“Qua một thời gian dạy online thì tôi thấy học sinh có những khó khăn ban đầu về việc kết nối tạo lập môi trường trực tuyến, nhưng sau đó học sinh dễ dàng vượt qua bởi các em rất thông minh, tiếp xúc với công nghệ và thực hiện các bước nhanh hơn người lớn.
Việc học online này khiến các em thích thú và nó giải quyết được hai vấn đề, là trong mùa dịch vẫn có thể học và hoàn thành được một phần kiến thức trên lớp, thứ hai làm tốt những phần mở rộng kiến thức”, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đỗ Văn Bảo - Giáo viên dạy môn Toán, Trường trung học Vinschool, cho biết.
Thầy Đỗ Văn Bảo: "Phương pháp dạy của giáo viên vẫn đóng một vai trò quan trọng, kể cả trên môi trường dạy online hay offline". Ảnh: Tùng Dương. |
Thầy Bảo chia sẻ: “Thời gian vừa qua trong đợt học sinh được nghỉ để phòng chống dịch, tôi đã tạo một môi trường online với 30 học sinh trong lớp của mình để kết nối truyền đạt kiến thức.
Việc trả lời các câu hỏi hay trả bài, tức là khi làm bài ra vở của mình như thế nào thì các em cũng ghi chép cẩn thận như học trên lớp. Sau đó tôi vẫn có thể kiểm tra được mức độ làm bài tập của học sinh.
Mức độ nghiêm túc của học sinh khi học online sẽ tùy thuộc vào cách quản lý của giáo viên, nếu như các thầy cô có cách quản lý tốt, phương pháp dạy sinh động, không nhàm chán thì học sinh sẽ theo dõi giờ học một cách tập trung hơn. Thầy cô cũng cần có một số kinh nghiệm cũng như nắm được một số quy tắc của học online.
Quy định các em tắt mic, tất cả bật webcam để bất kỳ lúc nào giáo viên bật màn hình của một bạn nào đó, hoặc di chuyển đến một tài khoản nào đấy thì vẫn có thể kiểm tra được là học sinh có ngồi trước máy đang tập trung học hay không.
Không phải trường nào cũng dễ dàng dạy và học online trong thời gian chống dịch |
Cần một số quy tắc nữa trong lớp học, ví dụ muốn học sinh giơ tay phát biểu thì em đó phải đọc tên mình, bởi khi nói xin phát biểu nhưng không giơ tay thì cũng không biết là ai, hoặc phải comment trước với thầy, hoặc quy định trước cho mỗi em 1 con số chẳng hạn .
Hiện nay có rất nhiều phần mềm học trực tuyến có sẵn trên mạng, nhưng để thu hút được học sinh thì thì giáo viên phải biết phối hợp các công cụ với nhau, đây là việc rất quan trọng để có thể thu hút học sinh.
Bản thân tôi vẫn dùng thêm nhiều công cụ khác để tương tác với học sinh như là bảng ghi chép trên nhóm, màn hình của giáo viên, lựa chọn tên học sinh…
Học online với các công cụ hỗ trợ thì hoàn toàn có thể tương tác với học sinh theo cách giáo viên hỏi thì tất cả các em đều nghe thấy, và có thể yêu cầu một bạn học sinh trả lời thì tất cả các bạn khác cũng nghe thấy.
Nếu giáo viên ra một bài tập mà muốn học sinh trả lời riêng, và em đó có thể là gửi kết quả riêng cho giáo viên để các bạn khác không xem được đáp án của mình, cũng có khi giáo viên chỉ cần 5 kết quả của những bạn gửi đầu tiên.
Những khó khăn có thể xảy ra với một số giáo viên khi mà chưa biết phối hợp nhiều công cụ để tăng mức độ tập trung của học sinh, kinh nghiệm cho thấy nếu giáo viên sử dụng nhiều công cụ cùng một lúc thì sẽ luôn luôn thu hút được học sinh tham gia vào bài học của mình.
