếu để hư hại chúng ta không chỉ có lỗi với các bậc tiền nhân, mà cả hậu thế mai sau.

Tiến sĩ Trần Đình Thành đề nghị thành phố Hải Phòng sớm quy hoạch sử dụng đất khu vực cánh đồng Cao Quỳ, để di tích tránh bị xâm hại.

Đồng thời, triển khai ngay các phương án bảo vệ bãi cọc, không để du khách, người dân hiếu kỳ xâm phạm hiện vật…

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, sự phát lộ bãi cọc Cao Quỳ là kỳ diệu (Ảnh: Lã Tiến)
Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, sự phát lộ bãi cọc Cao Quỳ là kỳ diệu (Ảnh: Lã Tiến)

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng: Việc lạ là kỳ, thiêng là diệu, 2 chữ không thể nói khác về sự phát lộ, phát hiện, nghiên cứu bãi cọc Cao Quỳ.

Đây là sự kiện kỳ diệu vào cuối năm Kỷ Hợi 2019, báo hiệu tương lai rất khả quan, đáng mừng về việc nghiên cứu truyền thống Bạch Đằng Giang, mở rộng ra chính là lịch sử và truyền thống của dân tộc tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, sự phát lộ bãi cọc là kỳ và diệu, bởi xuất hiện đúng lúc, đúng năm Kỷ Hợi; đúng chỗ là ở huyện Thủy Nguyên, gần khu di tích Bạch Đằng Giang.

Điều này làm tăng  giá trị cho khu di tích, tạo thành quần thể di tích Bạch Đằng Giang, nhân danh Hải Phòng  để đóng góp cho lịch sử dân tộc, lịch sử “đại võ công” sông Bạch Đằng năm 1288.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, chiến thắng Bạch Đằng là chung của cả nước, chứ không phải riêng thành phố Hải Phòng hay tỉnh Quảng Ninh.

Do đó, Hải Phòng cần nhanh chóng khảo sát các di tích, địa điểm liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng tạo sự liên hoàn, tăng điểm tham quan, trải nghiệm lịch sử đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách, không chỉ dừng lại ở việc tham quan bãi cọc…

Tuy mới chỉ là kết quả bước đầu nhưng hầu hết các nhà khoa học, các nhà lịch sử học đều cho rằng nhiều khả năng sẽ có thêm những bãi cọc khác tại vùng đất này.

Và sẽ có rất nhiều việc tiếp tục cần phải làm trong thời gian tới, không chỉ là bảo tồn, bảo vệ bãi cọc đã khai quật mà còn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, sử dụng các biện pháp kỹ thuật để xác định rõ quy mô của các bãi cọc;

Khai thác các chứng tích khác; lập đề án tổng thể, nghiên cứu toàn diện trận chiến Bạch Đằng và đề xuất xếp hạng, trước hết là xếp hạng di tích cấp thành phố.

Tiếp theo đó là đề nghị xếp hạng di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới, bởi trận chiến Bạch Đằng thắng lợi đã chặn đứng kế hoạch đánh Nhật Bản, tiến xuống Đông Nam Á của đế quốc Nguyên Mông.

LÃ TIẾN