Tóm lại, ai sẽ là người trực Tết?

31/12/2019 06:26
NHẬT DUY
(GDVN) - Giáo viên có phải tham gia trực Tết hay không và trực ngày nào thì được chi trả chế độ làm thêm giờ là điều mà nhiều giáo viên còn băn khoăn, thắc mắc.

Chuyện giáo viên phải tham gia trực Tết trong những năm qua mà không được hưởng quyền lợi, không được chi trả tiền làm thêm giờ đã được phản ánh khá nhiều vào dịp chuẩn bị đến Tết Nguyên đán.

Vậy, ai sẽ là người trực Tết? Giáo viên có phải tham gia trực Tết hay không và trực ngày nào thì được chi trả chế độ làm thêm giờ vẫn luôn là điều mà nhiều giáo viên còn băn khoăn, thắc mắc.

Việc trực Tết của giáo viên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Việc trực Tết của giáo viên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau  (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Có một thực tế là hiện nay có nhiều hiệu trưởng cũng đang gặp khó khăn khi phân công giáo viên trực Tết bởi phân công giáo viên đi trực mà không có chế độ cho anh em thì đương nhiên sẽ gặp một số lời thị phi của cấp dưới.

Tuy nhiên, đây là việc phải làm của tất cả các đơn vị nên nói gì thì nói việc giáo viên tham gia trực Tết là điều không tránh khỏi trong các nhà trường hiện nay.

Khi giáo viên được hiệu trưởng phân công tham gia trực Tết thì có lẽ cũng không vui vẻ gì khi phải đi làm vào ngày nghỉ. Nhưng, nếu ai cũng không muốn tham gia trực Tết, ai cũng muốn thoái thác việc làm này thì ai sẽ trực trường?

Ban giám hiệu cũng chỉ có 2-3 người, bảo vệ thì trường có 1 người, thậm chí có trường không có. Những trường được xây dựng kiên cố thì không nói làm gì, những trường còn chưa có hàng rào, cửa khóa kiên cố sẽ đối mặt với nhiều rủi ro khi không có người trông nom mà trường lại nghỉ dài ngày.

Giáo viên cần nắm rõ những ngày nghỉ Tết của mình

Trong các thông báo nghỉ Tết của các địa phương, chúng ta để ý kĩ về hướng dẫn các trường học thì việc nghỉ 10 ngày hay 14 ngày là ngày nghỉ của học sinh. Vì vậy, giáo viên vẫn có thể phải làm việc theo sự phân công của hiệu trưởng trong khoảng thời gian không phải là những ngày nghỉ Tết theo quy định.

Chính vì thế, các thầy cô giáo cần phải nắm kỹ để hiểu rõ những quy định hiện hành của nhà nước về chế độ làm việc của mình khi công tác trong các đơn vị sự nghiệp.

Tóm lại, ai sẽ là người trực Tết? ảnh 2Hiệu trưởng có phần lúng túng, giáo viên thì băn khoăn khi phải trực Tết

Thông thường, dịp Tết Nguyên đán thì cán bộ, công chức, viên chức nhà nước được nghỉ 5 ngày (từ 30 tháng Chạp đến hết ngày mồng 4 Tết).

Nếu giáo viên tham gia trực Tết vào 5 ngày này thì đa phần các địa phương cho phép các đơn vị chi trả chế độ làm thêm giờ theo quy định hiện hành.

Nếu nhà trường không chi trả tiền làm thêm giờ là sai với quy định hiện hành. Tuy nhiên, thực tế thì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa bởi chỉ khi cấp trên cho chi thì hiệu trưởng mới dám ký duyệt chi trả cho cấp dưới của mình.

Đối với những giáo viên trực trước ngày 30 tháng Chạp và sau ngày mồng 4 Tết thì không có chế độ chi trả thêm giờ. Bởi giáo viên phải thực hiện theo sự phân công công việc của hiệu trưởng nhà trường.

Điều này được thể hiện rõ trong khoản đ, điều 31 của Thông tư số số 12/2011/TT-BGDĐT - Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đã quy định nhiệm vụ giáo viên như sau:

“Thực hiện Điều lệ nhà trường; thực hiện quyết định của Hiệu trưởng, chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục”.

Vậy nên, giáo viên cũng cần phải nắm đúng hướng dẫn khi đòi quyền lợi cho mình bởi không hiểu đúng tinh thần hướng dẫn thì đương nhiên không đòi được quyền lợi mà đôi lúc còn gánh những phiền toái về sau.

Trước hết, giáo viên phải hiểu được mình mang ngạch “viên chức” và chế độ làm việc, nghỉ ngơi được áp dụng theo Luật hiện hành. Vì thế, lịch nghỉ Tết là lịch chung được quy định cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và tất nhiên là giáo viên không phải là ngoại lệ.

Tết năm nay, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ mấy ngày?

Tóm lại, ai sẽ là người trực Tết? ảnh 3Hiệu trưởng ép trực Tết, thầy cô có quyền từ chối

Tại Nghị định số 45/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lao động về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động cũng nêu:

“Thời gian nghỉ Tết âm lịch do người sử dụng lao động lựa chọn 1 ngày cuối năm và 4 ngày cuối năm hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm”.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt với phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2020 - Tết Canh Tý tổng cộng 7 ngày như đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Cụ thể, người lao động sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán 2020 là 5 ngày theo quy định cộng với 2 ngày nghỉ bù do mùng 1 và mùng 2 Tết trùng thứ bảy, chủ nhật (tức nghỉ từ ngày thứ năm ngày 23-1-2020 đến hết thứ tư ngày 29-1-2020). 

Chính vì những lý do như đã nói ở trên nên việc trực Tết của giáo viên nếu trùng với lịch nghỉ Tết được nhà nước quy định (5 ngày) thì các thầy cô cần lên tiếng đòi quyền lợi về tiền làm thêm giờ cho mình. Tuy nhiên, nếu được phân công ngoài những ngày này thì đương nhiên là tiền làm thêm thêm giờ sẽ không có.

Đó là chưa kể, các địa phương cũng đang có những chỉ đạo khác nhau về cách chi trả chế độ làm thêm giờ dành cho cán bộ, công chức, viên chức trực Tết- đây cũng là cái khó của hiệu trưởng các nhà trường hiện nay.

NHẬT DUY