Dạy học trực tuyến thì kỹ năng của giáo viên rất là quan trọng, môi trường trực tuyến nó cho mình một cái nền tảng đầu tiên, có thể gọi là đối mặt với học sinh trên môi trường online.
Với từng học sinh thì giáo viên có thể quan sát và giảng bài qua các công cụ, nhưng không vì thế mà đã hấp dẫn được các em.
Học sinh vẫn muốn được tương tác với nhau giống như ở trên lớp, ví dụ học sinh có thể phản hồi thì đương nhiên là các em rất muốn ghi chép lại phần phản hồi đó, như vậy giáo viên cần phải có những phần mềm hoặc kỹ thuật nào đó để quản lý, ghi lại được phần phản hồi của học sinh.
Giáo viên có thể kiểm tra học sinh bằng cách gọi bất kỳ bạn nào, nói bạn ấy đưa vở lên sát camera và giáo viên có thể dùng công cụ chụp màn hình để lưu lại bài tập của các bạn đấy.
Thêm nữa có những việc ở trên lớp muốn tổ chức học nhóm, hoặc muốn tổ chức thảo luận nhóm thì ở môi trường online này vẫn có những công cụ để có thể phân công cho mỗi nhóm, sau đó là giáo viên có thể kiểm tra nhóm đấy trên môi trường online, chỉ có điều là giáo viên cần phải biết kỹ năng khai thác, chính vì vậy mà các giáo viên phải được tập huấn khai thác các công cụ để dạy học trực tuyến hiệu quả”.
Giáo viên có thể kết hợp nhiều công cụ để dạy học online. Ảnh: Đỗ Bảo. |
Học sinh rất thích thú trải nghiệm việc học online trong đợt nghỉ chống dịch. Ảnh: Đỗ Bảo. |
Yếu tố cần và có để dạy online
“Hiệu quả việc học online phụ thuộc 70% vào khả năng khai thác công nghệ, khai thác các kỹ thuật và phương pháp tổ chức dạy của giáo viên, việc tham gia học online của học sinh chiếm khoảng 20%, còn lại sẽ là phần bố mẹ hỗ trợ ở nhà, nhắc nhở các con học tập.
Theo tôi thì các trường nên xây dựng nền tảng dạy online, việc này cần tập huấn cho các giáo viên thường xuyên, nhưng không phải là tập huấn đơn giản mà là tạo lập môi trường, các thầy cô phải có kỹ thuật sử dụng các thanh công cụ một cách hiệu quả thì mới làm cho học sinh học được.
Còn nếu chỉ có tạo lập môi trường rồi sau đó giáo viên nói 1 chiều, rồi là phản hồi 1 chiều thì học sinh chỉ học được 1 đến 2 buổi là các em sẽ cảm thấy nhàm chán. Phải xác định đây không phải buổi họp trực tuyến.
Dạy online cũng cần có những phương pháp giáo dục tương tự như trên lớp, nên phải có những hoạt động này hoạt động kia, chính vì vậy giáo viên cần phải khai thác được nhiều công cụ để tương tác phối hợp dạy online.
Thiết bị kết nối của giáo viên với học sinh thì hầu hết nhiều gia đình bây giờ có thể đáp ứng được, học sinh có thể dùng bất kỳ thiết bị nào từ iPad cho đến điện thoại thông minh, máy tính để bàn đều được, miễn là có webcam.
Tivi thông minh cũng giống như một cái điện thoại nhưng nó có màn hình to hơn thì càng tốt.
Về lâu dài thì giáo viên ngoài việc dạy online, thì có thể tiến tới tổ chức các cuộc họp online giáo viên với nhau để giảm tải việc phải tập trung vào một chỗ, hoặc là các trường khác nhau nhưng trong cùng một chủ đề.
Hình thức học trực tuyến thế này thì nó cũng sẽ tiết giảm được việc đi lại, giờ giấc và sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí về mặt thời gian và kinh tế.
