Chủ trì và phát biểu tại phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) ngày 26/7/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nêu nhiều ý kiến quan trọng.
Cùng với đồng bào cả nước, người viết thực sự tâm đắc với hai trong số những vấn đề mà ông Nguyễn Phú Trọng đề cập:
Thứ nhất: “Chúng ta đã có luật và làm theo luật, nhưng khi cần thiết và đòi hỏi của thực tế thì sửa luật, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết; đồng thời cũng phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng ,...”.
Thứ hai: “Không sợ thiếu cán bộ, bởi không thiếu cán bộ tâm huyết với Đảng, trách nhiệm với dân với đất nước. Không sợ mất uy tín; chỉ không làm, không xử lý cán bộ vi phạm mới tự đánh mất uy tín của mình”. [1]
Ẩn phía sau những câu chữ tưởng như không có gì mới so với những gì được nêu mấy chục năm qua trên truyền thông, trong các văn bản chính thức là những chuyển biến mang tính chiến lược, cùng với đó là những trăn trở, suy tư làm thế nào để đất nước vượt qua chính mình, vượt qua những rào cản đã bén rễ thâm sâu trong nhận thức của bộ phận không ít cán bộ lãnh đạo cả địa phương và trung ương.
Sửa luật (hoặc ban hành luật mới?) nhằm “đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết” - như lời ông Nguyễn Phú Trọng - tại thời điểm này có thể ví như những đợt sóng đang tích lũy năng lượng để trở thành “Sóng Cả”.
Ngạn ngữ Việt có câu “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, có người cho “Sóng Cả” là sóng dữ, gặp “Sóng Cả” là nguy hiểm.
(Ảnh minh họa: VOV) |
Thế nhưng phá bỏ thành trì tham nhũng, phá bỏ liên minh ma quỷ giữa một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp và quan chức - tức là “nhóm lợi ích Quan - Doanh”, phá bỏ lối tư duy thủ cựu, sính ngoại, sợ ngoại, duy ý chí thì “Lò nóng” chưa đủ mà còn cần “Sóng Cả”?
“Nhất thủy, nhì hỏa” là câu châm ngôn cho thấy sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên.
Dẫu “lò” đã nóng và đang rực lửa thì “hỏa” cũng mới ở vị trí thứ hai, phải cần đến “thủy” tức là “Sóng Cả” để nhấn chìm những gì cản đường, tạo dòng chảy thông thoáng cho tư duy người Việt, để các thế hệ mai sau vững tin vào sức mạnh nội tại của dân tộc.
Tạo ra “Sóng Cả” chính là để cho người Việt thực hiện mong ước của Bà Triệu “Cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta”.
Muốn “chém cá kình ở Biển Đông” thì phải “đạp luồng sóng dữ”, muốn có “luồng sóng dữ” thì phải tạo ra “Sóng Cả”, đó không phải là nghịch lý mà là tất yếu lịch sử.
“Đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết” thể hiện trong hai lĩnh vực: đối nội và đối ngoại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Chống tham nhũng không chùng lại mà quyết liệt hơn |
Về đối ngoại, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài “Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết!” viết: [2]
“Trong lịch sử phong trào cộng sản trên thế giới, các tư tưởng tả khuynh, tuyệt đối hóa quan điểm giai cấp, chỉ mang lại những kết quả tức thời, không bền vững và để lại nhưng hậu quả nặng nề, khó khắc phục”.
Vì sao “tuyệt đối hóa quan điểm giai cấp” lại mang đến “hậu quả nặng nề, khó khắc phục”?
Nhận định này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết vào thời điểm nhân loại thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (The Fourth Industrial Revolution) bắt đầu vào khoảng 10 năm trở lại đây.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với nền kinh tế tri thức và sự ra đời của các công nghệ mới trong các lĩnh vực Vật lý, Kỹ thuật số, Sinh học,…
Những phát kiến nổi trội về công nghệ có thể được tìm thấy trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, mạng di động thế hệ 5 (5G), công nghệ in 3D, công nghệ nano,…
Với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lực lượng nòng cốt, đi tiên phong phải là đội ngũ trí thức chứ không phải lao động cơ bắp.
