Công nhận kết quả dạy qua truyền hình, internet, Bộ cần sửa gấp Thông tư 58

22/03/2020 09:16
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Nếu như công nhận kết quả của việc dạy trên truyền hình, dạy trực tuyến của các nhà trường thì Bộ Giáo dục phải có hướng dẫn cụ thể cách đánh giá, kiểm tra.

Học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện nay đang thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học tập theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà học sinh nghỉ ở nhà, ngành Giáo dục đang triển khai dạy qua truyền hình, dạy trực tuyến và hướng tới là việc công nhận kết quả học tập từ xa.

Chính vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính đến những điều chỉnh về số lượng bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Bởi nếu ngành Giáo dục và các trường dạy từ xa mà vẫn duy trì số lượng bài kiểm tra như cách đánh giá cũ thì sẽ rất khó cho cả giáo viên và học sinh vì nó có số lượng bài quá nhiều.

Số lượng bài kiểm tra theo Thông tư 58 đang là áp lực lớn cho học sinh (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Số lượng bài kiểm tra theo Thông tư 58 đang là áp lực lớn cho học sinh 

(Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Kể từ ngày 26/1/2012, Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT có hiệu lực cho đến nay đã hơn 8 năm, giáo viên thì cũng khá quen thuộc với số lượng bài kiểm tra của mỗi học kỳ. Nhưng đối với học sinh, đa phần là các em cảm thấy ám ảnh, ngao ngán với tần suất, mật độ các bài kiểm tra trên lớp.

Trong số các môn học, có lẽ học sinh ngán nhất là số bài kiểm tra môn Ngữ văn ở mỗi học kỳ. Đối với môn Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 12 thì chương trình Ngữ văn 9 là nặng nhất cả về số tiết học và số bài được kiểm tra.

Mỗi tuần, môn Ngữ văn 9 có 5 tiết học chính khóa, mỗi học kỳ có tới 12 cột điểm kiểm tra vừa thường xuyên và định kỳ. Trong đó, có 7 cột điểm kiểm tra định kỳ (3 bài kiểm tra 1 tiết, 3 bài 2 tiết và 1 bài bài kiểm tra học kỳ từ 90- 120 phút).

Với lượng bài kiểm tra của một môn học mà đã nhiều như vậy trong khi học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện nay đang có hơn 10 môn học, nên chỉ trừ tuần học đầu và cuối học kỳ, còn lại gần như tuần nào cũng phải thực hiện vài bài kiểm tra ở các môn học khác nhau.

Nếu Bộ công nhận kết quả dạy trên truyền hình và trực tuyến

Trước tình hình thực tế của dịch bệnh, Bộ Giáo dục đang có chủ trương sẽ công nhận kết quả dạy trên truyền hình và trực tuyến cho học sinh phổ thông thì có lẽ việc đầu tiên phải nghĩ đến việc đánh giá học sinh như thế nào để công nhận.

Công nhận kết quả dạy qua truyền hình, internet, Bộ cần sửa gấp Thông tư 58 ảnh 2Bộ Giáo dục sẽ công nhận kết quả học trực tuyến, truyền hình

Nếu lấy kết quả của việc dạy trên truyền hình, dạy trực tuyến của các nhà trường thì phải có sự chuẩn bị để hướng dẫn các giáo viên cách đánh giá, kiểm tra về hình thức dạy và học từ xa.

Dạy trên truyền hình thì sự tương tác của học trò gần như không có và rất khó kiểm tra việc học sinh có học hay không học. Dạy trực tuyến thì giáo viên dễ kiểm tra hơn vì giáo viên có thể theo dõi việc học sinh có học hay không học, giáo viên có thể ra bài kiểm tra và học sinh nộp qua địa chỉ của thầy cô luôn.

Nhưng kiểm tra, đánh giá ra sao? Những môn trắc nghiệm có lẽ dễ dàng hơn còn những môn lâu nay kiểm tra tự luận như môn Ngữ văn thì kiểm tra học sinh như thế nào đây?

Những bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết là những bài vận dụng thấp, viết ngắn thì còn dễ dàng trong việc ra đề và cũng dễ cho học sinh làm bài kiểm tra. Còn lại những bài kiểm tra 2 tiết phải vận dụng cao thì sẽ thực hiện ra sao nếu học sinh không có máy tính? Vì những bài này đòi hỏi phải viết rất nhiều.

Giảm tải chương trình có giảm số lượng bài kiểm tra?

Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh hiện nay, việc học sinh trở lại học chính khóa trên trường hay học từ xa thì việc giảm tải chương trình là điều chắc chắn bởi thời gian của năm học không còn nhiều.

Thực tế các địa phương cũng đang chuẩn bị cho việc xây dựng lại phân phối chương trình học các môn học. Một khi giảm tải các đơn vị kiến thức trong chương trình học thì đương nhiên số lượng bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ cũng phải giảm theo.

Theo lịch nghỉ học của học sinh các cấp, trong đó có học sinh Trung học cơ sở ở hầu hết các địa phương trên cả nước đang phải nghỉ đến hết tháng 3, nhiều tỉnh cho nghỉ đến đầu tháng 4.

Công nhận kết quả dạy qua truyền hình, internet, Bộ cần sửa gấp Thông tư 58 ảnh 3Học sinh đang có quá nhiều bài kiểm tra theo hướng dẫn của Thông tư 58

Thậm chí, tỉnh Tây Ninh cho nghỉ đến ngày 18/4 nhưng việc hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 9 phải xong trước ngày 31/7.

Chúng tôi thấy rằng nếu bình thường thì đầu tháng 4 tới đây học sinh vào học, các em còn 3 tháng, nghỉ như Tây Ninh thì học sinh chỉ còn có hơn 2 tháng.

Vậy, nếu kiểm tra theo hướng dẫn của Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT thì riêng môn Ngữ văn đã có hơn 10 bài kiểm tra bởi lịch kiểm tra môn Ngữ văn rơi vào tuần thứ 3 của học kỳ II, trong khi học sinh mới học 2 tuần thì đã phải nghỉ học cho đến nay.

Như vậy, thời gian hơn 2 tháng còn lại của năm học mà học sinh lớp 9 phải làm đến 10-11 bài kiểm tra viết môn Văn thì đó là một áp lực kinh khủng, vì các em còn hơn 10 môn học khác nữa, và số lượng bài kiểm tra các môn này cũng không hề ít.

Chính vì thế, ngay từ bây giờ, có lẽ Bộ và các Sở Giáo dục cần nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể về lộ trình giảng dạy còn lại của năm học. Nếu công nhận kết qủa dạy qua truyền hình, dạy trực tuyến thì đánh giá, kiểm tra ra sao? Hình thức nào để lấy điểm cho học trò?

Nếu đầu tháng 4 tới đây, đa phần học sinh cả nước trở lại học tập bình thường thì có giảm số lượng bài kiểm tra theo hướng dẫn của Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT hay không? Nếu giảm thì giảm bao nhiêu phần trăm, nếu kiểm tra thì kiểm tra vào thời điểm nào trong khoảng thời gian còn lại ít ỏi của năm học? Liệu có gây quá tải cho học trò và giáo viên hay không?

Thực tế việc dạy trên truyền hình và trực tuyến trong thời gian qua ở các địa phương chưa có sự thống nhất và cũng chưa được kiểm tra, đánh giá.

Vì thế, muốn công nhận kết quả từ xa thì việc đầu tiên là các cấp quản lý của ngành Giáo dục phải có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản về cách thức đánh giá, kiểm tra việc học tập của học trò để giáo viên dưới cơ sở có những hướng đi cụ thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

NGUYỄN CAO