Theo tôi về mặt hạ tầng cơ sở hầu hết các trường có máy tính rồi, giáo viên thường cũng đã có điện thoại, có máy tính cá nhân rồi thì mình nên tập trung hơn vào việc tập huấn, khai thác các công cụ hỗ trợ để có thể triển khai tốt với môi trường dạy học online.
Giáo viên cần tìm hiểu hoặc là được tập huấn cách sử dụng những phần mềm một cách phối hợp hiệu quả, để giáo viên có kiến thức sử dụng các bước trong tiết học như thế nào thì mới là quan trọng.
Học online thì cũng có nhiều nơi tổ chức, nhưng nếu muốn triển khai rộng thì giáo viên cần khai thác hiệu quả các công cụ để dạy học hiệu quả mới là vấn đề quan trọng, chứ ko phải chỉ vấn đề kết nối.
Và phương pháp dạy của giáo viên vẫn đóng một vai trò quan trọng, kể cả trên môi trường online hay offline”, thầy Bảo chia sẻ.
Giáo viên cần tìm hiểu hoặc là được tập huấn cách sử dụng những phần mềm một cách phối hợp hiệu quả. Ảnh: Đỗ Bảo. |
Hầu hết việc triển khai dạy online trong đợt này chủ yếu ở các trường tư thục. Ảnh: Đỗ Bảo. |
Ở nhà mà vẫn được học đảm bảo kiến thức, được nói chuyện với nhau, giao tiếp với giáo viên nên các em rất thoải mái. Ảnh: Đỗ Bảo. |
Chú trọng khâu tập huấn
Thầy Bảo cho biết thêm :“Bản thân tôi cũng đã tham gia và đi tập huấn cho rất nhiều trường về dạy và học online, không chỉ phục vụ cho đợt phòng chống dịch này mà còn vì mục tiêu lâu dài.
Những kỹ năng đó sẽ bổ trợ tốt hơn cho việc dạy học của giáo viên đối với học sinh, cũng như tốt hơn cho việc triển khai công việc của mình đối với đồng nghiệp.
Hiện nay việc dạy và học online này mới được triển khai ở một số trường tư thục, ở các trường các trường công thì chưa có. Tôi nghĩ các lãnh đạo nhà trường nên khuyến khích giáo viên, và có những cơ chế động viên những giáo viên chia sẻ những cách thức làm việc trên môi trường mạng.
Cần mở nhiều lớp tập huấn cho các giáo viên, động viên kịp thời thì những giáo viên có tâm huyết triển khai cho học sinh, có như vậy thì mới làm tốt được việc dạy và học online”.
Cũng theo thầy Bảo: “Học online này nó thay thế việc học trên lớp một phần thôi, còn đương nhiên là mỗi cái nó có một tác dụng riêng.
Online thì vẫn có một khoảng cách nào đó, không tiện bằng việc dạy học trực tiếp trên lớp. Tuy nhiên ở trong những thời điểm đặc thù nhất định thì mình vẫn phải tận dụng và khai thác thế mạnh của từng phương pháp.
Thời gian này học sinh đón nhận việc học online rất là cởi mở, vì chống dịch nên phải ở nhà, nhưng ở nhà mà vẫn được học đảm bảo kiến thức, được nói chuyện với nhau, giao tiếp với giáo viên nên các em rất thoải mái.
Có thể là ngồi bất kỳ góc nào trong nhà, bàn học, thậm chí là vừa ăn sáng xong chạy ra học, không gian thay đổi nên các em cũng cảm thấy được trải nghiệm.
Còn về việc cấp bằng cho những khóa học online thì nhiều nước đã thực hiện rồi, họ có cách kiểm soát để biết rằng người học online đấy chính xác là cái người được nhận bằng.
Tôi thấy nếu như mình làm tốt được việc là kiểm soát con người một cách chính xác cẩn thận, chất lượng dạy và học cũng được kiểm soát tốt thì việc cấp bằng cho những khóa học online là hoàn toàn có thể”.