Cho dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần ra văn bản chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách của giáo viên trong các nhà trường nhưng xem chừng “phép vua vẫn thua lệ trường”.
Hồ sơ, sổ sách đầu năm học vẫn được Ban giám hiệu nhà trường triển khai đến giáo viên với hàng loạt loại sổ, kế hoạch mà theo lý giải của các vị đứng đầu nhà trường thì nó đều rất…quan trọng!
Nhiều loại sổ sách bây giờ giáo viên vẫn phải viết tay, nhiều loại kế hoạch vẫn chỉ là làm để đối phó với thanh tra, kiểm tra cấp trên. Xem chừng, cách mạng 4.0 chẳng có tác dụng gì với giáo viên và việc yêu cầu giáo viên đi học chứng chỉ Tin học vẫn chưa phát huy được tác dụng.
Tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách vẫn chưa được chấm dứt đối với một số trường học (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Trong Công văn 68/BGDĐT-GDTrH về việc chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường ngày 07/1/2014 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký đã quy định giáo viên có những loại hồ sơ, sổ sách như sau:
"Giáo án (bài soạn) lên lớp viết tay hoặc đánh máy; có thể kết hợp soạn giáo án các môn học hoặc hoạt động giáo dục trong cùng một cuốn; Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp;
Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên Tiểu học); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp)".
Cũng trong Công văn 68/BGDĐT-GDTrH đã yêu cầu: "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường như sử dụng sổ điểm điện tử, phần mềm quản lý tổng hợp các số liệu, hồ sơ quản lý nhà trường".
Mới đây nhất, ngày 18/1/2019, Bộ Giáo dục đã ban hành Chỉ thị 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.
Trong Chỉ thị này, Bộ đã quy định rõ:
“Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.
Bộ trưởng muốn “giảm áp lực cho giáo viên” nhưng cấp dưới thì sao? |
Sau Chỉ thị của Bộ thì các Sở cũng đã có những hướng dẫn tới các đơn vị trường học về thực hiện hồ sơ, sổ sách ở các nhà trường.
Thế nhưng, có lẽ thời gian đã hơn... nửa năm rồi nên có những hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường “đã quên” các chỉ đạo của Bộ và hướng dẫn của Sở.
Vì thế, khi bước vào năm học mới lại tiếp tục có những hướng dẫn giáo viên thực hiện như chưa hề có Chỉ thị 138/CT-BGDĐT mới đây của Bộ Giáo dục.
Năm nay, trường chúng tôi thay đổi cả hiệu trưởng và hiệu phó mới nên nhiều giáo viên trong trường hy vọng sẽ có những thay đổi tích cực trong điều hành và quản lý.
Nhưng không, ngay trong ngày họp Hội đồng sư phạm đầu năm đã khiến cho giáo viên trong trường ngao ngán với hàng loạt hồ sơ sổ, sách đã được đề ra. Hồ sơ, sổ sách không được giảm đi, không bám vào các chỉ đạo của Bộ, của Sở mà còn nặng nề hơn trước đây.
Ngoài kế hoạch theo quy định thì hàng loạt sổ sách, kế hoạch được lãnh đạo nhà trường yêu cầu giáo viên, tổ trưởng chuyên môn phải có.
Đó là kế hoạch giảng dạy tuần, tháng, năm; kế hoạch sử dụng, quản lý đồ đồ dùng dạy học; kế hoạch tích hợp; kế hoạch thực hiện chuyên đề; kế hoạch thực hiện từng chuyên đề; kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên (viết tay); kế hoạch phụ đạo, kế hoạch ôn học sinh giỏi; kế hoạch kiểm tra chuyên đề; kế hoạch bồi dưỡng năng khiếu…
Nhiều ý kiến giáo viên góp ý nhằm hạn chế một số kế hoạch để tránh lạm dụng hồ sơ sổ sách nhưng không được lãnh đạo nhà trường chấp nhận.
Và, họ yêu cầu làm theo kế hoạch đã được triển khai của nhà trường với một lý do rất…“đề phòng” là mình cứ làm tốt để cấp trên có về kiểm tra không bị góp ý, nhắc nhở.
Thế nhưng, đa phần những loại hồ sơ, sổ sách quy định yêu cầu các giáo viên và tổ trưởng chuyên môn thực hiện lại không phát huy tác dụng.
Làm cho có bởi nó không phục vụ cho mục đích chuyên môn của từng cá nhân, từng tổ chuyên môn của nhà trường. Làm chỉ với một mục đích duy nhất là đối phó với thanh tra, kiểm tra của Phòng, của Sở mà thôi.
Thời đại công nghệ thông tin, mà bắt giáo viên tự bồi dưỡng bằng cách viết tay để cuối năm nộp cho Ban giám hiệu thì không phải là bồi dưỡng mà chính là Ban giám hiệu đang muốn “hành” giáo viên mà thôi.
Bởi, giáo viên đọc báo, đọc tài liệu hàng ngày cũng là cách tự bồi dưỡng cho chuyên môn và tự nâng cao kiến thức cho từng giáo viên. Hoặc, cần một thông tin nào cần thiết thì họ có thể tra cứu thông tin ấy trên các website của Bộ hoặc được đăng tải trên các cổng thông tin khác.
Bây giờ từ cấp trường trở lên của ngành giáo dục đều có website và các văn bản cần thiết đã được lưu đầy trên đó thì bắt giáo viên chép vào sổ tự bồi dưỡng phỏng có ích gì?
Những loại hồ sơ nào cần thiết, thiết thực đã được hướng dẫn của Bộ, của Sở thì cả bắt giáo viên phải thực hiện, cái gì không cần thiết, không thiết thực thì mạnh dạn bỏ để giảm tải cho giáo viên.
Điều quan trọng là một số thành viên Ban giám hiệu nhà trường cần phải cập nhật được các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành một cách cặn kẽ để thực hiện nhiệm vụ chung của ngành một cách tốt nhất.
Tránh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách, tránh bắt giáo viên phải làm những công việc vô bổ đó mới là điều cần thiết đối với từng thành viên trong Ban giám hiệu của nhà trường hiện nay.