Trong khi quỹ đất xây trường tại các đô thị ngày càng khó khăn, yêu cầu giới hạn tối đa 4 tầng đối với trường học hiện nay tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06 : 2010/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành năm 2010 liệu có còn phù hợp?
Học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu phải học trong những phòng học tạm bợ trong ngõ 18 phố Hàm Long, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13, một người rất quan tâm đến Giáo dục của Thủ Đô cho biết:
“Hiện trạng của Hà Nội hiện nay và tại sao lại đông học sinh như vậy, nhất là các trường nội thành với sĩ số rất đông, và sau nhiều năm vẫn không giải quyết được vấn đề này? Đây là một bài toán rất khó nên ta phải nhìn toàn diện, chứ nếu chỉ nhìn chi tiết thì sẽ rất khó.
Hiến pháp đã quy định rồi là người dân có quyền sinh sống và ở bất kỳ đâu, vậy nên dân cư ở Hà Nội tăng rất nhanh, trong khi Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cấp đất cho xây chung cư cao tầng thì dễ, nhưng lại khó khăn trong cấp đất để xây thêm trường học. Đây có thể nói là vấn đề đầu tiên.
Đã là quyền cư trú của người dân thì không ai ngăn cản được, nhưng khi họ đã ở thì con họ phải có quyền đi học. Điều nữa là tại sao họ cứ dồn vào trường nội thành?
Tôi đã đi nhiều nơi và thấy chất lượng các trường nội và ngoại thành có khác nhau, vậy nên ai cũng muốn cho con vào học ở trường tốt. Việc này không thể phủ nhận được, và đó cũng là như cầu của người dân.
Việc quy hoạch đã không chuẩn trong khi việc giám sát quy hoạch lại không chuẩn nữa, các chủ đầu tư xây chung cư rất nhanh nhưng có thực trạng là họ dồn đất xây trường học và đất cho Y tế vào những chỗ rất khó giải phóng mặt bằng. Chỗ đó họ sẽ giải quyết sau, chính vì vậy việc xây trường lớp rất thiếu và trì trệ.
Việc này khó như vậy thì chúng ta nên giải quyết thế nào? Hiến pháp là bộ luật cao nhất của đất nước, bộ luật khung mà chúng ta còn sửa đổi, vậy thực tế phát triển thay đổi thì ta phải làm thế nào để luật phải phù hợp với thực tế.
Sao chúng ta cứ để những cái lạc hậu như vậy, chính vì thế chúng ta phải sửa cho phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13: "Sao chúng ta cứ để những cái lạc hậu như vậy, chính vì thế chúng ta phải sửa cho phù hợp với sự phát triển của đất nước". Ảnh: Tùng Dương. |
Trưởng Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội với sĩ số gần 60 học sinh trong một lớp. Ảnh: Tùng Dương. |
Những quy chuẩn có cần không? Tôi cho là rất cần, Bộ Xây dựng năm 2010 đưa ra quy chuẩn là cần thiết, và lúc đó phù hợp với sự phát triển, đảm bảo xây dựng thế nào để an toàn cho học sinh, trường lớp bao nhiêu tầng thì đủ.
Nhưng quy chuẩn đó cho đến hiện nay không còn phù hợp nữa, đặc biệt là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những nơi đông dân cư, quỹ đất eo hẹp. Vậy theo tôi đầu tiên là phải sửa luật, cứ đổ tại luật, cứ ràng buộc mãi là hoàn toàn không được.
Vậy nên những gì không phù hợp với thực tế thì ta nên kiên quyết, đề nghị với Quốc hội yêu cầu các ngành, hoặc nhưng đơn vị nào ra luật, ra quyết định, ra nghị định, thông tư…thì đơn vị đó phải sửa cho phù hợp.
Quan điểm của tôi đối với nội thành thì không có cách nào khác ngoài chuyện nâng tầng, nhưng chỉ với điều kiện trong nội thành được sửa và nâng tầng.
Tôi thấy bây giờ công nghệ xây dựng đã hiện đại hơn rất nhiều, áp dụng nhiều kỹ thuật mới chứ không như ngày xưa. Trong điều kiện nào ta cũng có thể xử lý nền móng và xây dựng được.
Chúng ta không nên máy móc quá về quy định, trong điều kiện các trường phải đảm bảo được sự an toàn cho học sinh về mọi mặt, thì có thể cho học sinh học ở tầng cao cũng không vấn đề gì.
Với công nghệ xây dựng như hiện nay thì tôi có thể đảm bảo rằng có thể an toàn và áp dụng được ở Việt Nam. Còn việc cho nâng tầng thì tôi thấy triển khai càng sớm càng tốt, tất nhiên việc cho phép này cũng tùy thuộc ở các cơ quan quản lý các cấp.
Tôi kiến nghị việc nâng tầng này chỉ giới hạn trong một thời gian thôi, nếu không trong nội thành lại tiếp tục đẻ thêm ra chung cư, lại tiếp diễn các trường quá tải học sinh, vậy nên phải có giới hạn thời gian và quy định trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương.
Việc này chúng ta nên đề ra thời gian cụ thể đến năm nào đó là phải dừng, còn từ năm này trở đi thì anh phải tuân thủ tuyệt đối quy hoạch cũng như quy định về xây dựng của cả nước. Việc này tôi nghĩ Bộ Xây dựng kiểm tra được.
Cuối cùng tôi kiến nghị: Tất cả những điều là luật mà chúng ta đã đưa vào rồi, thì vai trò vị trí của việc giám sát cộng đồng, luật quy định là người dân có quyền giám sát thông tin, nên anh quy hoạch ra sao phải được công bố công khai, trung thực để dân biết và giám sát.
Cũng nên đưa ra một quy định là tất cả các trường không được phép vượt quá sĩ số đã quy định, ví dụ là 30 hoặc 32 học sinh trong một lớp học, nhất là trong nội thành. Đó cũng là điều kiện đảm bảo để học sinh học tốt.
Vậy nên mọi việc đều có thể thực hiện được, nhưng với điều kiện phải minh bạch thông tin, công khai quy hoạch rõ ràng để người dân được biết.
Dù muộn còn hơn không, nên tôi đề nghị Chính phủ cho rà soát lại toàn bộ những quy hoạch đã được thực hiện việc xây dựng trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong vòng 10 năm qua, việc này làm rõ ai sai ai đúng và để răn đe những người sau không được sai phạm về đất đai nói chung và quy hoạch đất cho trường học nói riêng”.