Lần đầu tiên, đại học của Việt Nam vào tốp 10 đại học nghiên cứu hàng đầu ASEAN

17/02/2020 06:36
Thùy Linh
(GDVN) - Việt Nam lần đầu tiên có một đại học được xếp vào TOP 10 đại học nghiên cứu xuất sắc nhất Khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đó là Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Theo cơ sở dữ liệu Web of Science hay WoS (Clarivate, Mỹ), năm 2019 (tính đến 31/12/2019) các nước ASEAN đã công bố tổng cộng 63.445 công trình trên các tạp chí ISI. Trong nhóm 10 đại học dẫn đầu có 1 đại diện duy nhất của Việt Nam là Trường Đại học Tôn Đức Thắng, xếp thứ 7/10.

Đứng đầu tốp 10 này vẫn là 2 đại học của Singapore; với Đại học quốc gia Singapore là số 1, tiếp theo Đại học kỹ thuật Nanyang. Lưu ý rằng có hai tên đơn vị trong WoS liên quan đến đại học này nhưng thật ra chỉ là một đại học.

Điều đáng quan tâm là 4 đại diện tiếp theo là các đại học rất mạnh của Malaysia theo thứ tự gồm Đại học Malaya, Đại học Putra Malaysia, Đại học Kebangsaan Malaysia, Đại học Sains Malaysia. Đại diện duy nhất của Việt Nam đứng thứ 7.

Kế tiếp là 2 đại học hàng đầu của Thái Lan (Đại học Mahidol và Chulalongkorn). Vị trí thứ 10 là một đại học của Malaysia, Đại học kỹ thuật Malaysia. 

Dữ liệu tốp 10 đại học nghiên cứu hàng đầu ASEAN năm 2019 theo WoS
Dữ liệu tốp 10 đại học nghiên cứu hàng đầu ASEAN năm 2019 theo WoS

Như vậy, tổng cộng Singapore có 2 đại học, Malaysia có 5, Việt Nam có 1 và Thái Lan có 2 đại học trong TOP 10 này. Malaysia đã có số lượng áp đảo trong TOP 10 ASEAN về các đại học nghiên cứu mạnh (chiếm đến 50%).

Tuy nhiên, tổng số công trình trên tạp chí ISI của 5 đại học này trong năm 2019 lại là 11.684, ít hơn tổng công trình công bố của 2 đại học Singapore (tổng công bố của 2 đại học Singapore là 12.995 công trình). Điều này chứng tỏ, các đại học của Singapore đã đạt đẳng cấp rất cao trong khu vực và cả trên thế giới.

Việt Nam có một đại diện duy nhất, Đại học Tôn Đức Thắng trong TOP 10 là niềm tự hào cho cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Trong thời gian gần đây và đặc biệt là năm 2019, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã xác lập được vị trí và đẳng cấp khoa học trong khu vực và trên thế giới. Trong giai đoạn 2016-2018, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được xếp vào nhóm 25 các cơ sở nghiên cứu hàng đầu Khu vực ASEAN.

Năm 2019, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có sự phát triển vượt bậc và đã bứt phá một cách ngoạn mục để gia nhập nhóm 10 đại học hàng đầu của khu vực.

Đại học không tự chủ chỉ là trường phổ thông cấp 4
Đại học không tự chủ chỉ là trường phổ thông cấp 4

Cũng trong năm 2019 và trên bình diện thế giới, Trường Đại học Tôn Đức Thắng được xếp hạng 960 trong tổng số các đại học tốt nhất thế giới theo URAP, TOP 1000 đại học tốt nhất thế giới và là đại học số 1 Việt Nam theo ARWU năm 2019, tốp 200 các đại học tốt nhất thế giới về phát triển bền vững theo THE năm 2019.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một đại học công lập trẻ, tự chủ hoạt động gần như toàn diện theo quyết định thí điểm của Chính phủ.

Chính cơ chế thí điểm tự chủ cùng với sự quản trị xuất sắc đã giúp Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ một đại học còn rất trẻ (23 tuổi), hoàn toàn không nhận kinh phí chi hàng năm từ ngân sách của Nhà nước để đầu tư và chi thường xuyên; nhưng đã có thể gia nhập tốp những đại học hàng đầu khu vực và thế giới; không thua kém những đại học ở quốc gia có thu nhập trung bình cao như Thái Lan; có những đóng góp xuất sắc cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, góp phần đưa nền giáo dục Việt Nam đại học Việt Nam vào bản đồ khoa học khu vực và thế giới trong những năm gần đây.

TRIỂN VỌNG CỦA MỘT ĐẠI HỌC

Để đánh giá về một đại học nghiên cứu, người ta không chỉ quan tâm đến Tổng số phát kiến và sáng tạo khoa học thông qua công trình công bố trên ISI, chỉ số trích dẫn, chỉ số ảnh hưởng của công bố, số công bố trên Tạp chí chính thức trên tổng công bố (công bố có công bố tại hội thảo quốc tế, lecturer notes, và nhiều dạng khác, nhưng công bố trên tạp chí có uy tín của ISI mới chính thức là công bố), và số lượng công bố mà đại học đấy là tác giả chính hay tác giả gửi bài (tức quyền sở hữu trí tuệ bài báo thuộc về đại học đấy); mà điều quan trọng còn là tốc độ tăng trưởng của công bố giữa năm sau so với năm trước, vì đây là khuyhn hướng phát triển.

Tốc độ tăng trưởng mà bền vững sẽ cho thấy đại học đấy có khả năng đi xa đến đâu? bởi vấn đề không phải là anh đang ở đâu? mà là anh sẽ đi được đến đâu, về đâu?

Tính tổng 3 năm (2016, 2017, 2018) Trường Đại học Tôn Đức Thắng công bố 2372 công trình ISI, thấp hơn Đại học hoàng gia Chulalongkron (6857), Đại học Mahidol (7391) của Thái Lan; và thấp hơn rất nhiều so với Đại học kỹ thuật Nan Yang (20.049); và Đại học quốc gia Singapore (24.074).

Trong giai đoạn đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng chỉ đứng thứ 20 trong các đại học và đứng thứ 23 trong TOP 25 đại học và cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ xuất sắc nhất ASEAN. Nhưng tính riêng năm 2019, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã công bố 2130 công trình ISI, gần bằng 3 năm trước đó cộng lại; và khi so sánh, thì Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã vượt Chulalongkorn và Mahidol.

Khoảng cách giữa Trường Đại học Tôn Đức Thắng và NUS chỉ còn 3,4 lần; giữa Trường Đại học Tôn Đức Thắng và NYTU chỉ còn 2,67 lần thay vì 10,14 lần và 8,45 lần như 3 năm trước năm 2019. 

Tốc độ tăng trưởng khoa học-công nghệ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng hiện đang theo cấp số nhân và Nhà trường đặt mục tiêu đuổi kịp NUS trong từ 7 đến 10 năm tới (tính cả việc NUS vẫn tiếp tục tăng trưởng) nếu 2 nền tảng cho sự phát triển bền vững của Nhà trường những năm qua được duy trì: Tự chủ đại học toàn diện và quản trị đại học hiệu quả.

Thùy Linh