Thủ tướng nên ban hành một Nghị định cho riêng Trường Đại học Tôn Đức Thắng

24/12/2019 06:26
Thùy Linh
(GDVN) - Đó là ý kiến của Phó giáo sư Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng.

LTS: Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) được xây dựng trên tinh thần thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học của Đảng, Nhà nước đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Tuy nhiên ngày 16/10/2019, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ trong đó có một số nội dung trái với chủ trương tự chủ đại học trong Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017; cũng như trái với quy định trong Luật số 34/2018/QH14.

Trước vấn đề này, Báo điện tử giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng. 

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay, thực trạng, nguyên nhân và hành lang pháp lý của tự chủ đại học như thế nào?

Phó giáo sư Trần Đình Thiên: Vấn đề tự chủ đại học ở Việt Nam được đặt ra khá sớm, từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Động lực của nó có từ chính công cuộc đổi mới chuyển sang kinh tế thị trường. Từ đó, đã có nhiều đạo Luật, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, Chính sách của Đảng, Nhà nước được ban hành nhằm thúc đẩy quá trình này.

Nghị quyết 77/NQ-CP ban hành năm 2014 là văn bản pháp quy đầu tiên hướng dẫn thực hiện tự chủ cho các trường đại học. Kèm theo đó, có cả một cuộc thí điểm trao quyền tự chủ cho trường đại học công lập được triển khai, kéo dài từ đó đến nay, nghĩa là đã được 5 năm. 

Phó giáo sư Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng. (Ảnh: Báo Vietnamnet)
Phó giáo sư Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng. (Ảnh: Báo Vietnamnet)

Tuy nhiên, kết quả thực tiễn đạt được của công cuộc này phải nói là khá ít ỏi; đến mức gây thất vọng. Sau 5 năm, vẫn chưa có trường đại học nào được trao quyền tự chủ thật sự, kể cả một trường đạt được kết quả xuất sắc như Đại học Tôn Đức Thắng. Cũng chưa có cơ chế hay khuôn khổ pháp lý nào cho “tự chủ đại học” được định hình – dù chỉ là “về cơ bản”. 

Việc đặt ra nhiệm vụ “trao quyền tự chủ” được lý giải là “do nhu cầu và điều kiện đã chín muồi”, là “con đường một chiều” tất yếu phải đi như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có lần nhận định. Nỗ lực bỏ ra không ít. Nhưng kết cục vẫn đang ngổn ngang, dang dở. Thật là một công việc khó khăn. 

Nhưng có thật nhiệm vụ này khó đến mức mà sau 5 năm nỗ lực, kết quả đạt được lại ít ỏi như vậy? Nguyên nhân ở đâu, thưa ông? 

Phó giáo sư Trần Đình Thiên: Trước hết phải khẳng định một điều: “Chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan”.

Điều kiện khách quan – công cuộc đổi mới kinh tế theo hướng thị trường, trong môi trường mở cửa và hội nhập quốc tế, lại là đất nước được hưởng lợi thế đi sau trong một thế giới đã tiến rất xa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo – là rất thuận lợi cho công cuộc cải cách hệ thống giáo dục đại học nói chung, cho quá trình chuyển sang tự chủ đại học nói riêng. Không có lý do gì để đổ thừa sự chậm trễ này cho nguyên nhân khách quan.

Có nhiều nguyên nhân chủ quan cụ thể. Nhưng có thể khái quát quy về một số nhóm nguyên nhân.

Tổng Liên đoàn ban hành văn bản trái với Luật 34/2018/QH14 là không được
Tổng Liên đoàn ban hành văn bản trái với Luật 34/2018/QH14 là không được

Thứ nhất, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa “thống nhất hóa” được nội hàm khái niệm “tự chủ đại học” theo nghĩa hiện đại và thông thường (gồm tự chủ học thuật / chương trình giảng dạy, tự chủ tổ chức và tự chủ tài chính).

Do đó, không “tiêu chuẩn hóa” được chúng để dựng nên “chuẩn quốc gia về tự chủ”, để trên cơ sở đó, thể chế hóa, luật hóa thành các quy định mang tính pháp lý làm hành lang cho các đại học bước đi.

