Học sinh đang có quá nhiều bài kiểm tra theo hướng dẫn của Thông tư 58

19/10/2019 07:12
NHẬT DUY
(GDVN) - Chỉ riêng môn Ngữ văn lớp 6 thì mỗi kỳ phải có có 1 cột điểm miệng; 4 cột điểm 15 phút; 5 cột điểm bài 1 và 2 tiết; 1 cột điểm học kỳ.

Việc đánh giá, xếp loại đối với cấp học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đang được thực hiện theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2011 cho đến nay.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì học sinh và giáo viên đang chịu rất nhiều áp lực do lượng bài kiểm tra quá lớn.

Học sinh thì có quá nhiều bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ và giáo viên cũng tất bật trong việc ra đề, chấm bài cho học sinh, nhất là đối với bộ môn Ngữ văn mỗi học kỳ có từ 10 bài kiểm tra viết trở lên.

Học sinh đang có rất nhiều bài kiểm tra (Ảnh minh họa: baodaknong.org.vn)
Học sinh đang có rất nhiều bài kiểm tra (Ảnh minh họa: baodaknong.org.vn)

Học sinh sợ kiểm tra

Theo hướng dẫn của Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT thì có 2 hình thức kiểm tra  như sau:

a) Kiểm tra thường xuyên (KTtx) gồm: Kiểm tra miệng; kiểm tra viết dưới 1 tiết; kiểm tra thực hành dưới 1 tiết;

b) Kiểm tra định kỳ (KTđk) gồm: Kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên; kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên; kiểm tra học kỳ (KThk).

Số lần kiểm tra của mỗi môn học được tính theo số lượng tiết/ tuần nên môn nào nhiều tiết thì số lượng bài kiểm tra nhiều hơn. Số lần kiểm tra của các môn học được hướng dẫn:

1. Số lần KTđk được quy định trong kế hoạch dạy học, bao gồm cả kiểm tra các loại chủ đề tự chọn.

2. Số lần KTtx: Trong mỗi học kỳ một học sinh phải có số lần KTtx của từng môn học bao gồm cả kiểm tra các loại chủ đề tự chọn như sau:

a) Môn học có 1 tiết trở xuống/tuần: Ít nhất 2 lần; b) Môn học có từ trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần: Ít nhất 3 lần; c) Môn học có từ 3 tiết trở lên/tuần: Ít nhất 4 lần.

Chính vì hướng dẫn như vậy nên các môn học thường có từ 3 bài kiểm tra viết trở lên đối với cả kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Môn nhiều nhất là môn Văn của lớp 9 có tới 11 bài kiểm tra viết- Đây thực sự là nỗi sợ hãi của học trò.

Học trò lớp 6 thường gặp khó khăn và kết quả học tập thấp

Học sinh đang có quá nhiều bài kiểm tra theo hướng dẫn của Thông tư 58 ảnh 2Sửa Thông tư 08 và Thông tư 58 để ngăn chặn bạo lực học đường

Những em học sinh lớp 6 là gặp khó khăn nhiều nhất trong học tập và kiểm tra trên lớp nên thường điểm của học sinh lớp 6 thấp hơn các lớp còn lại.

Bởi, dưới cấp tiểu học ít môn học mà mỗi môn học thì các em chỉ phải thực hiện kiểm tra một lần giữa kỳ và một lần cuối kỳ, không có bài kiểm tra 15 phút.

Lên đến cấp trung học cơ sở thì kiểm tra thường xuyên (kiểm tra miệng và kiểm tra 15 phút), kiểm tra định kỳ (bài từ 1 tiết trở lên) liên tục.

Chỉ riêng môn Ngữ văn lớp 6 thì mỗi kỳ phải có có 1 cột điểm miệng; 4 cột điểm 15 phút; 5 cột điểm cho bài 1 và 2 tiết; 1 cột điểm học kỳ. Vì mật độ kiểm tra liên tục nên nhiều học sinh đuối ngay khi bước vào lớp 6.

Lên đến lớp 9 thì môn Ngữ văn lại tăng thêm một bài định kỳ nữa. Vì vậy, mỗi học kỳ thì chỉ mình môn Ngữ văn 9 đã có 12 cột điểm/ 1học kỳ.

Và, đâu chỉ mình môn Văn, các môn khác cũng có số tiết rất nhiều như môn Toán (4 tiết); môn Anh (3 tiết) cũng có lượng bài kiểm tra nhiều. Hơn chục môn học song hành với nhau nên gần như tuần nào học sinh cũng phải làm bài kiểm tra.

Nhiều môn học, giáo viên không báo kiểm tra trước, vào lớp mới bất thình lình yêu cầu học sinh lấy giấy ra làm bài kiểm tra 15 phút khiến học sinh sợ hãi và nhiều em không có sự chuẩn bị nên không làm được bài.

Giáo viên cũng ngao ngán

Trong các giáo viên hiện nay thì giáo viên bộ môn Ngữ văn đang phải đọc và chấm lượng bài nhiều nhất.

Nhiều ở đây không chỉ là số lượng bài mà nhiều đối với môn Văn là các bài viết của các em thường rất dài đối với bài kiểm tra 2 tiết. Nhiều học sinh viết bài kiểm tra từ 8-10 trang giấy.

Học sinh đang có quá nhiều bài kiểm tra theo hướng dẫn của Thông tư 58 ảnh 3Sao lại bất nhất trong việc xếp loại học sinh?

Trong khi, đối với môn Văn thì ngoài yêu cầu nội dung còn có thêm phần sửa lỗi chính tả, ngữ pháp cho học trò nên việc chấm bài thường phải mất rất nhiều thời gian.

Mỗi học kỳ giáo viên phải đọc vài ngàn trang viết của học trò cũng khiến cho nhiều thầy cô cảm thấy rất áp lực trong quá trình chấm bài.

Không chỉ chấm bài áp lực mà làm đề kiểm tra môn Ngữ văn hiện nay cũng mất rất nhiều thời gian. Cho dù là giáo viên dạy cùng khối lớp nhưng bắt buộc phải làm nhiều đề bài và đáp án khác nhau bởi nếu kiểm tra đề chung thì rất dễ lộ đề. Trong khi, mỗi đề bài làm cả buổi chưa xong…

Chương trình giáo dục phổ thông mới cần bớt đi các bài kiểm tra

Hiện nay, dù chương trình môn học đã thông qua, Bộ cũng đã thẩm định xong sách giáo khoa lớp 1. Năm học 2020-2021 sẽ bắt đầu dạy chương trình mới ở lớp 1, năm học 2021-2022 là lớp 2 và lớp 6, năm học 2022-2023 là đến lớp 3, lớp 7 và lớp 10…

Thế nhưng, việc kiểm tra đánh giá học sinh qua các môn học như thế nào thì hiện nay chúng ta chưa được biết.

Chính vì vậy, chúng tôi chỉ mong rằng khi chương trình mới áp dụng thì việc giảm tải các bài kiểm tra như hiện nay là điều mà Bộ cần phải tính tới để giảm áp lực cho học trò và ngay cả với giáo viên.

Học sinh thì chỉ có 2 tuần đầu và tuần cuối học kỳ là không có bài kiểm tra, các tuần còn lại là kiểm tra liên tục hết môn này đến môn khác. Có hôm phải làm đến vài bài kiểm tra nên áp lực rất lớn.

Học thì đương nhiên là phải kiểm tra để giáo viên đánh giá chất lượng học tập của học trò nhưng kiểm tra quá nhiều sẽ khiến cho học sinh sợ hãi và giáo viên cũng ngao ngán theo!

NHẬT DUY