Theo dõi những văn bản hướng dẫn và những phần việc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai cho lộ trình lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 trong năm học 2020-2021, chúng tôi cảm thấy Bộ đang làm khó các nhà trường và chưa căn cứ vào thực tiễn để chỉ đạo.
Để các nhà trường đọc hết 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 và phải lựa chọn xong sách giáo khoa trước tháng 3/2020 sẽ là điều không tưởng. Bởi, thời điểm này sách giáo khoa vẫn chưa có, dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông mới thì lấy ý kiến đến ngày 30/1/2020 mới xong.
Hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa của Bộ sẽ làm tăng áp lực cho các nhà trường (Ảnh minh họa: Thùy Linh) |
Bộ thẩm định sách giáo khoa trong khoảng thời gian 4 tháng
Chúng tôi thực lòng không muốn so sánh quá trình thẩm định sách giáo khoa của Bộ và việc lựa chọn sách giáo khoa ở các nhà trường nhưng mà vẫn cảm thấy băn khoăn nhiều điều. Bởi, nhìn vào lộ trình thẩm định sách giáo khoa của Bộ thì chúng ta thấy có khoảng thời gian từ khi bắt đầu cho đến khi hoàn thiện là 4 tháng.
Ngày 16/7/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Ngày 21/11/2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số 4507 phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, có 32 sách giáo khoa của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt.
Hơn 4 tháng làm việc và hoàn thiện quá trình thẩm định, phê duyệt với một đội ngũ chuyên gia giáo dục đầu ngành mà đa phần họ đều có học vị, học hàm cao cùng với một số giáo viên cốt cán đang trực tiếp giảng dạy…mới hoàn thiện.
Nhất là trước khi tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 1 thì đội ngũ này đã được Bộ tiến hành tập huấn nhiều ngày mới bắt tay vào công việc chính của mình.
Mỗi lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa là mỗi lần băn khoăn, lo lắng! |
Trước khi làm việc tập trung, các thành viên trong Hội đồng thẩm định sách giáo khoa có khoảng thời gian 15 ngày làm việc, nghiên cứu độc lập.
Sau đó mới làm việc tập trung, nghe các tác giả sách giáo khoa trình bày ý tưởng, nội dung sách và tiến hành thảo luận, đưa ra những ý kiến, quyết định chung. Phải nói rằng đó là một quy trình làm việc chặt chẽ, khoa học để lựa chọn những bộ sách giáo khoa phổ thông cho ngành giáo dục nước nhà trong những năm tới.
Giáo viên lựa chọn sách cho trường trong khoảng thời gian…vài tuần?
Công việc các trường học lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 trong năm học 2020-2021 đơn giản hơn việc thẩm định của Bộ rất nhiều bởi khi thẩm định thì các thành viên phải đọc kĩ, nghiền ngẫm về nội dung kiến thức và so sánh với chương trình môn học đã được công bố.
Ngoài ra, họ còn xét về mặt hình thức, câu, chữ trong từng bài học nên thời gian lâu hơn, đòi hỏi tính chính xác cao hơn.
Tuy nhiên, quy trình lựa chọn sách giáo khoa của nhà trường cũng không hề đơn giản và nó cũng có những nét tương đồng với việc thẩm định sách giáo khoa của Bộ.
Đó là các nhà trường cũng phải thành lập Hội đồng, cũng phải đọc toàn bộ 32 cuốn sách giáo khoa, cũng phải so sánh mỗi môn học có 5 cuốn sách giáo khoa xem cuốn nào sẽ phù hợp với đặc điểm trường mình.
Trong khi đó, giáo viên tiểu học thì chỉ trừ các môn chuyên (Âm nhạc, Mĩ thuật, tiếng Anh, Thể dục) còn các môn khác đều do giáo viên chủ nhiệm đảm nhận.
Có nghĩa mỗi thầy cô chủ nhiệm mà được nhà trường cơ cấu trong Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa có thể phải đọc nhiều môn học khác nhau.
Trong khi đó, công việc hàng ngày của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của nhà trường vẫn phải làm công tác quản lý, giảng dạy bình thường, họ không thể toàn tâm, toàn ý, dành toàn bộ thời gian như Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của Bộ được.
Các nhà xuất bản phải công bố giá sách giáo khoa lớp 1 trước 15/2/2020 |
Điều chúng tôi thấy còn băn khoăn nữa là thời điểm bây giờ đã bước sang tháng 1/2020 và khoảng thời gian từ nay cho đến hết Tết Nguyên đán (đầu tháng 2) các nhà trường sẽ không làm được gì.
Hơn nữa, dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông mới thì lấy ý kiến đến ngày 30/1/2020 mới xong.
Sách giáo khoa thì các nhà xuất bản chưa phát hành, giáo viên muốn tiếp cận, nhà trường muốn nhanh chóng hoàn thành công việc này cũng không thể làm được. Nhất là, Bộ vừa có Công văn gửi các nhà xuất bản phải công bố giá sách giáo khoa lớp 1 trước 15/2/2020 thì lại càng làm cho khoảng thời gian các trường lựa chọn sách bị thu hẹp lại.
Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa thì Bộ yêu cầu các trường phải lựa chọn xong sách giáo khoa lớp 1 trước tháng 3/2020 mà yêu cầu các nhà xuất bản công bố sách giáo khoa trước 15/2/2020 thì có mâu thuẫn không?
Khi phát hành sách giáo khoa thì thông thường phải in giá sách để các nhà trường vừa lựa chọn nội dung sách vừa lựa chọn giá sách phù hợp với học sinh của trường mình.
Chính vì vậy, nếu các nhà xuất bản làm theo yêu cầu của Bộ là đến 15/2/2020 mới phát hành và đưa sách đến các nhà trường thì các nhà trường chỉ có khoảng 2 tuần lựa chọn sách (đó là chưa kể thời gian tổng hợp, báo cáo qua Phòng, Sở).
Rõ ràng, Bộ đang đưa ra một lộ trình lựa chọn sách giáo khoa đối với các nhà trường hoàn toàn không hợp lý.
Các nhà trường chỉ có vài tuần lựa chọn 1 trong 5 bộ sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt nhưng các nhà xuất bản có khoảng 5 tháng (tháng 4-8) in ấn, phát hành sách giáo khoa.
Như vậy, chúng ta thấy một sự thật hiển nhiên là Bộ thẩm định sách giáo khoa có khoảng thời gian 4 tháng, các nhà xuất bản chuẩn bị in và phát hành sách giáo khoa lớp 1 có khoảng thời gian 5 tháng nhưng nhà trường lựa chọn sách chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng. Rõ ràng, Bộ đang làm khó các nhà trường!