Nở rộ ngoại khóa
Từ nhiều năm qua, hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh các cấp nở rộ từ thành thị đến nông thôn.
Học sinh thường đi ngoại khóa sau khi kiểm tra giữa học kì 1 và 2 để giảm bớt căng thẳng từ áp lực học tập. Ngoài ra, ngoại khóa còn giúp học sinh bổ trợ kiến thức và rèn thêm kĩ năng sống.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở thường đi trong tỉnh, sáng đi chiều về. Một số điểm đến quen thuộc với học sinh là địa đạo Củ Chi, biển Cần Giờ, hay khu vui chơi Suối Tiên, Đầm Sen, Thảo Cầm Viên (sở thú).
Riêng học sinh bậc trung học phổ thông đi ngoại tỉnh, có khi cách xa thành phố hàng trăm cây số.
Vì sao một số hiệu trưởng nhà trường chưa được lòng giáo viên? |
Nhiều trường chọn điểm đến ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ như Tiền Giang, Bến Tre… Cũng có trường đến một số bãi biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Riêng học sinh 12, không ít trường cho học sinh đi xa hơn đến các vùng biển của tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hoặc đến Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Những chuyến đi thế này, nhìn chung học sinh các cấp đều rất thích thú, vì lâu lâu các em mới có dịp đi chơi xa, được vui chơi thỏa thích từ những vùng đất lạ.
Phụ huynh đa phần cũng vui vẻ đồng ý cho con em tham gia, bởi đã có nhân viên công ty du lịch và thầy cô giáo chăm lo tận tình. Hơn nữa, con cái được đi ngoại khóa cũng là dịp giúp chúng được mở mang đầu óc.
Riêng giáo viên, nhiều thầy cô vì nhiệm vụ nhà trường giao phó nên phải đi để quản học sinh chứ cũng chẳng mấy ai hứng thú.
Bởi, những điểm đến như vừa liệt kê thường quen thuộc với giáo viên (năm nào cũng đi), hơn nữa việc quản lí đến mấy chục học sinh trong một thời gian khá dài cũng không phải chuyện dễ.
Giáo viên phải luôn theo sát học sinh từ việc các em ăn uống cho đến sinh hoạt vui chơi. Và có lẽ thầy cô lo sợ nhất là học sinh gặp tai nạn khi tắm biển, hay xe di chuyển ở những cung đường đèo dốc.
Buổi tối thầy cô cũng không thể nào chợp mắt, phải đi rảo tới rảo lui nơi căn phòng các em ở (bởi cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” này, mấy ai mà không lo?).
Có hiệu trưởng nhân danh học tập ngoại khóa để kiếm chác “hoa hồng” chia nhau sống phè phỡn trên mồ hôi và nước mắt của người khác. (Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet.vn) |
Riêng giáo viên nữ (kể cả thầy) thường bị say xe, cho nên việc di chuyển đi về với quý cô có khi là cực hình. Sau chuyến ngoại khóa, có những cô giáo phải xin nghỉ dạy đến mấy ngày vì ốm và còn ám ảnh mùi xe.
Thế nhưng, vì trách nhiệm (kể cả bị ép buộc), giáo viên đành chấp nhận và cũng chỉ biết than ngắn thở dài với đồng nghiệp, người thân.
Góc khuất
Về bản chất, hoạt động ngoại khóa thiên về du lịch hơn là nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, rèn kĩ năng.
Nhưng, nhiều trường ở Thành phố Hồ Chí Minh (và các tỉnh/thành khác) thường gọi hoạt động này bằng những cụm từ mĩ miều như “học tập ngoại khóa”, “trải nghiệm giáo dục”… để lấp liếm cho những việc làm mờ ám (mà chỉ có người trong cuộc mới biết).
