Những cái chết ám ảnh
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài phản ánh về việc học sinh tử vong trong khi đi ngoại khóa.
Cụ thể, hạ tuần tháng 12/2013, 7 học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm (Bình Dương) đi tham quan Rừng Sác, biển Cần Giờ bị nước cuốn trôi và tử vong tại bãi biển 30/4 (huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh). [1]
Thượng tuần tháng 1/2015, em Lâm Nguyễn Quốc B., học sinh lớp 4 Trường tiểu học Phước Thạnh, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh đi chơi với trường tại công viên nước Đầm Sen (quận 11) và tử vong do bị ngạt nước. [2]
Thượng tuần tháng 4/2018, trong thời gian đi ngoại khóa, em N., học sinh Trường Xuân La (Tây Hồ - Hà Nội) đã bị ngã gục xuống đất và tử vong ngay sau đó. [3]
Tiếp đến, thượng tuần tháng 1/2019, một học sinh lớp 12 Trường trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) đã lên cơn co giật và tử vong trong chuyến đi du lịch ở Đà Lạt (Lâm Đồng). [4]
Trung tuần tháng 7/2019, trong khuôn khổ Trại lửa xanh thuộc Chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ của Quận Đoàn quận 10 (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức, một học sinh của Trường phổ thông Năng Khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã tử vong do bị đuối nước ở huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). [5]
Và mới nhất, ngày 6/1/2020, một học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (tỉnh Sóc Trăng) thiệt mạng do tại nạn trong chuyến đi thực nghiệm tại Đà Lạt (Lâm Đồng). [6]
Hàng loạt cái chết của học sinh trong khi đi ngoại khóa gây đau đớn tột cùng cho người ở lại. Có những vụ như 7 học sinh ở tỉnh Bình Dương tử vong đến nay đã nhiều năm nhưng vẫn còn ám ảnh với phụ huynh, thầy cô và dư luận xã hội.
Dĩ nhiên, những vụ tai nạn thương tâm như vừa liệt kê là không ai mong muốn. Thế nhưng, nếu phụ huynh, thầy cô và những người có trách nhiệm khác biết cách phòng ngừa thì có thể hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn như thế.
Mục đích của việc đi ngoại khóa là gì?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường học ở miền Nam thường cho học sinh đi ngoại khóa vào nhiều thời điểm trong năm, kể cả dịp hè.
Hoạt động ngoại khóa – sân sau tiềm tàng của hiệu trưởng |
Học sinh tiểu học và trung học cơ sở chỉ đi những điểm gần trường, nhưng học sinh trung học phổ thông thường đi xa đến các tỉnh khác – nơi có những thắng cảnh hoặc bãi biển đẹp – có khi 3, 4 ngày mới trở về.
Vậy, mục đích của việc đi ngoại khóa là gì?
Thứ nhất, nhiều trường tổ chức hoạt động ngoại khóa để tính điểm hạnh kiểm cho học sinh.
Vì vậy, phụ huynh nếu không cho con đi thì sợ bị trừ điểm hạnh kiểm nên cũng miễn cưỡng gật đầu.
Với những học sinh chưa ngoan, nhiều vi phạm kỉ luật hay học kém thì các em rất muốn đi ngoại khóa để được cộng điểm cải thiện hạnh kiểm. Có em bị xếp loại hạnh kiểm yếu, trung bình nhưng khi tham gia ngoại khóa thì được lên loại khá vì… tinh thần tập thể.
Tất nhiên, các cộng điểm như thế là của những năm về trước, còn hiện tại nhà trường cũng không đến nổi ép buộc học sinh bằng chiêu trò đó. Bởi học sinh đã khôn hơn, phụ huynh cũng “dữ” hơn và báo chí có thể vào cuộc bất cứ lúc nào nếu nhà trường sai phạm.
Thứ hai, nhà trường đánh trúng tâm lí học sinh thích đi chơi, đi du lịch sau những kì kiểm tra, kì thi để giảm áp lực.
Có thể nhận thấy, học sinh ở lứa tuổi nào cũng đều mê chơi, cha mẹ thì lại thương và chiều con nên đa số cũng gật đầu cho con em tham gia đi… ngoại khóa.
Đặc biệt, học sinh cuối cấp (lớp 12) rất muốn đi chơi xa để chụp ảnh kỉ yếu hay lưu lại những khoảnh khắc… thanh xuân tươi đẹp của quãng đời học sinh.
Nắm bắt tâm lí đó, một công ty du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh phát tờ rơi ghi những câu chữ sặc mùi quảng cáo khiến học sinh… ngất ngây:
“Tuổi học trò, một lứa tuổi đầy ắp kỉ niệm bên mái trường, bên thầy cô và bạn bè. Chắc có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng đi qua tuổi học trò một thời niên thiếu được gắn liền với “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.
Những chuyến đi, những trải nghiệm thực tế, những kiến thức ngoại khóa sẽ là hành trang theo các bạn trên con đường hướng đến tương lai một các ngọt ngào và sâu lắng nhất.”
Dòng quảng cáo của một công ty du lịch cho tour Sài Gòn - Đà Lạt |
“Kỉ niệm”, “trải nghiệm”, “hành trang”, “ngọt ngào”… hay gì đi nữa thì học sinh cũng phải đóng cho giá tour Sài Gòn – Đà Lạt lên tới 1.760.000 đồng (cho 3 ngày 2 đêm đi về bằng xe… du lịch đời mới).