Chính vì thế, nếu không thay đổi nhận thức, nếu cứ “tuyệt đối hóa quan điểm giai cấp” thì sự tụt hậu về kinh tế sẽ không thể tránh khỏi, hậu quả của nó là suy giảm sức mạnh và uy tín quốc gia, gây mất niềm tin nơi quần chúng.
“Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết” trong đối ngoại nghĩa là cần bạn bè, cần đối tác có thể tin tưởng chứ không phải những khẩu hiệu ít chữ hay nhiều chữ.
Vận mệnh quốc gia phải do người Việt nắm giữ, sự hậu thuẫn quốc tế là quan trọng song không thể thay thế nội lực.
Phẩm giá dân tộc không thể đánh đổi bởi bất kỳ sự nhân nhượng nào, không gian sinh tồn của người Việt không phải là thứ có thể đưa lên bàn hội nghị.
Việc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chỉ đích danh Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) khai mạc sáng 31/07/2019 tại Thái Lan [3] chỉ là một trong các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm cụ thể hóa quan điểm của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết”.
Con người với chiếc bè trên lưng (1) |
Về đối nội, vẫn bài đã dẫn nêu ý kiến:
“Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết cần có những biện pháp rõ ràng và kiên quyết để đấu tranh với “lợi ích nhóm”, một tệ nạn đang vận động rất phức tạp, là yếu tố hàng đầu đe dọa đến sự đoàn kết thống nhất của dân tộc, mục tiêu cao nhất của đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết hiện nay”.
Có thể tìm thấy định nghãi khái niệm “nhóm” và “nhóm lợi ích” trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
“Nhóm” hiểu theo nghĩa xã hội là một số người “liên kết với nhau bởi các dấu hiệu hình thức hoặc bản chất, chia sẻ cùng những mục tiêu và quy chuẩn”.
“ “Nhóm lợi ích” tập hợp các cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó”. [4]
Theo các định nghĩa nêu trên, các tổ chức, đoàn thể, hội nghề nghiệp,… đều có thể coi là các nhóm lợi ích.
Vấn đề là đôi khi, do độ nhạy cảm hoặc do những nguyên nhân mang tính thời điểm người ta không muốn hoặc ngại gọi các tổ chức chính trị là “Nhóm lợi ích”.
Từ phát biểu của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, từ nhận định trên Báo điện tử Dangcongsan.vn có thể thấy mức độ chống lại các “nhóm lợi ích” ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt không chỉ trong phát ngôn mà còn trong việc làm cụ thể của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng,...
Bất kỳ nhóm lợi ích nào “đe dọa đến sự đoàn kết thống nhất của dân tộc” hoặc tự cho mình quyền đứng trên luật pháp đều là “giặc nội xâm” và phải bị loại bỏ.
Chỉ có tổ chức chính trị nào lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm lợi ích của chính mình, đồng nhất lợi ích tổ chức với lợi ích tối thượng của dân tộc thì mới có thể tồn tại.
“Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết” vừa là quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước vừa là lời cáo chung cho quan điểm cục bộ, địa phương đã và đang xuất hiện không chỉ ở một số quan chức mà còn ở một số thành phần xã hội khác, chẳng hạn một nhà giáo và cũng là đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công khai góp ý với chính quyền thành phố này, rằng: “Đã đến lúc nghĩ đến việc ăn cây nào phải rào cây nấy”.
“Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết” nghĩa là phải chấm dứt tình trạng “Vua con”, tình trạng “63 tỉnh là 63 nền kinh tế”.
Quan điểm của ông Nguyễn Phú Trọng đồng nhất với nguyện vọng của toàn dân và vì thế không khó để thấy vì sao nhân dân tin tưởng, ủng hộ.
Khi đường lối đã sáng thì vấn đề còn lại là con người.
(còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/40999902-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-hop-phien-thu-16.html
[2] http://dangcongsan.vn/dua-nghi-quyet-dai-hoi-dang-vao-cuoc-song/phai-dat-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-len-tren-het-324193.html
[3] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/pho-thu-tuong-neu-dich-danh-nhom-tau-trung-quoc-vi-pham-chu-quyen-viet-nam-555022.html
[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%B3m