Từ khi sốt đất, người ta thấy vợ chồng D. ăn tiêu thoải mái, mua xe ô tô, mua đồ nội thất mới, sắm điện thoại xịn, gần Tết còn khuân về bao nhiêu là đồ gỗ, nhìn nhà D. chả khác kho của xưởng mộc.
Nhưng rồi, giáo viên cả trường choáng váng khi nghe tin D. trốn nợ. Nhiều giáo viên đã đến nhà D. xác minh thông tin, đúng sự thật 100%, D. đã đi trốn nợ, chỉ có vợ ở nhà.
Đến lúc này cháy nhà mới ra mặt … chủ nợ, rất nhiều giáo viên trong trường là chủ nợ của D., người nhiều cũng hơn trăm triệu đồng, người ít cũng vài chục, tính sơ sơ cũng gần tỷ bạc.
Vợ D. tuyên bố “Ai cho D. mượn thì tìm D. mà đòi, tôi không biết. Nhà, xe đều thế chấp ngân hàng hết rồi, chỉ còn mớ đồ gỗ mới mua đó, ai siết được thì lấy”.
Thế là chủ nợ dành nhau khuân đồ gỗ về, vợ D. lấy bút giấy ghi rõ ràng từng món đồ, cùng giá tiền và không quên chụp hình làm bằng chứng!
Thầy giáo lướt sóng đất, cả trường say sóng. (Ảnh minh họa, Nguồn: PLF/ Tapchitaichinh.vn) |
Làm sao D. huy động vốn được từ giáo viên trong trường?
Vốn dẻo mỏ, D. gặp riêng từng người, kể chuyện mình lướt sóng đất, kiếm vài trăm triệu như trở bàn tay, nay cần vốn đặt cọc đất, mượn tạm chỉ riêng anh (em), trả 5% lãi hàng tháng đàng hoàng, trúng nhiều sẽ thưởng thêm.
Thấy D. sắm xe, sắm đồ, ai cũng tin sái cổ, vì thế anh (em) dốc hầu bao cho D. mượn. Mấy tháng đầu D. trả lãi sòng phẳng, từ từ chuyển sang khất lần.
Sốt đất giảm, giá đất giảm, không còn người mua, hàng chục miếng đất D. đã đặt cọc hết thời gian, không bán được đất, mất tiền cọc, nên vỡ nợ.
Thủ đoạn của lừa đảo?
Tất cả món đồ gỗ chủ nợ siết đều được vợ D. tính giá gấp đôi so với giá thị trường; người này không lấy, người kia sẽ lấy, biết quá đắt nhưng dành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nếu không lấy, biết bao giờ lấy được nợ, với D. giờ đây chỉ có trên răng dưới catút.
Theo tìm hiểu của người viết, phần lớn đồ gỗ D. đều mua chịu, khi đến nhà đòi nợ, những người bán hàng đều phải giảm giá cho vợ D. mới mong lấy lại tiền.
Như vậy vợ D. đã mua rẻ, bán vô cùng đắt, vậy mà khách hàng cũng… bằng lòng.
Cho vay với lãi suất 5% có vi phạm pháp luật không?
Làm shipper, thầy giáo bị thổi bay lương Tết |
Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về lãi suất vay như sau:
''1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”
Như vậy, trường hợp giáo viên cho D. vay lãi suất đã lên đến 60%/năm, đã vi phạm pháp luật.
Bài học cho những người ham lãi cao
Những người đi vay, sợ người khác không cho vay nên đưa ra mức lãi cao, đánh vào lòng tham của con người.
Người vay lãi cao thường kinh doanh chụp giật, thiếu an toàn. Nếu thắng lợi có thể người ta sẽ trả cả gốc lẫn lãi theo cam kết, nếu thua, họ đành quỵt nợ.
Người cho vay vừa vi phạm luật pháp, vừa không được pháp luật bảo trợ; vì vậy nên cân nhắc, cẩn thận khi ai đó đề nghị vay với lãi suất cao. Cho vay là quyền của bạn, trả là của họ, nên mới có câu vay quỳ, trả đứng.
Hiện nay, hoạt động tín dụng đen cho vay lãi suất cắt cổ, hình thức đòi nợ khủng bố gây kinh hoàng cho xã hội; với tín dụng đen thì khác vay đứng, trả quỳ.
Vì thế cho vay, đi vay với lãi suất cao đều phải tính toán kỹ lưỡng kẻo tiền mất tật mang.
Tài liệu tham khảo:
1: luatvietnam.vn/dan-su/bo-luat-dan-su-2015-bo-luat-dan-su-so-91-2015-qh13-moi-nhat-101333-d1.html