Nếu xét về quãng đường từ trụ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến tỉnh tận cùng của đất nước là Cà Mau cũng chỉ mất 2 giờ đi máy bay.
Nếu xét về công nghệ thông tin thì mọi chủ trương, kế hoạch, hướng dẫn của Bộ về cơ sở bằng email chỉ mất vài cú nhấp chuột.
Vậy mà, một số chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ và cơ sở lại đang có những điều khác nhau dẫn đến sự bất cập trong quá trình thực hiện đối với giáo viên trong thời gian qua mà chưa thể khắc phục được.
Nhiều trường vẫn đang tạo thêm áp lực cho giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Hồ sơ sổ sách của giáo viên
Nếu so sánh giữa hướng dẫn của Bộ với các nhà trường về việc thực hiện hồ sơ sổ sách của giáo viên sẽ thấy nó rất khác nhau.
Tại Công văn 68/BGDĐT-GDTrH về việc chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường ngày 07/1/2014 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký đã quy định giáo viên có những loại hồ sơ, sổ sách sau:
"Giáo án (bài soạn) lên lớp viết tay hoặc đánh máy; có thể kết hợp soạn giáo án các môn học hoặc hoạt động giáo dục trong cùng một cuốn; Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp;
Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên Tiểu học); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp)".
Ngày 18/1/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường cũng đã hướng dẫn:
“Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.
Vậy nhưng, thực tế ở các nhà trường lại khác, Ban giám hiệu lại quy định thêm một số loại hồ sơ khác nữa và đương nhiên là giáo viên phải thực hiện theo quy định của cấp quản lý trực tiếp của mình.
Thi giáo viên giỏi các cấp
Chúng tôi tạm thời không bàn đến hướng dẫn hội thi giáo viên giỏi các cấp mà Bộ vừa ban hành vì từ học kỳ II của năm học này mới áp dụng.
Điều chúng tôi muốn nhắc lại là hướng dẫn thi giáo viên giỏi các năm vừa qua thì Bộ cũng không yêu cầu bắt buộc giáo viên phải tham gia nhưng Ban giám hiệu trường học và Phòng Giáo dục vẫn ấn định chỉ tiêu số lượng người tham gia.
Việc thi giáo viên giỏi để tìm ra những nhân tố tích cực, tâm huyết với nghề và tạo cơ hội học hỏi kinh nghiệm với nhau là điều rất tốt. Nhưng, cách mà các nhà trường thực hiện lại không ổn chút nào.
Gần như thi cấp trường thì đa số giáo viên trong trường đều phải tham dự. Chính vì thế, người này chấm cho người kia và gần như ai cũng đạt cả. Chính việc xuề xòa, đánh đồng tất cả giáo viên như nhau tạo ra các danh hiệu không còn giá trị.
Thi học sinh giỏi cấp huyện
Thi học sinh giỏi cấp huyện đối với học sinh cấp Trung bọc cơ sở hiện nay ở một số địa phương đang thể hiện rất nhiều bất cập. Khi tổ chức thi thì có những trường hợp giáo viên vừa ra đề, vừa ôn thi, vừa chấm thi nên gần như những em đạt giải đều về trường các giáo viên này.
Điều đáng buồn nhất là những giáo viên ôn thi ở các trường khác hết năm nay đến năm khác phải ngậm ngùi vì học trò của mình rớt.
Bởi, tỉ lệ học sinh giỏi thì thường lấy rất ít, dao động khoảng 20-30% học sinh thi nên nhiều khi trường có giáo viên ra đề, chấm thi chiếm đến 2/3 số giải của cả huyện. Thậm chí, có những môn còn cao hơn nên hàng chục trường còn lại phải ngậm ngùi mà không biết làm sao được bởi lâu nay rồi đã thế và bây giờ vẫn thế!
Mỗi kỳ thi học sinh giỏi đi qua có một vài trường vui nhưng luôn có hàng chục trường buồn. Những tâm huyết của cả thầy và trò bị đổ sông đổ biển vì những bất cập, hạn chế của kỳ thi.
Nếu cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch thì đậu hay rớt không có gì phải bàn cãi. Nhưng, rớt vì sự thiếu minh bạch thì đó là nỗi chán chường cho nhiều người.
Thi viết Sáng kiến kinh nghiệm
Thực tế, mục đích viết sáng kiến kinh nghiệm là rất tốt bởi không chỉ ngành giáo dục luôn cần thiết có những sáng kiến, cải tiến để đem lại hiệu quả trong quá trình làm việc. Việc phát động viết sáng kiến kinh nghiệm là nhằm tìm ra cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để áp dụng cho trường, cho ngành.
Thế nhưng, khi thực hiện dưới cơ sở thì Ban giám hiệu nhà trường thường chỉ mới giao chỉ tiêu cho các tổ chuyên môn mà chưa có những định hướng cụ thể về mục đích của nó.
Trong khi, nhiều giáo viên bây giờ cũng rất thực tế là có sáng kiến kinh nghiệm mới được xếp loại, xét thi đua ở mức cao và quan trọng nhất là mới đủ điều kiện để tăng lương trước thời hạn. Vì vậy, mỗi năm, mỗi trường, các giáo viên vẫn thi nhau viết sáng kiến kinh nghiệm.
Nhiều người viết sáng kiến kinh nghiệm mà chẳng biết viết như thế nào nên xin xỏ, sao chép và có người còn “chai mặt” nhờ đồng nghiệp viết hộ. Có điều, những sáng kiến kinh nghiệm vô thưởng vô phạt ấy vẫn có nhiều đề tài đạt giải cao.
Vì thế, nhiều người được xét danh hiệu chiến sĩ thi đua, được xếp viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ngược lại, những người chủ nhiệm tốt, dạy tốt, học sinh đạt điểm cao trong thi tuyển sinh, đậu đại học nhiều vẫn ngậm ngùi xét ở mức thấp hơn. Và, đương nhiên không có sáng kiến kinh nghiệm thì đừng bao giờ mơ tăng lương trước thời hạn.
Rõ ràng, nhiều chủ trương, chính sách của Bộ ban hành với mục đích tốt, thiết thực nhưng có khi dưới cơ sở làm khác với chỉ đạo ban đầu. Có lẽ cái khác này vì thành tích thi đua, vì danh hiệu, vì sợ trường mình không bằng trường bạn và sợ cả bị cấp trên quở trách, phê bình.
Bao giờ giữa cơ sở mới thực hiện đúng được chủ trương của Bộ đề ra vẫn là câu hỏi để ngỏ. Nhiều kế hoạch, hồ sơ sổ sách, hội thi, phong trào chưa chú trọng về chất lượng nên hiệu quả không cao và cũng rất khó nâng cao được chất lượng giảng dạy, công tác ở nhiều đơn vị trường học.