Đảng-đoàn Tổng liên đoàn có làm đúng Nghị quyết 19/NQ-TW, Luật 34/2018/QH14?

23/03/2020 08:07
Hồng Thủy
(GDVN) - Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn, không được trái nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật, nghị quyết cấp trên.

Ngày 30/3/2018, Đảng đoàn Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có Công văn số 59/CV-ĐĐTLĐ gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chưa thực hiện thí điểm bỏ cơ chế chủ quản đối với Trường đại học Tôn Đức Thắng, công văn do Phó bí thư Đảng-đoàn Trần Thanh Hải ký, với đề xuất:

"...Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chưa thực hiện thí điểm bỏ cơ chế chủ quản đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng."

Ảnh chụp màn hình.
Ảnh chụp màn hình.

Quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, quy định của pháp luật Nhà nước về tự chủ đại học

Ngày 02/11/2005, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Một trong những nội dung về đổi mới cơ chế quản lý được Nghị quyết 14/2005/NQ-CP nêu ra, là:

"Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát chất lượng giáo dục đại học."

Đến nay, quan điểm chỉ đạo "xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản" trong Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP không những vẫn giữ nguyên tính thời sự, khoa học; mà còn tiếp tục được phát triển mạnh mẽ hơn trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương, Luật số 34/2018/QH14, Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Đề nghị giám sát văn bản dưới luật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
Đề nghị giám sát văn bản dưới luật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP vẫn là một văn bản quy phạm pháp luật còn nguyên hiệu lực. [1]

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đưa ra nhiều chủ trương rất tiến bộ, khoa học và cấp thiết về tự chủ đại học, ví dụ:

- Đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước).

- Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường.

- Chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của bộ, ngành về chính quyền địa phương quản lý; bộ chỉ thực hiện chủ quản đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ và những đơn vị trọng điểm, chuyên sâu.

Mọi văn bản trái với Luật giáo dục đại học và Nghị định 99 đều không có giá trị
Mọi văn bản trái với Luật giáo dục đại học và Nghị định 99 đều không có giá trị

Quan điểm Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học trong Nghị quyết 19-NQ/TW đã được Quốc hội cụ thể hóa trong Luật số 34/2018/QH14, Chính phủ hướng dẫn cụ thể hơn nữa trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Tuy nhiên, những chủ trương, chính sách sáng suốt của Đảng về tự chủ đại học cũng như các quy định của pháp luật nhà nước thể chế hóa chủ trương này đang gặp rất nhiều khó khăn, rào cản trong thực tế; một số cơ quan chủ quản đang tìm mọi cách né tránh, không thực hiện.

Đảng đoàn Tổng liên đoàn có làm đúng Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật số 34/2018/QH14 về tự chủ đại học?

Công văn số 59/CV-ĐĐTLĐ ngày 30/3/2018 của Đảng đoàn Tổng liên đoàn, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2019 cùng các văn bản hướng dẫn của Tổng liên đoàn / các ban chức năng trực thuộc Tổng liên đoàn với Trường đại học Tôn Đức Thắng về việc triển khai Quy định 1584 có nhiều nội dung trái Nghị quyết 19-NQ/TW cũng như Luật số 34/2018/QH14.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần đặt câu hỏi với Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Ngày 20/3/2020, Trường đại học Tôn Đức Thắng nhận được Công văn (hỏa tốc) số 251/TLĐ ngày 19/3/2020 về việc góp ý Dự thảo Quy định về phân cấp quản lý và quy trình, thủ tục, công nhận Hội đồng trường, với thời hạn góp ý trước ngày 25/3/2020.

Vì sao ông Đặng Ngọc Tùng vừa nghỉ, Đại học Tôn Đức Thắng liền bị đòi nộp 30%?
Vì sao ông Đặng Ngọc Tùng vừa nghỉ, Đại học Tôn Đức Thắng liền bị đòi nộp 30%?

Công văn này do ông Vũ Anh Đức, Trưởng ban tổ chức, thừa lệnh Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn ký.

Dự thảo quy định này tiếp tục can thiệp thô bạo vào quyền tự chủ, thẩm quyền của hội đồng trường theo Nghị quyết 19-NQ/TW đã được cụ thể hóa trong Luật số 34/2018/QH14 cũng như Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định, Tổ chức đảng và Đảng viên phải chấp hành Nghị quyết của Đảng; Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.

Khoản 3, Điều 4, Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 cũng ghi rõ: các Tổ chức của Đảng và Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Vậy một Tổ chức Đảng có những chỉ đạo trái với Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương và Luật số 34/2018/QH14 thì sẽ phải như thế nào?!

Điều 2, Phần IV (Tổ chức thực hiện), Nghị quyết số 19-NQ/TW chỉ đạo rõ:

Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương và đơn vị.

Thủ tướng nên ban hành một Nghị định cho riêng Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Thủ tướng nên ban hành một Nghị định cho riêng Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Đến nay, Đảng đoàn Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam không những chưa thực hiện đúng Nghị quyết này; mà còn ra Công văn 59/CV-ĐĐTLĐ đề xuất nội dung trái Nghị quyết, Tổng liên đoàn còn liên tục ban hành những văn bản chỉ đạo các đại học trực thuộc theo hướng ngược lại với Nghị quyết này.

Nếu tình trạng một Tổ chức đảng không thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo Nghị quyết của Trung ương; thì đến bao giờ chủ trương sáng suốt của Đảng mới đi vào cuộc sống?; và tính kỷ luật trong Đảng làm sao nghiêm minh được?!

Đánh giá nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết 19-NQ/TW đã chỉ rõ:

Những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan...Nhiều cấp uỷ đảng, lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quyết tâm chính trị, thiếu quyết liệt và đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đổi mới, sắp xếp lại, quản lý biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập; chưa chủ động chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ.

Nếu không có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng Trung ương trong việc giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW; e rằng tầm nhìn, chỉ đạo và những nỗ lực của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về tự chủ đại học sẽ bị vô hiệu hóa mà không ai chịu trách nhiệm.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vbpl.vn/botuphap/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=17240&Keyword=

Hồng Thủy