Kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ
Thời gian vừa qua đã có nhiều cán bộ cấp cao ở bộ, ngành và địa phương bị xử lý kỷ luật vì liên quan tới những sai phạm, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế đất nước mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín của Đảng.
Việc xử lý nghiêm minh, thậm chí là tuyên phạt bằng án tù đối với nhiều người từng giữ vị trí cấp cao là hết sức cần thiết để giữ gìn kỷ cương của Đảng.
Bên cạnh việc kiên quyết xử lý vi phạm của cán bộ, Đảng ta cũng thẳng thắn nhìn vào những hạn chế khuyết điểm để siết chặt công tác cán bộ.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói rằng, con đường phía trước còn rất nhiều chông gai, nhưng với thái độ cứng rắn và các biện pháp xử lý kiên quyết của lãnh đạo Đảng đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chắn chắn công tác phòng chống tham nhũng, chống chạy chức chạy quyền sẽ còn đạt được nhiều kết quả tốt hơn trong giai đoạn tới.
“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta phải luôn chú trọng tới công tác phê bình và tự phê bình, ghi nhận ưu điểm và chỉ ra khuyết điểm, không nể nang, không thêm bớt, phê bình việc làm chứ không phê bình người…
Bên cạnh đó, Đảng đã thể hiện sự quyết liệt trong xử lý vi phạm của cán bộ. Chúng ta không ai vui mừng khi đồng chí mình bị kỷ luật, nhưng đã có vi phạm thì phải xử lý để giữ nghiêm phép nước, giữ sự đoàn kết trong đảng, giữ uy tín với nhân dân. Niềm tin của nhân dân là điều căn bản nhất, quan trọng nhất với Đảng”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. ảnh: NQ. |
Nhìn lại chặng đường vừa qua, ông Vũ Quốc Hùng nhận định, trong lúc có nhiều tồn tại phức tạp về công tác cán bộ, tham nhũng, cơ hội… thì sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã tạo ra bước ngoặt lớn khi đi đến nhận định, có một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Từ đây, việc đánh giá, kiểm tra giám sát đối với cán bộ được làm chặt chẽ hơn. Công tác này luôn được đặc biệt chú trọng và tiếp theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ra đời cũng đã chỉ rõ sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.
Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, lợi ích nhóm.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền.
Xử lý cán bộ không còn “đánh từ vai đánh xuống”, dân tin không có ngoại lệ |
Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên.
Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận.
Năm 2018, tiếp tục có Quy định 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, gắn với thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ: “Những quy định này là rất cần thiết xuất phát từ thực tiễn trong công tác cán bộ, cho thấy Đảng quyết tâm giữ kỷ luật bởi vì đó là điều quan trọng nhất, mà có lần tôi đã nói thẳng rằng thói xa dân khinh dân là loại bệnh dịch vô cùng nguy hiểm và phải đuổi cổ ngay những kẻ cơ hội ra khỏi Đảng.
Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII tới nay đã có hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật trong đó có cả đương chức và nghỉ hưu, nhiều vụ án tham nhũng đã và đang tiếp tục điều tra xử lý, cho thấy quyết tâm lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm giữ gìn kỷ cương, phép nước.
Tôi cũng rất mừng là qua từng năm đất nước lại có những bước phát triển mới, kỷ luật kỷ cương được giữ vững, tạo niềm tin cho các thế hệ sau cùng nhau gìn giữ thành quả thế hệ trước đã gây dựng”.
Đảng luôn kiên trì làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. ảnh: tạp chí tuyên giáo. |
Loại bỏ cán bộ cơ hội là rất khó nhưng phải làm tới cùng
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ, ông rất buồn bởi những năm gần đây đất nước xuất hiện nhiều kẻ tham nhũng, số tiền thất thoát rất nhiều nhưng thu hồi thì khó khăn.
“Tôi băn khoăn vì các văn kiện của Đảng đặt ra yêu cầu phải có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động.
Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và quần chúng tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng.
Vì sao người ta thích “chạy chức, chạy quyền”? |
Không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ…
Quy định thì đều có cả nhưng trên thực tế chỗ này chỗ khác vẫn có chuyện lợi dụng chức vụ, vẫn có chuyện đi đêm nên mới dẫn tới những khoản thiệt hại khổng lồ cho nhà nước.
Điều này khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi về vai trò của các tổ chức Đảng tại địa phương, tại từng doanh nghiệp, tổ chức. Đây là những cán bộ trực tiếp tham gia cơ sở, vậy thì vì sao sai phạm xảy ra trong thời gian dài mà không có đủ các biện pháp ngăn chặn? Như vậy, phải xem lại việc giám sát, kiểm tra, như Hồ Chủ tịch đã dạy lãnh đạo mà không kiểm tra tức là không lãnh đạo”, ông Hùng chia sẻ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, muốn xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải hoàn thiện được yếu tố chủ đạo là tư tưởng và con người xã hội chủ nghĩa.
Người dạy rằng, cán bộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi vì "Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng".
Người khẳng định vai trò của cán bộ là tiền vốn của đoàn thể, là cái gốc của mọi công việc, đồng thời đặt ra yêu cầu người cán bộ mẫu mực phải có đức, có tài.
Tài và đức là hai yếu tố quan trọng, nhưng chữ đức được lựa chọn đứng trên, bởi mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, xa rời quần chúng, hống hách kiểu quan cách mạng, quan liêu, tham nhũng, vô trách nhiệm dẫn đến chia rẽ, cục bộ địa phương và kết quả tất yếu là hỏng việc.
Tư tưởng về cán bộ của Người bao gồm một hệ thống nhằm hoàn thiện và nâng cao những phẩm chất tốt đẹp của cán bộ, đảng viên, thể hiện sinh động sự phát triển tất yếu của con người mới Xã hội Chủ nghĩa thể hiện qua 4 đặc điểm rõ nét:
- Phải trung thành với Tổ quốc với cách mạng, chế độ Xã hội Chủ nghĩa.
- Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi.
- Phải có mối liên hệ mật thiết với mọi người xung quanh.
- Dám phụ trách, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, nhất là trong những tình huống khó khăn. Gặp thất bại không hoang mang, tự ti.
Theo tư tưởng của Người, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì phải xây dựng mối quan hệ bình đẳng qua lại giữa nhà nước và công dân; Tôn trọng và bảo đảm thực tế các quyền tự do cơ bản của con người; Các quyền con người, quyền tự do dân chủ được pháp luật bảo đảm và bảo vệ; Cán bộ nhà nước phải giữ đúng chức trách là “công bộc” của dân.
Trong thư gửi “Uỷ ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu Quốc số ra ngày 17/10/1945, Bác đã viết: Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Ông Hùng nêu quan điểm: “Trong khó khăn gian khổ của mấy cuộc kháng chiến cứu nước, Đảng ta ra đời và chỉ có một mục đích duy nhất là tất cả vì quyền lợi của nhân dân. Chính tư tưởng tốt đẹp ấy là nền tảng quan trọng để nhân dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng suốt 90 năm qua và những năm sau này.
Suy cho cùng con người vẫn là then chốt của mọi vấn đề, chính vì thế nhân dân hoàn toàn ủng hộ Đảng tiếp tục xử lý kiên quyết với những cán bộ lợi dụng chức quyền để vun vén cho lợi ích riêng.
Chúng ta không lạ gì hiện tượng có những cán bộ vì tư lợi nên tìm cách chui sâu, leo cao, chứ thực chất không có tài và đạo đức cũng kém. Các cụ xưa đã có câu phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì vậy để ngăn chặn mầm họa thì Đảng phải có những biện pháp mạnh để xử lý triệt để với loại cán bộ này khi bước vào Đại hội Đảng lần thứ XIII tới đây”.