Đang trong thời gian thai sản, giáo viên vẫn bị cắt hợp đồng dài hạn là sai luật

08/02/2020 06:39
Vũ Ninh
(GDVN) - Nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Đan Phượng đồng loạt bị cắt hợp đồng.Có trường hợp đang trong thời gian thai sản là sai quy định pháp luật.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của cô giáo Nguyễn Thị Liễu, giáo viên hợp đồng trường mầm non Hạ Môn.

Từ nhiều ngày qua cá nhân chị Liễu và nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Đan Phượng như ngồi trên đống lửa.

Bắt đầu từ ngày 03/02/2020, trường mầm non Hạ Môn có thông báo chấm dứt hợp đồng với giáo viên các cấp: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện.

Huyện không cho hợp đồng, 242 giáo viên huyện Ứng Hòa không được xét đặc cách
Huyện không cho hợp đồng, 242 giáo viên huyện Ứng Hòa không được xét đặc cách

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Liễu đang trong thời gian nuôi con nhỏ (dưới 12 tháng tuổi) bị cắt hợp đồng là sai quy định của khoản 3 Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012.

Cụ thể, theo quy định trên: “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động....”.

Cung theo điều 42, Bộ luật lao động năm 2012, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm như sau:

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 48 của bộ luật này.

Quyết định chấm dứt hợp đồng với chị Liễu trong thời gian nuôi con nhỏ là sai quy định pháp luật (Ảnh:V.N)
Quyết định chấm dứt hợp đồng với chị Liễu trong thời gian nuôi con nhỏ là sai quy định pháp luật (Ảnh:V.N)

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 48 của bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Như vậy nếu đối chiếu theo quy định của pháp luật thì việc trường mầm non Hạ Môn có thông báo chấm dứt hợp đồng dài hạn với chị Liễu là hoàn toàn sai theo quy định của pháp luật.

Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng gây khó khăn cho giáo viên (Ảnh:V.N)
Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng gây khó khăn cho giáo viên (Ảnh:V.N)

Chị Liễu bức xúc: “Hiện nay nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Đan Phượng đã bị cho thôi việc. Tôi là một trong những trường hợp như vậy. Nhưng đáng nói là tôi đang trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. 

Trong trường hợp này việc trường cắt hợp đồng của tôi là hoàn toàn sai quy định của pháp luật. Bên cạnh đó việc cắt hợp đồng của giáo viên còn gây khó khăn cho các trường vì thiếu giáo viên”.

Còn nhớ mới đây Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã bày tỏ sự cảm thông với nghề giáo viên mầm non: Giáo dục mầm non là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng, áp lực cao nhất, học sinh bé nhất, thời gian làm việc trong ngày dài nhất, lương thấp nhất so với bảng lương trong ngành giáo dục… Các thầy cô đến trường chăm sóc trẻ từ tinh mơ và trở về vào lúc chiều muộn, đối tượng của các thầy cô là trẻ nhỏ và rất hiếu động do đó để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ trong suốt thời gian ở trường, các thầy cô phải luôn chân tay, luôn mắt, không một giây phút nào được lơ là.

Chị Liễu và con nhỏ trước cổng Ủy ban Nhân dân huyện Đan Phượng (Ảnh:V.N)
Chị Liễu và con nhỏ trước cổng Ủy ban Nhân dân huyện Đan Phượng (Ảnh:V.N)

Thế nhưng nhiều nơi vẫn còn tình trạng bỏ lơ giáo viên mầm non mặc dù trên thực tế ngành giáo dục lại đang rất thiếu đội ngũ giáo viên này.Trong thời gian này cô Liễu đành nuốt nước mắt vào trong và hy vọng có 1 quyết định đến với mình.

Bên cạnh đó việc cắt hợp đồng như hiện nay sẽ gây khó khăn cho công tác xét đặc cách cho giáo viên của thành phố Hà Nội. Trước mắt sẽ ảnh hưởng đến thu nhập,đời sống của một bộ phận không nhỏ giáo viên.

Thầy N.V.T nói: “Việc cắt hợp đồng giáo viên huyện Đan Phượng trong thời điểm này gây khó khăn cho việc xét đặc cách của thành phố. Điều này rất bất công cho nhiều thầy cô đã công tác lâu năm”.

Ngày 7/2/2020 cô Liễu đành phải bế đứa con nhỏ lên Ủy ban Nhân dân huyện Đan Phượng với hy vọng Phòng Nội vụ sẽ có một quyết định nhân văn theo đúng tinh thần pháp luật.

Cô Liễu nói: “Tôi không cần gì nhiều, tôi chỉ cần họ thực hiện đúng tinh thần pháp luật”.

Vũ Ninh