Trong khi dư luận ở nhiều địa phương lên tiếng “Giáo viên chưa tiếp cận được sách giáo khoa”, “Giáo viên phải mua chịu sách giáo khoa”… thì địa phương tôi có gần đủ bản mẫu của tất cả các đầu sách được Bộ duyệt.
Việc có đủ bản mẫu sách giáo khoa mới thể hiện tầm lãnh đạo tuyệt vời của cán bộ quản lý giáo dục địa phương.
Ai phải trả tiền bản mẫu sách giáo khoa? Câu trả lời của lãnh đạo là: “Các đồng chí cứ triển khai chọn sách đúng quy trình, chọn đúng bộ sách mình cần, học sinh cần là mối quan tâm nhất; việc sách mẫu để Sở lo”.
Tâm lý giáo viên muốn lựa chọn bộ sách nào? (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Giáo viên có nhận xét về sách mới như thế nào?
Ngữ liệu phong phú, in ấn đẹp, bắt mắt là nhận xét chung về hình thức; “nặng … không thua sách cũ” là nội dung.
Cô giáo N. dạy lớp 1 “có thâm niên” nhận xét “Chương trình vẫn vậy, không giảm, sách giáo khoa chỉ khác phương pháp tiếp cận kiến thức, nên nội dung vẫn “nặng” là điều tất yếu”.
Giáo viên có chọn sách giáo khoa của cùng một bộ không?
Thăm dò tại địa phương, đã có tình trạng chung là sách giáo khoa giáo viên “sơ chọn” không cùng một bộ, đã xảy ra tình trạng phổ biến “râu ông nọ chắp cằm bà kia”.
Ví dụ sách Tiếng Việt thì chọn bộ này, sách Toán thì chọn sách bộ kia, Tự Nhiên và Xã hội thì bộ nọ v.v...
Phụ huynh học sinh có được chọn sách giáo khoa không?
Lựa chọn sách giáo khoa lớp 1- Bộ đang làm khó các nhà trường! |
Phần đa các hiệu trưởng đều cho biết: Nhà trường cũng mời ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia, đọc, chọn sách nhưng họ đề “từ chối khéo léo”; “Chúng tôi đồng ý theo ý kiến của giáo viên; thầy cô cứ lập biên bản, chúng tôi đến ký; thực ra chúng tôi cũng không có nghiệp vụ để chọn”.
Anh P., một kỹ sư xây dựng, Trưởng ban cha mẹ học sinh nói: “Tôi có bằng kỹ sư, thế nhưng làm sao biết sách nào tốt nhất cho thầy và trò được? Nay nhà trường mời chọn sách, chối thì không phải phép, chọn thì không biết chọn; nhất trí với nhà trường, chọn bộ nào, chúng tôi ký đồng ý bộ đó”.
Tâm lý giáo viên muốn lựa chọn bộ sách nào?
Cô giáo L., một hiệu phó chuyên môn, tâm sự: “Trước khi chọn bộ sách nào, yêu cầu giáo viên đọc hết các bộ sách có bản mẫu được cấp, rút ra cái hay, cái dở, lý do chọn, lý do không chọn.
Mỗi bộ sách có ba giáo viên đọc, thẩm định, ba người này sẽ có ý kiến riêng, sau đó thống nhất cùng nhau, cùng của ban giám hiệu thống nhất chọn bộ sách nào.
Tâm lý chung, bộ sách nào tiếp cận kiến thức nhẹ nhàng, giản đơn, dễ dạy, dễ hiểu là giáo viên thích, giáo viên chọn.
Ngoài ra, giáo viên có tâm lý tin vào bộ sách nào có đủ bản mẫu sách cho cả bộ; họ lý luận chỉ bộ sách “đủ tự tin” mới “dám đầu tư” giới thiệu sách mẫu cho “xã hội”.
Bản mẫu sách giáo khoa là con săn sắt… bắt con cá rô?
Cha ông ta có câu “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”; với “sách giáo khoa” lớp 1 mới “Bản mẫu đi trước là … bản mẫu khôn” hoàn toàn đúng với tâm và thế của giáo viên chọn sách.
Ngoài chọn sách theo độ dày phong bì, theo mối quan hệ đi đêm, rõ ràng cuộc chiến thị phần sách giáo khoa là cuộc chiến của số lượng bản mẫu.
Việc định hướng chọn bộ nào, ít có lãnh đạo nào dám “chỉ đạo” tại hội nghị khi “thế giới phẳng” như hiện nay; thế nhưng không thể không có việc “chỉ đạo ngầm”; đơn giản nhất là cung cấp bản mẫu.
Bộ sách nào có đủ bản mẫu, giáo viên sẽ tin tưởng chọn lựa
Vì thế, để đảm bảo tính khách quan cao nhất cho việc chọn sách giáo khoa, số lượng bản mẫu của mỗi bộ sách phải được cung cấp ngang nhau về số lượng đầu sách; tránh tình trạng bộ A chỉ có 1 đầu sách, bộ B có đủ đầu sách cả bộ.
Chọn sách giáo khoa cho mình dạy, cho học trò học, cần nhất ở tấm lòng khách quan, vô tư, trong sáng của mỗi giáo viên, chọn đúng bộ sách mình cần là chọn đúng con đường mình và học trò sẽ đi, chọn đúng đường đi là thành công trong sự nghiệp giáo dục của mỗi giáo viên, mỗi nhà trường.