Thứ hai, mục tiêu “trao quyền” cho các trường, “tiêu chuẩn đánh giá kết quả của quá trình” không được xác định rõ ràng, cụ thể. Nhà nước chưa ban hành quy định cụ thể về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường đại học.

Ngay cả Luật Giáo dục Đại học (2012) và các văn bản pháp lý liên quan đều không có điều khoản quy định quyền này. Có chăng, chỉ là quy định quyền tự chủ “theo qui định”, mà không hề nói rõ là “qui định gì?”; nên mang nặng tính hình thức. 

Thứ ba, chưa định hình cấu trúc “quyền” và cơ chế thực thi “quyền” tại các trường đại học được trao quyền tự chủ.

Hội đồng Quản trị, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu, Hiệu trưởng, Đảng ủy, … có vai vế, chức năng gì để bảo đảm sự vận hành hiệu quả của trường tự chủ? là vấn đề mới nhưng chưa được xác lập về nguyên tắc, chứ không phải về chi tiết (để bảo đảm quyền tự chủ tổ chức của trường). Quá trình “thí điểm” bị vướng về “quyền” của chính tổ chức được trao quyền.

Thứ tư, thiếu quan niệm tổng thể, theo tinh thần cải cách triệt để đối với sứ mệnh “trao quyền tự chủ”. Vì thế, các nỗ lực thí điểm “trao quyền” về thực chất chỉ là những hành động “tháo gỡ”, “cơi nới” mang đậm tinh thần “bí đâu gỡ đấy”, “xin – cho” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Chính phủ “ban cho” các trường đại học thí điểm. 

Về thực chất, đây chỉ là những hành động “cải tiến” hệ thống cũ để duy trì chính hệ thống cũ; chứ không phải là cải cách để thay thế nó. Đặc trưng nổi bật của cách làm thí điểm tự chủ cho đến nay là sự rụt rè, thiếu lửa trong hành động thực tiễn của những cấp có thẩm quyền để giúp đại học vượt qua những giới hạn cũ; mặc dù ở cấp cao nhất thì đã quyết liệt mở ra đường lối.

Thứ năm, vướng mắc và xung đột lợi ích. Trao quyền, trong cơ chế hiện nay, là mất quyền, là trao lợi ích cho chủ thể khác; chủ thể mà hiện nay là đơn vị trực thuộc.

Tự chủ đại học đã được luật hóa, sao Tổng Liên đoàn còn “ngăn sông cấm chợ?
Tự chủ đại học đã được luật hóa, sao Tổng Liên đoàn còn “ngăn sông cấm chợ?

Do chức năng của các bộ phận, cơ cấu của bộ máy – của bộ, các cơ quan chức năng, của các trường, v.v. vẫn hầu  như theo kiểu cũ, không hoặc chưa được thiết kế phù hợp với mục tiêu tự chủ, nên dẫn đến chồng chéo giữa đại học với các cơ quan liên quan; quyền chưa rõ và trách nhiệm cũng chưa rõ.

Vì thế, công cuộc “trao quyền” diễn ra với một động lực yếu ớt. Khi đó, lợi ích của “nhóm đang giữ quyền” trở thành thế lực cản trở mạnh mẽ hoạt động tự chủ. 

Thứ sáu, sự vướng mắc, xung đột và cản trở lẫn nhau “trong hệ thống” giữa các Luật và quy định trong lĩnh vực giáo dục đại học với các lĩnh vực khác; làm vô hiệu hóa không nhiều thì ít nỗ lực “trao quyền” của chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các chủ thể khác thuộc Bộ.

Đây là nguyên nhân thuộc loại khó gỡ nhất – vì phức tạp và “rối rắm” nhất. Việc “tháo gỡ” nó lại vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đại thể có những nhóm nguyên nhân như vậy. 

Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Trung ương đưa ra nhiều chủ trương, chính sách thiết thực và cấp bách về tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các trường đại học nói riêng, Quốc hội đã ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật số 34/2018/QH14) cụ thể hóa chủ trương tự chủ đại học của Trung ương.