Có thể nhận thấy, học sinh tiểu học thường đến các khu du lịch để tham gia các trò chơi như bơi lội (Suối Tiên, Đầm Sen…), hoặc xem những con thú (Thảo Cầm Viên)…
Học sinh trung học cơ sở cũng tham gia trò chơi như học sinh tiểu học và có thêm phần đi ghe xuồng ở vùng sông nước hay tắm biển.
Còn học sinh trung học phổ thông, chủ yếu các em đi tham quan, chụp hình đăng Facebook để có cái mà khoe với chúng bạn.
Nhưng vì tên gọi của những chuyến đi mang tính “giáo dục” nên học sinh cũng phải làm bài thu hoạch bằng cách đánh các câu hỏi trắc nghiệm đã được… công ty du lịch soạn sẵn.
Trên đường về, học sinh ngồi trên xe và đánh bừa hết các câu trắc nghiệm chỉ trong thoáng chốc. Học sinh cũng không cần nhìn nhau để hỏi bài vì cơ thể mệt mỏi, và các em cũng thừa hiểu bản chất của việc kiểm tra này (là dối trá).
Điều đáng nói là, hiệu trưởng và một nhóm giáo viên (chúng tôi nghi là nhóm lợi ích) thường đứng ra lựa chọn công ty và quyết luôn giá tour cho học sinh mà không cần đếm xỉa đến sự có mặt của phụ huynh hay giáo viên.
Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh muốn độc quyền về hoạt động ngoại khóa? |
Sau chuyến đi, có trường cho giáo viên một hai trăm ngàn, nhưng cũng nhiều trường lờ đi, coi như đó là trách nhiệm mà thầy cô phải thực hiện.
Nhiều năm đi cùng học sinh, chúng tôi thấy việc ăn uống của học sinh rất đơn giản: sáng bánh bao (hoặc bánh mì) lạnh tanh, trưa cơm sườn, trứng, canh (với học sinh đi qua đêm thường có thêm món rau, cá mặn), nhưng nhìn chung thức ăn khá rẻ tiền. Và thầy cô chủ nhiệm/phụ trách cũng ăn bữa cùng với các em.
Riêng hiệu trưởng và nhóm giáo viên thân cận thì được ngồi phòng lạnh riêng, ăn nhiều món ngon vật lạ (thường gọi là đặc sản địa phương) và kèm thêm bia đắt tiền.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “hoa hồng” mà công ty trả cho hiệu trưởng được tính theo tổng số học sinh là không hề ít.
Một giáo viên dạy trường trung học phổ thông tư thục ở quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) kể, cô vừa tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa ở huyện Củ Chi với giá tour 530 ngàn đồng. Lớp cô có 40 học sinh tham gia và công ty trích lại phần trăm hơn 3,7 triệu đồng.
Như thế để thấy rằng, một trường học thường có khoảng 2000 học sinh đi ngoại khóa từ một đến hai lần trong năm thì hiệu trưởng và những “người liên quan” bỏ túi biết chừng nào?
Giá tour Sài Gòn - Đà Lạt của một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh áp cho phụ huynh (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Làm phép tính nhẩm, chẳng hạn như có 1000 học sinh đi Đà Lạt với giá tour 1.495.000 đồng, chỉ cần công ty chi cho hiệu trưởng 10% (con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều) sẽ ra số tiền 149.500.000 đồng (tương đương với giáo viên lương bậc 4 dạy trong 2,5 năm – đã nhịn ăn tiêu).
Như đã phân tích, hiện nay nhiều trường học mượn danh hoạt động ngoại khóa để kiếm chác “hoa hồng”. Và cuối cùng, phụ huynh là người bị lợi dụng về tiền bạc, còn giáo viên bị bóc lột về thời gian, công sức.
Thực tế, hiệu trưởng và nhóm lợi ích ở (một số) trường học đang sống phè phỡn trên mồ hôi và nước mắt của người khác như thế, thưa bạn đọc!
Và thưa các cấp quản lí ở tầm… vĩ mô!