Thứ ba, nhà trường làm áp lực xuống giáo viên chủ nhiệm khiến thầy cô phải thuyết phục học sinh và phụ huynh để nhiều em được tham gia.
Lí do mà nhiều trường đưa ra là hoạt động ngoại khóa giúp học sinh được trải nghiệm, rèn kĩ năng sống… nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực.
Thế nhưng, đằng sau những cụm mĩ từ ấy, ai cũng hiểu rằng học sinh đi với số lượng càng nhiều thì hoa hồng chi cho lãnh đạo càng cao.
Và lớp nào có ít học sinh tham gia thì giáo viên chủ nhiệm cũng “sống” không yên với Hiệu trưởng.
Bản thân tác giả viết bài này đã từng bị cô N.T.L, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông dân lập H.B (Thành phố Hồ Chí Minh) mắng thẳng mặt là yếu kém, không có uy với học sinh vì làm chủ nhiệm nhưng các em đăng kí đi biển Nha Trang (Khánh Hòa) chưa tới 2/3 lớp.
Thế là, năm học sau chúng tôi bị Hiệu trưởng cắt gần một nửa số tiết dạy và không cho chủ nhiệm lớp nữa.
Học sinh nhắn tin cho giáo viên phàn nàn vì tour quá đắt |
Người lớn bất cẩn, có khi học trò chết không kịp trở tay
Vào năm 2007, chúng tôi dẫn học sinh Trường trung học phổ thông dân Lập H.B (Thành phố Hồ Chí Minh) đi ngoại khóa ở Nha Trang.
Vừa đến nơi thì gặp áp thấp nhiệt đới nên chúng tôi cấm học sinh xuống biển, chỉ cho các em ở khách sạn và đi một vài nơi để chuẩn bị về lại trường.
Thế nhưng, khi chúng tôi còn thiêm thiếp ngủ vì quá mệt mỏi sau một thời gian ngồi trên xe thì được nhóm học sinh hớt hải chạy xộc vào phòng lay dậy với câu nói đứt quãng: “Thầy ơi! Bạn!… Bạn P.!... ”
Choàng tỉnh, chúng tôi cùng với nhóm học sinh lao nhanh ra bãi biển thì thấy một anh bộ đội hải quân đang vác em P. lên vai chạy dọc bãi biển để “xốc nước” và sau đó là hà hơi thổi ngạt.
Sau khi được sơ cứu, em P. được chúng tôi tức tốc đưa vào bệnh viện Nha Trang cấp cứu.
Sau đó chúng tôi được học sinh kể lại, có một nhóm em lén chạy ra bờ biển chơi đùa và em P. chạy không kịp nên bị con sóng cao hơn mái nhà cuốn trôi xa.
Thật may mắn, đúng lúc đó các anh bộ đội hải quân nhìn thấy em P. đang chới với, liền dùng xuồng chuyên dụng lao ra biển cứu.
Đã 13 năm trôi qua nhưng hình ảnh em P. bị đuối nước vẫn in hằn trong tâm trí chúng tôi không thể phai mờ…
Tiếp đến năm 2011, chúng tôi chuyển công tác sang một trường trung học phổ thông tư thục ở quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh). Học sinh chúng tôi cũng gặp tai nạn trên đường đi du lịch đến thành phố Đà Lạt.
Khoảng 1 giờ sáng đang say giấc ngủ trên xe 45 chỗ ngồi, chúng tôi hoảng hồn bừng tỉnh sau tiếng “ầm” thật mạnh và xe đột nhiên dừng hẳn.
Thầy trò vội vàng lao ra khỏi xe, chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì thấy đầu xe đâm vào vách núi.
Thì ra tài xế ngủ gật, trong khi hướng dẫn viên ngồi cạnh cũng ngủ say sưa (lẽ ra người hướng dẫn phải thức nói chuyện với tài xế) nên mới xảy ra tai nạn.
Khiếp đảm hơn, bên trái chúng tôi là vực sâu thăm thẳm… Cứ nghĩ dại, chẳng may xe không đâm vào núi mà lệch sang trái thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra…
Đi xe đường dài là thế đó. Nếu thầy cô, hướng dẫn viên hay tài xế chỉ cần lơ là hoặc bất cẩn trong phút chốc là có thể bị tai nạn ngay tức khắc.
Và đến bây giờ - năm 2020 - chúng tôi và học sinh vẫn đi những chuyến ngoại khóa như thế…
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/tieu-diem/tham-quan-tam-bien-tai-can-gio-7-hoc-sinh-bi-chet-duoi-post136409.gd
[2] //giaoduc.net.vn/tieu-diem/dang-di-tham-quan-cong-vien-nuoc-dam-sen-hoc-sinh-lop-4-tu-vong-post154431.gd
[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-sinh-truong-xuan-la-tu-vong-khi-di-ngoai-khoa-o-hoa-binh-post185132.gd
[4] //giaoduc.net.vn/tieu-diem/hoc-sinh-truong-nguyen-trung-truc-tu-vong-do-benh-ly-khong-phai-do-hut-can-sa-post194589.gd
[5] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/mot-hoc-sinh-o-sai-gon-tu-vong-khi-di-tinh-nguyen-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-post201003.gd
[6] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/mot-hoc-sinh-tinh-soc-trang-thiet-mang-trong-chuyen-di-thuc-nghiem-post205948.gd