Tuy nhiên các luật khác vẫn chưa kịp sửa theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-TW như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kiểm toán, Luật Xây dựng...dẫn đến nhiều rủi ro pháp lý cho các trường tự chủ. Theo ông cần làm thế nào để tự chủ đại học thành công?

Phó giáo sư Trần Đình Thiên: Quá trình thể chế hóa tư tưởng, đường lối của Đảng ở nước ta lâu nay vẫn khó khăn và chậm như vậy, không riêng gì Nghị quyết 19 về Tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ tư tưởng, chỉ đạo của Nghị quyết, rõ ràng là phải thể chế hóa thành Luật hay Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ; từ đó, ra Thông tư hướng dẫn thực hiện, Chương trình hành động,... Dài dòng và nhiêu khê lắm!. Lại phải trải qua rất nhiều Bộ ngành bàn, cãi, thống nhất, thì may ra mới triển khai được.

Đó là chưa kể Luật, Nghị quyết mới ban hành có những điều khoản khác, xung đột với các Luật, quy định cũ. Người thừa hành sẽ rất khó thực thi vì dễ “phạm luật” khi triển khai Luật mới. Rủi ro bắt nguồn từ đó. Dẫn tới chỗ các cơ quan, cá nhân đều “ngại tích cực” hành động; “ngại việc”.

Tình huống của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học cũng không là một ngoại lệ.

Đây chính là lý do “quy trình” góp phần giải thích sự chậm trễ của cuộc Thí điểm trao quyền tự chủ đại học đang diễn ra.

Còn cách nào để vượt qua ư? Nếu cứ theo tinh thần “tháo gỡ”, “cơi nới” hay cứ tuần tự quy trình “đề xuất từ dưới lên, rồi thảo luận, thống nhất các bên liên quan, cuối cùng trình Thủ tướng quyết định” thì không biết đến lúc nào mới vượt qua được. Tôi nghĩ theo cách đó là vô phương.

Có một cách khác để đạt được kết quả nhanh và bảo đảm tính hiệu quả tổng thể - và chỉ có cách này thôi: phải với tinh thần cải cách triệt để, vì lợi ích phát triển tổng thể và dài hạn để vượt qua những vướng mắc, cản trở của hệ thống luật lệ, thể chế đang rất rối rắm phức tạp hiện nay; căn cứ vào kết quả thí điểm trong thực tế, Thủ tướng Chính phủ, chứ không phải Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, quyết định áp dụng cơ chế tự chủ đại học, trao quyền tự chủ thực chất cho những trường Đại học được thực tế chứng minh là thực hiện tự chủ thành công. 

Trên cơ sở đó, tiếp tục mở rộng việc trao quyền cho các đại học còn lại, để cuối cùng, xác lập cơ chế chung của việc trao quyền tự chủ đại học.

Cách làm này giống như cách làm “Sandbox” hiện nay: thực hiện Hộp chính sách thử nghiệm cho một cấu trúc phát triển “tiến vượt” so với trình độ chung.

Đây là cách làm mang tinh thần đổi mới và thực sự vì lợi ích phát triển chung. 

Tôi nghĩ Trường Đại học Tôn Đức Thắng, với những thành tích đặc biệt nổi bật, xứng đáng được Thủ tướng thực hiện sự “thử nghiệm chính sách” này. 

Ngày 16/10/2019 Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ với nhiều quy định trái với Nghị quyết số 19-NQ/TW cũng như Luật số 34/2018/QH14 về tự chủ đại học cho thấy cơ chế bộ chủ quản vẫn còn rất nặng nề. Làm thế nào để xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản mà Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP đã chỉ ra từ lâu, thưa ông?

Phó giáo sư Trần Đình Thiên: Đã có nhiều cuộc hội thảo và bài báo đề cập đến vấn đề này.

Tôi nghĩ cơ chế “Bộ chủ quản”, một dạng của tư duy “Lợi ích nhóm” đã chi phối việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ra một Quyết định trái với tinh thần Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và vi phạm luật. 

