Việc làm thêm dịp Tết, từ khóa tìm kiếm của không ít giáo viên chuẩn bị nghỉ Tết. Có nhiều việc các thầy cô hay làm thêm Tết, nhưng nhiều nhất vẫn là bảo vệ, phục vụ thời vụ.
Làm thêm chỉ hai tuần Tết nhưng lương cũng bằng hai tháng đi dạy bình thường, vì vậy là nguồn thu nhập đáng kể của thầy giáo H. để trang trải cuộc sống và góp phần… nuôi nghề giáo.
Tết Canh Tý vừa rồi, H. được nhận vào làm bảo vệ thời vụ cho khu du lịch nọ. Công việc cũng đơn giản, chỉ chỗ đậu xe cho khách, hướng dẫn khách vào phòng lễ tân, gọi taxi v.v...
Thế nhưng không đơn giản như bạn nghĩ, cũng làm quần quật từ sáng đến tối, gần như chỉ đứng, đi, không được ngồi nghỉ… trừ thời gian vào nhà ăn.
Người dân chăm sóc hoa mai. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Baoquangtri.vn) |
Đi làm thêm mấy năm nay, H. cũng biết cách lách luật do bảo vệ chính thức bày cho để nghỉ ngơi, những thời điểm vắng khách phải chọn góc khuất của camera mới dám ngồi nghỉ; nếu không coi chừng bị nêu tên nhắc nhở.
Ngay buổi làm cuối cùng dịp Tết, H. đang mơ màng đến phong bao đựng tiền công và bao lì xì sẽ nhận cuối buổi thì có 1 xe ba gác máy chạy đến.
- Chào sếp, năm mới phát tài chưa? Ngày mai hết Tết rồi, cho em xin cây mai, đưa về vựa chăm sóc, nếu không nó chết mất.
Hàng năm khu du lịch đều thuê cặp mai về chưng Tết, hết Tết chủ vựa cây cảnh chở về chăm sóc; H. hì hục phụ giúp hai người, nhưng hai nhân viên vựa cây cảnh có vẻ thiếu chuyên môn nghiệp vụ, không đưa gốc mai lên xe được.
Thầy giáo lướt sóng đất, cả trường say sóng! |
Thấy có gì đó sai sai, H. liền hỏi “Hai anh ở vựa kiểng nào vậy? Để tôi vào gọi thêm anh đội trưởng ra phụ giúp bê lên cho?” rồi bước vào trong.
Khi quay ra cùng đội trưởng đội bảo vệ, hai người và xe ba gác máy đã biến khỏi hiện trường, cặp mai vẫn còn đó.
Anh đội trưởng vỗ vai H. “May quá thầy giáo ạ, chúng nó là dân lừa đảo, chứ không phải nhân viên vựa kiểng; không có nghề nên không bê lên được; nếu không thầy phải đền cặp mai này rồi; chắc cả năm lương của thầy đó”. Lưng áo H. ướt đẫm mồ hôi, hú vía!
Không chỉ riêng chuyện gốc mai, nhiều giáo viên làm thêm bị trừ tiền do thương người, cho người khác vào nhặt ve chai; cho mượn xe đạp, mượn xe máy kể cả lấy… thức ăn thừa.
Kẻ xấu luôn rình rập sơ hở để gây án, có thể thủ phạm sẽ bị bắt, nhưng được vạ thì má sưng… to rồi.
Bài học kinh nghiệm cho bất cứ ai nói chung, thầy cô làm thêm nói riêng, không quyết định, đồng ý, phụ giúp việc di chuyển tài sản của người khác; không tự ý cho người khác vào khu vực mình phụ trách mà chưa được sự đồng ý của … chủ nhân.
Bất cứ việc gì liên quan tới tài sản … kể cả rác đều phải báo cáo người có trách nhiệm quyết định.
Làm thêm dịp Tết cũng cần kỹ năng, kinh nghiệm phải học hỏi; không biết thì hỏi người phụ trách gần nhất để họ hướng dẫn, quyết định và chịu trách nhiệm, đừng vì nghe người khác tâng bốc là "sếp" mà mất cảnh giác.