Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 12, 13, đã đến dự buổi tọa đàm "Nhà trường trong đô thị - những quy định trói buộc về xây dựng cơ sở vật chất", do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 18/2, ông Tiến chia sẻ:
“Hiện nay việc xây dựng các khu đô thị mới thì thiếu quy hoạch tổng thể và đồng bộ so với nhu cầu học tập của người dân, và đặc biệt là trẻ em.
Nguyên nhân lớn nhất phải kể đến là tư duy ngắn hạn, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ và lợi ích kinh tế trước mắt, sinh lời trước mắt, lợi ích trước mắt”.
Video: Quá tải sĩ số trường công nội thành đáng báo động
Ông Tiến cho biết: “Theo báo cáo mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì năm 2019 trên địa bàn thành phố có 2.713 trường mầm non và các trường phổ thông trung học, trung cấp chuyên nghiệp với 66.376 phòng học, 58.422 nhóm lớp.
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh thì tình hình cũng không mấy sáng hơn, theo báo cáo mới nhất tôi mới tiếp cận thì năm học 2019 - 2020 thì mới chỉ giải quyết được 50% mục tiêu đã đề ra. Nhiều trường có sĩ số trên 60 học sinh, mặc dù đã phải tận dụng cả hội trường, các phòng chức năng…nhưng vẫn thiếu nghiêm trọng.
Từ đó chúng ta thấy không còn là kiến nghị nữa mà là hồi chuông báo động, đó chính là chất lượng đào tạo, bởi vì điều kiện không đảm bảo thì chất lượng sẽ không bảo đảm, đó là hệ lụy.
Cần sửa quy định giới hạn số tầng trường học ở đô thị để lo chỗ học cho con em |
Đó mới là 2 đô thị lớn, ngoài ra còn rất nhiều đô thị khác cũng có tình cảnh tương tự. Thực chất là chưa có tầm nhìn của quy hoạch, chưa coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu như các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nêu.
Chưa coi đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển, và cũng không thấm nhuần lời dạy của Bác là vì lợi ích trăm năm phải trồng người. Đó chính là cái gốc chứ không phải cứ nói là quỹ đất không có.
Quỹ đất chúng ta hoàn toàn có. Chủ trương là chuyển các tổng công ty, tập đoàn lớn ra ngoại thành, làm gì mà tập đoàn xi măng, Tập đoàn Than cũng phải ở nội thành?
Trụ sở của rất nhiều bộ đã xây dựng mới ở ngoại thành rồi, nhưng vẫn giữ trụ sở cũ ở nội thành và không trả lại, việc này ai cũng biết. Đó chính là quỹ đất chứ đâu.
Trước thực trạng trên thì chúng ta phải có những giải pháp mạnh, quyết liệt như thế nào? Tôi thấy phải rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục để đề xuất quy hoạch, thậm chí điều chỉnh quy hoạch, bố chí quỹ đất xây dựng các trường học phù hợp với từng địa bàn, đặc biệt là ở những khu đô thị lớn.
Việc điều chỉnh này không phải là cá nhân một ai hay là bộ, mà phải thành chủ trương lớn của Đảng nhà nước, có tiếng nói của Quốc hội, Chính phủ phải vào cuộc làm rõ.
Chúng ta có thể di chuyển các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng ra ngoại thành được, nhưng không thể di chuyển các trường mầm non ra ngoại thành được vì trẻ em làm sao có thể đưa đi xa như thế, còn hàng triệu phụ huynh kéo theo nữa.Vậy nên phải ưu tiên cho mầm non và phổ thông”.
Tới dự tọa đàm có các đại biểu: Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13. Ông Nguyễn Đại Minh - Viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng. Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội). Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế. Tiến sĩ Hoàng Anh Giang - Trưởng phòng nghiên cứu phòng chống cháy, Viện Khoa học công nghệ xây dựng. |