Trực trường – nỗi ám ảnh
Ngày 21/12/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin: “Giáo viên Trường Nguyễn Văn Quyên vẫn phải trực Tết không được trả lương”.
Theo đó, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Quyên (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) phản ánh về việc phải trực đêm, ngày Tết dương lịch.
Cụ thể, nhà trường bắt giáo viên phải trực Tết dương lịch không lương và Phòng Giáo dục huyện Gò Công Tây ra văn bản yêu cầu giáo viên trực vào ngày này.
Có thể nhận thấy, thời gian này, nhiều trường học đã lên lịch trực trường cho giáo viên vào thời điểm nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.
Thầy cô có thể bị phân công trực ngày hoặc đêm, trực theo tiếng hoặc buổi tùy vào đặc thù từng trường và chỉ đạo của Hiệu trưởng.
Có trường thì yêu cầu giáo viên trực luân phiên, nghĩa là năm này giáo viên này, sang năm đến phiên giáo viên khác, nhưng cũng có trường buộc tất cả thầy cô phải trực.
Giáo viên không phải trực ở trường và Hiệu trưởng đơn vị không có quyền ép buộc thầy cô đi trực trong thời gian lễ Tết. (Ảnh minh hoạ: Luatvietnam.vn). |
Giáo viên ở vùng quê, gần trường cũng không ai muốn nhận nhiệm vụ này vì ngày Tết còn biết bao công việc.
Thầy cô ở các tỉnh, thành xa nhà cũng không biết phải làm thế nào để về quê hay được đi đâu đó nghỉ ngơi bởi phải trực Tết.
Việc trực trường đã trở thành nỗi ám ảnh của giáo viên mỗi khi Tết đến xuân về, và thầy cô chỉ biết âm thầm chịu đựng với nỗi ngao ngán.
Có nhiều trường trả thù lao cho giáo viên vào thời gian trực Tết nhưng cũng không ít trường lại cố tình lờ đi khoản này.
Tuy vậy, điều giáo viên cần nhất là muốn được nghỉ ngơi trong dịp lễ Tết để vui vầy bên gia đình, người thân hay đi du lịch sau quãng thời gian làm việc mệt nhọc.
Thời gian làm việc/nghỉ của giáo viên
Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông) quy định thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm đối với giáo viên phổ thông như sau:
Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó: 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học; 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới; 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
Giáo viên trường Nguyễn Văn Quyên vẫn phải trực Tết không được trả lương |
Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:
37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học; 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới; 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ Tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác theo Bộ luật lao động, cụ thể như sau:
Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);
Thời gian nghỉ tết âm lịch 05 ngày; nghỉ Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01/01 dương lịch);
Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30/4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01/5 dương lịch); Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02/9 dương lịch); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10/3 âm lịch);
Nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo quy định trên, thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, Tết là thời gian nghỉ hợp pháp của giáo viên.
Như vậy, giáo viên không phải trực ở trường và Hiệu trưởng đơn vị không có quyền ép buộc thầy cô đi trực trong thời gian lễ Tết.
Tuy nhiên, cũng có đơn vị vì thiếu nhân sự và muốn đảm bảo an ninh trường học nên Hiệu trưởng có thể thỏa thuận với giáo viên đi trực trường vào những ngày nghỉ này.
Nhưng việc thỏa thuận phải được giáo viên đồng ý và nhà trường có nghĩa vụ trả tiền lương làm thêm giờ cho thầy cô theo quy định của pháp luật.
Và thầy cô cũng có quyền từ chối trực trường vào những thời gian nghỉ lễ Tết vì hoàn toàn đúng với quy định như đã dẫn.
Hơn hết, thầy cô cần mạnh dạn trình bày với Hiệu trưởng về chế độ làm việc của giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ luật lao động quy định.
Thầy cô cũng có thể đề xuất Hiệu trưởng thuê các công ty bảo vệ chuyên nghiệp hoặc thuê lao động làm việc theo thời vụ để trực trường trong thời gian lễ Tết.
Như thế, việc nghỉ Tết của thầy cô sẽ trọn vẹn hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-truong-nguyen-van-quyen-van-phai-truc-tet-khong-duoc-tra-luong-post205548.gd
[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-28-2009-TT-BGDDT-quy-dinh-che-do-lam-viec-giao-vien-pho-thong-96487.aspx
[3] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-15-2017-TT-BGDDT-sua-doi-Quy-dinh-che-do-lam-viec-doi-voi-giao-vien-pho-thong-341252.aspx
[4] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Bo-Luat-lao-dong-2012-142187.aspx