Phát biểu trong buổi Bộ Chính trị gặp mặt nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc đã nghỉ hưu, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đất nước chúng ta “Đúng là một nước không phải là nước nhỏ như ngày xưa nữa, không phải là nước nhược tiểu nữa rồi,…”. [1]
Một số câu nói trong phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng khiến người viết đặc biệt lưu ý: “Phải đảm bảo giữ được đoàn kết, phát huy vai trò tập thể; Lãnh đạo phải đoàn kết chứ không phải “cua cậy càng, cá cậy vây”; Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; Cá nhân mỗi con người không là cái gì cả…”.
Kết thúc bài phát biểu, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đất nước này nhất định phải phát triển đi lên, không được phép tụt hậu so với các nước khác, không cam chịu kém người khác”. [1]
Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị (nguồn [1]) |
Một phần tư thế kỷ trước, ngày 15/05/1996 Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 14-NQ/TW về phòng chống tham nhũng. Tại thời điểm đó, Nghị quyết chỉ rõ:
“Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp. Tham nhũng vẫn diễn ra tràn lan, phổ biến, thậm chí có địa phương, có lĩnh vực còn nghiêm trọng hơn trước.
Tình trạng tham nhũng đã và đang gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, làm xói mòn bản chất của Đảng và Nhà nước, làm tha hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên…”.
Sự “tha hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên” và “Tham nhũng vẫn diễn ra tràn lan, phổ biến” được đưa vào Nghị quyết của Đảng vào năm 1996 cho thấy hiện tượng này đã xảy ra nhiều năm trước đó.
Chỉ sau đại hội 12, nghĩa là từ năm 2016 đến nay, chiến dịch “đốt lò” đã khiến hơn 90 cán bộ lãnh đạo cao cấp bị kỷ luật trong đó có những người giữ cương vị rất cao trong hệ thống chính trị (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư tỉnh ủy, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng...).
Không ít người đã phải ngồi tù.
Thay vì nói đến những “ông vua con”, những hiện tượng “kết bè, kéo cánh”, đúng vào thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, ông Nguyễn Phú Trọng sử dụng cụm từ “Cua cậy càng, cá cậy vây” phải chăng muốn cảnh báo một hiện tượng có chiều hướng phát triển?
Hiểu đơn thuần về mặt sinh học, “Cua cậy càng” là để cắp người muốn bắt “cua”, nhưng “Cá cậy vây” thì hơi khó giải thích.
“Vây” có thể giúp cá “bơi, lặn” không chỉ ở ao, hồ, sông ngòi mà còn ở đâu đó giữa lòng đại dương.
Nhưng “vây” nếu đặt trong cụm từ “vây cánh”, “giương vây”, “vây vo”,… thì lại khác, chúng không được sử dụng để “bơi, lặn” mà là để thách đố chiếc lồng quyền lực.
Nếu trong một tổ chức chính trị thực sự tồn tại không ít bọn “cua, cá” này thì nguy cơ phá vỡ đoàn kết, làm mất uy tín, làm giảm lòng tin của dân chúng là khó tránh khỏi.
Con đường tất yếu |
Phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng không bao hàm những từ ngữ triết lý mà rất đời thường, rất gần gũi với cách nói của dân chúng:
“Cả hệ thống chính trị đoàn kết, toàn dân đoàn kết, chúng ta chả sợ gì cả”.
Khi toàn dân một lòng thì người Việt đủ sức chiến thắng cả thù trong lẫn giặc ngoài, điều này đã được lịch sử hàng nghìn năm chứng thực.
Toàn dân một lòng đương nhiên là chưa đủ, phải có lực lượng dẫn dắt tài ba, sáng suốt, biết biến sức mạnh lòng dân thành vũ khí giữ nước, dựng nước và cũng phải biết tiến, biết lùi.
Tuy nhiên, chỉ có sự tồn tại của dân tộc mới thực sự bảo đảm cho sự tồn tại của nhà nước, của thể chế chính trị và lực lượng lãnh đạo.
Nước Việt và dân tộc Việt tồn tại đã mấy nghìn năm còn các triều đại liên tục thay đổi, đó là quy luật không thể đảo ngược.
Câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng “Cá nhân mỗi con người không là cái gì cả” có nên được hiểu theo nghĩa rộng hơn, rằng một “Nhóm lợi ích” cũng “không là cái gì cả” nếu nhóm đó không “đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết”.
Nói thế bởi cho đến nay, không ít người vẫn cho rằng “Nhóm lợi ích” là xấu, là gắn liền với tham nhũng, lãng phí, là chỉ vì lợi ích của nhóm mà chà đạp tất cả.
Nếu lợi ích của một nhóm phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, nếu “nhóm” đó đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết thì không có lý do để phê phán hoặc xa lánh.
Tháng 10 năm 2019, xuất hiện bài viết với tiêu đề: “Đảng không thể không sống giữa lòng dân tộc”. [2]
Đầu tháng 2 năm 2020, xuất hiện thêm bài “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc”. [3]
Bộ trưởng… mời cơm! |
Tít bài báo có thể do ban biên tập tự đặt (với sự đồng ý của tác giả), tuy nhiên khi đã đăng thì người đọc sẽ mặc nhiên coi đó là của tác giả.
Phát biểu quan điểm cá nhân là chuyện bình thường song rất ít người - trừ một số vĩ nhân - đủ tầm nói thay cả dân tộc.
Năm 1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, đó chính là lúc Người thay mặt dân tộc Việt Nam tuyên bố với thế giới về sự ra đời của Nhà nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa”, chấm dứt sự tồn tại chế độ phong kiến, thuộc địa tại Việt Nam.
Vậy có gì khác nhau trong cách diễn đạt “Trở thành dân tộc” và “Giữa lòng dân tộc”; Có gì khác nhau giữa hai chủ thể Đảng và Dân tộc?
Câu hỏi này có lẽ không khó trả lời với các chuyên gia ngôn ngữ, những người biên soạn từ điển,… Tuy nhiên cũng có thể có những người không thể trả lời hoặc vì lý do nào đó chưa muốn trả lời.
Trong cuộc sống, những người theo phái “Trung dung” thường nhấn mạnh triết lý “Thái quá bất cập” (cái gì quá cũng không tốt), vậy nên “nóng quá hay lạnh quá”, “yêu quá hay ghét quá”, “khen quá hay chê quá”,… đều bất cập, đôi khi phản tác dụng.
Binh pháp quan trường, kế thứ 8 – “Ngôn pháp Tà Lưa” |
Người viết cho rằng phát biểu của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là bài phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, không tô hồng hoặc né tránh những vấn đề sinh tồn của hệ thống chính trị.
Một khi người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước khẳng định “Cả hệ thống chính trị đoàn kết, toàn dân đoàn kết, chúng ta chả sợ gì cả” thì không đơn thuần chỉ nhắm tới bọn “cua cá” mà còn là bọn đang ngấp nghé, rình rập đâu đó ngoài biên giới lãnh thổ.
Người viết tin rằng “chúng ta chả sợ gì cả” vì chúng đã đã chuẩn bị mọi phương án, chúng ta có đủ lực lượng, ý chí và trên hết là khát vọng ngàn đời của người Việt về một Tổ quốc Việt Nam hùng cường, giàu đẹp, văn minh, công bằng.
“Nếu ta quyết sai thì ta chịu trách nhiệm trước lịch sử” không chỉ là cách nhìn nhận đời thường về quy luật “Sinh lão bệnh tử” mà còn giống như tuyên bố về trách nhiệm của những người lãnh đạo đất nước hôm nay với vận mệnh quốc gia, dân tộc.
Đại thi hào Nguyễn Du từng trăn trở với câu hỏi “Bất tri tam bách dư niên hậu; Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Không biết hơn ba trăm năm sau, thiên hạ có ai khóc Tố Như không).
Hy vọng không cần đến ba trăm năm, các thế hệ người Việt, đặc biệt là các sử gia sẽ đánh giá một cách công bằng những gì đã diễn ra trong gần một thế kỷ qua trên mảnh đất hình chữ S này.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vtv.vn/video/thoi-su-19h-vtv1-02-02-2020-419800.htm
[2] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/dang-khong-the-khong-song-giua-long-dan-toc-580209.html
[3] https://baodautu.vn/dang-tu-minh-ngay-cang-xung-dang-tro-thanh-dan-toc-d115313.html