Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Thị Kim Nga - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn khối Trung học cơ sở Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), chia sẻ: “Hiện nay ban giám hiệu nhà trường mới có phương án cho tuần nghỉ học này. Sáng ngày 3/2, chúng tôi đã họp và truyền tải các thông tin của Sở đến tất cả các giáo viên và cán bộ, cũng như các em học sinh và phụ huynh của nhà trường.
Để giúp cho học sinh trong tuần nghỉ học ở nhà không quên nề nếp và kiến thức, ban giám hiệu đã chỉ đạo 3 tổ bộ môn chính là Văn, Toán và Ngoại ngữ, giao bài cho các con tự ôn tập ở nhà theo hướng dẫn của các giáo viên bộ môn.
Giáo viên sẽ nghiên cứu một số bài mới dưới các hình thức trả lời câu hỏi do giáo viên bộ môn biên soạn, việc này giúp cho các con nắm chắc kiến thức và chuẩn bị tiếp nhận bài mới cho buổi học trở lại trong thời gian tới.
Tổ nhóm chuyên môn yêu cầu đối với tất cả các giáo viên bộ môn tùy theo học sinh của từng lớp như giỏi, khá hay trung bình để giao những lượng bài phù hợp cho các con tự làm, sau đó giáo viên sẽ kiểm tra hàng ngày.
Việc giao bài cho học sinh nghỉ ở nhà được ban giám hiệu kiểm tra nội dung, sau đó giáo viên giao cho các lớp và chuyển đến từng học sinh qua các phần mềm công nghệ thông tin".
Nhà giáo Nguyễn Thị Kim Nga - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm, chia sẻ: “Hiện nay ban giám hiệu nhà trường mới có phương án cho tuần nghỉ học này". Ảnh: Tùng Dương. |
Cô Nga cho biết, việc triển khai học online của Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm mới chỉ thực hiện được ở vài bộ môn chứ chưa thể áp dụng đồng bộ hết, để triển khai rộng trong toàn trường ở tất cả các bộ môn cần thêm thời gian.
"Chúng tôi đang đợi ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đợt nghỉ này có kéo dài thêm không rồi mới có phương án tiếp theo.
Nếu như đợt nghỉ này kéo dài, có thể chúng tôi vẫn áp dụng phương pháp cho học sinh ôn tập như tuần nghỉ học này.
Còn về giáo trình học đối với Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm thì bao giờ chúng tôi cũng học từ 1/8, nên với học kỳ 2 này chúng tôi vẫn còn từ 2 đến 3 tuần đệm, vậy nên nhà trường vẫn có thể đảm bảo được tiến độ dạy hết chương trình theo quy định. Còn nếu nghỉ dài nữa thì mọi việc phải tuân thủ theo quyết định của Sở”, cô Nga chia sẻ.
Cũng theo Nhà giáo Nguyễn Thị Kim Nga, trước khi vào kỳ học mới sau Tết có thông tin dịch cúm Corona thì rất nhiều phụ huynh của nhà trường lo lắng.
Ban giám hiệu nhà trường sau khi hội ý và tuân thủ chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho học sinh nghỉ 1 tuần, đồng thời cũng tạo điều kiện cho những học sinh có nhu cầu đến trường học tập.
"Chúng tôi cũng tính đến phương án gửi bài cho các con nghỉ học ở nhà, nhưng như vậy thì chất lượng kiến thức sẽ khó đảm bảo, đâu phải cứ ghi chép kiến thức theo sách giáo khoa là xong.
Rất mừng là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kịp thời có chỉ đạo chung nên đã giải tỏa được lo lắng của phụ huynh học sinh và ban giám hiệu nhà trường", cô Nga nói.
Giờ tập thể dục buổi sáng của học sinh Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm trong ngày đi học bình thường. Ảnh: NT. |
Cô Kim Nga cho biết, ngày 2/2/2020, ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm đã mời cán bộ Y tế đến để phổ biến, tập huấn cho 100% cán bộ và giáo viên của trường về cách phòng dịch cúm Corona, từ đó các giáo viên sẽ phổ biến, hướng dẫn lại cho học sinh vào tiết học đầu tiên khi nhà trường vào học lại.
"Chúng tôi chỉ đạo bộ phận vệ sinh của trường lau khử khuẩn bàn ghế, cửa, sàn nhà, hành lang, vật dụng… hàng ngày bằng nước sát khuẩn theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Mở cửa thông thoáng các phòng học, không bật điều hòa trong thời gian có dịch cúm.
Năm học 37 tuần, đợt nghỉ dài này thì không có vấn đề gì quá lo lắng |
Các nhân viên tổ bán trú phải tổng vệ sinh nhà ăn, phòng ngủ, giường đệm, giặt chăn, chiếu và lau khử khuẩn toàn bộ.
Nếu việc học tập trở lại, chúng tôi sẽ bố trí cán bộ y tế của trường hàng ngày kiểm tra thân nhiệt các con để sớm có biện pháp xử lý nếu có tình huống xấu xảy ra.
Bổ sung thêm nước diệt khuẩn ở trong lớp và xà phòng rửa tay tại các khu vệ sinh.
Trang bị khẩu trang và các trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch trong nhà trường, khuyến cáo 100% học sinh khi đến trường phải đeo khẩu trang y tế.
Thông báo tới các nhà xe đưa đón học sinh và giám sát việc khử khuẩn trên xe ô tô 2 lần 1 ngày.
Nhà bếp lên thực đơn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho học sinh, có bộ phận giám sát quy trình chế biến thức ăn và chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Không sử dụng rau sống và các thực phẩm có nguy cơ lây nhiễm dịch đã được Bộ Y tế khuyến cáo”, cô Nga cho biết.