Cơ chế “Bộ chủ quản” và một trong các hệ quả của nó là lợi ích nhóm đã ăn sâu trong tư duy; chi phối cách hành động của các cơ quan quyền lực trong hệ thống quản lý nhà nước của ta; vì thế, không dễ khắc phục. 

Một quyết định làm thụt lùi tự chủ đại học
Một quyết định làm thụt lùi tự chủ đại học

Để loại bỏ cơ chế này, phải triệt phá căn nguyên của nó: phải xây dựng một bộ máy quản lý nhà nước mang tính chuyên nghiệp, với chức năng cụ thể cho mỗi bộ phận cấu thành; phải xác lập cơ chế quyền – lợi và trách nhiệm rõ ràng, với chế tài nghiêm ngặt, cho mỗi chủ thể, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân. 

Cơ chế “Bộ chủ quản” tồn tại trên nền tảng hệ thống “xin – cho”. Lợi ích chủ quản gắn với chính lợi ích xin-cho. Mà chỉ có tiếp tục “tập quyền” thì mới duy trì được “xin-cho”.

Trong trường hợp trao quyền tự chủ đại học, chính việc không xác lập một cách đúng đắn, phù hợp xu thế thời đại, sứ mệnh, chức năng và vị thế độc lập của trường đại học, hay nói đúng hơn, việc không từ bỏ cơ chế quản lý nhà nước dựa trên sự lệ thuộc mang tính hành chính chứ không phải trên cơ sở mối quan hệ chức năng giữa trường đại học với Bộ chủ quản (nhất là một “Bộ chủ quản” không gắn với chức năng giáo dục và nghiên cứu sáng tạo chuyên nghiệp như Tổng Liên đoàn Lao động); cộng với mong muốn duy trì tập quyền để có lợi ích, chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng xung đột nói trên. 

Hãy thực sự trả chức năng giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học đích thực cho trường đại học. Trên cơ sở đó, chuyển giao quyền tự chủ cho nó là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề. 

Thực tế có trường đại học được cấp quy chế tự chủ rất rộng như cấp dấu hình quốc huy, có nghị định riêng, được báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ nhưng hàng năm vẫn tiêu hàng trăm tỉ đồng, hàng ngàn tỉ đồng ngân sách mà thành tựu nghiên cứu khoa học, đào tạo không hơn một trường khác không nhận đồng nào từ ngân sách.

Theo ông, Chính phủ có nên ban hành một Nghị định cho riêng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, để bảo đảm hành lang pháp lý an toàn, rộng rãi để Trường trở thành một đại học tinh hoa, đẳng cấp quốc tế?

Phó giáo sư Trần Đình Thiên: Như đã nói ở trên, Trường Đại học Tôn Đức Thắng: i) với những kết quả đạt được trong phương diện tự chủ hoạt động; và ii) những thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học rất nổi bật – được ghi nhận trong việc “thăng hạng quốc tế” vừa rồi ở tất cả các bảng xếp hạng đại học tốt nhất của thế giới, hơn bất cứ trường đại học cùng thí điểm tự chủ nào khác, xứng đáng được trạo quyền tự chủ đầy đủ và thực chất.

Tôi nghĩ Thủ tướng có cơ sở để làm việc này – không phải chỉ là hành động công nhận kết quả của Đại học Tôn Đức Thắng theo lẽ công bằng - mà quan trọng hơn, mở đường khai lối, tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình cải cách giáo dục trên toàn quốc đầy khó khăn nhưng đang có triển vọng này.

Việc có một nghị định hoặc nghị quyết riêng cho một đại học tự chủ quá thành công trong thực tế, không những là niềm cảm hứng, là sự động viên để các đại học còn lại mạnh dạn hành động tự chủ; mà nó còn là hành động cần thiết của một Chính phủ kiến tạo; bởi Chính phủ kiến tạo phải biết quí trọng và bảo vệ thành quả kiến tạo trong thực tế như thành quả của Đại học Tôn Đức Thắng.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư. 

Thùy Linh