“Học sinh phải có sự chủ động ngồi vào bàn học, bật máy tính trước 10 phút để có tâm thế cho buổi học Online và đây là việc quan trọng, hơn nữa rất cần có sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh để nhắc nhở giám sát khi các em học ở nhà.
Thực tế hiện nay rất nhiều học sinh chưa có Webcam, có em chưa có máy tính kết nối mạng, nếu chỉ học qua điện thoại thông minh sẽ ảnh hưởng đến thị giác và lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, vậy nên sự hỗ trợ của gia đình về vật chất để các em có phương tiện học tập cũng rất quan trọng.
Hơn nữa giáo viên sử dụng rất nhiều công cụ như Zoom, Hangouts, Skype…để dạy học thì trên điện thoại không thể hiển thị hết được như trên máy tính, dẫn đến khó khăn, hạn chế trong việc các em tiếp thu kiến thức”, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội), chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp: "Theo tôi đây cũng là lúc để các giáo viên phải tự nhìn lại và hoàn thiện bản thân mình, nâng cao trình độ công nghệ thông tin cũng như cập nhật các phương pháp dạy học mới hiệu quả hơn". Ảnh: TD. |
Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội) vắng lặng trong đợt học sinh nghỉ phòng chống dịch. Ảnh: TD. |
Theo cô Nhiếp: “Khi học sinh học trực tuyến, học Online tại nhà thì việc nhắc nhở của cha mẹ rất quan trọng, nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình thì hiệu quả của việc học Online và làm bài sẽ không được như mong muốn, thực chất thì không phải em nào cũng tự giác chăm học.
Theo tôi để thành công một tiết dạy trực tuyến hoặc Online thì điều đầu tiên là ý thức của cá nhân em học sinh đó, tiếp đến là năng lực học tập, sự vào cuộc sát sao của cha mẹ các em, và điều quan trọng nữa là năng lực của các giáo viên tham gia giảng dạy và năng lực quản lý, quản trị của bán giám hiệu.
Cũng chính vì vậy mà Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội) đã thông báo đến từng phụ huynh biết được thời khóa biểu học Online của con mình, học môn gì, ngày nào giờ nào chi tiết, thầy cô giao bài gì, bao nhiêu bài thì phụ huynh cũng đều nắm được.
Cuối ngày giáo viên chủ nhiệm sẽ kiểm tra lại xem hôm nay có bao nhiêu học sinh vắng mặt không có lý do, bao nhiêu em không làm bài và sau đó gửi thông báo đến từng phụ huynh, phải có sự phối hợp như vậy giữa nhà trường và gia đình thì việc học tập mới có hiệu quả.
Chính vì vậy mà học sinh trường Yên Hòa của chúng tôi khi học trực tuyến qua truyền hình thì đồng thời các giáo viên bộ môn cũng phải theo dõi tiết học đó, có theo dõi thì mới biết họ dạy cái gì để mà truyền đạt lại cho học sinh, các giáo viên phải báo cáo hàng ngày với ban giám hiệu về việc này.
Các giáo viên theo dõi tiết học đó xong sẽ đưa ra bàn lại trong tổ bộ môn, xem bài giảng hôm nay cần phải bổ sung thêm cho học sinh vấn đề gì, bài tập theo hướng nào? Sau đó giáo viên thống nhất hướng giao bài cho học sinh, một mặt sẽ giải đáp thắc mắc những phần các em chưa hiểu về bài giảng đó qua hình thức Online.
Về cơ bản thì 35 phút đồng hồ dạy trên truyền hình nên bài giảng mới dừng lại ở việc đưa những kiến thức cơ bản và là một chiều, còn những cái sâu hơn, những thắc mắc của học sinh thì giáo viên dạy Online của nhà trường sẽ truyền đạt tiếp.
Có như vậy thì học sinh mới nắm chắc được kiến thức, còn chỉ nghe trên truyền hình không sẽ không hiệu quả vì trình độ tiếp thu cũng như năng lực học tập của mỗi học sinh rất khác nhau”.
Tiết học Online của học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hoa (Hà Nội). Ảnh: Nhà trường cung cấp. |
Giờ học Anh văn của học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hoa (Hà Nội). Ảnh: Nhà trường cung cấp. |
Muốn học Online, học trực tuyến có hiệu quả thì rất cần sự vào cuộc của phụ huynh học sinh. Ảnh: Nhà trường cung cấp. |
Các thầy cô đều rất cố gắng
Cô Nhiếp cho biết: “Thời gian vừa qua tôi thấy việc dạy và học Online rất vất vả, mang tiếng là các giáo viên không phải lên lớp nhưng thực chất số lượng công việc phải chuẩn bị nhiều hơn.
Bình thường nếu dạy trực tiếp thì chỉ cố định sĩ số học sinh một lớp, nhưng khi dạy Online thì số lượng tăng lên gấp đôi, gấp ba, cứ mỗi một học sinh đang học thì bên cạnh là bố hoặc mẹ, thậm chí anh chị em của học sinh đó cũng ngồi theo dõi bài giảng.
Nếu có bất kỳ sơ xảy nào của giáo viên trong quá trình dạy thì cũng có thể làm phụ huynh không hài lòng, bình thường dạy trên lớp thì giáo viên có thể hơi nặng lời với một học sinh nào đó thì cũng không vấn đề gì, nhưng nếu phụ huynh theo dõi mà thấy như vậy sẽ có ý kiến ngay.
Học trực tuyến qua truyền hình không phải là khoán hết cho học sinh |
Ngay như giáo viên đang dạy Online thì ban giám hiệu cũng như các đồng nghiệp theo dõi, dự giờ hoặc bất cứ ai cũng có thể nhìn vào màn hình máy tính để theo dõi tiết học.
Vậy nên nguy cơ tai nạn nghề nghiệp là rất lớn nếu như không có sự chia sẻ và thông cảm của các bậc phụ huynh, hiện nay các thầy cô đang khá áp lực và căng thẳng.
Nhưng cũng chính vì vậy lại có ưu điểm, các giáo viên cũng phải chỉnh chu hơn, tác phong sư phạm phải chuẩn mực, giáo án phải cô đọng, dễ hiểu.
Theo tôi đây cũng là lúc để các giáo viên phải tự nhìn lại và hoàn thiện bản thân mình, nâng cao trình độ công nghệ thông tin cũng như cập nhật các phương pháp dạy học mới hiệu quả hơn.
Cũng rất mừng là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công nhận kết quả của những tiết học Online, theo tôi đó là một giải pháp rất thiết thực trong thời điểm này.
Hiện nay cái khó khăn nhất của nhà trường là đợi chương trình giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ cần Bộ công bố giảm tải là chúng tôi sẽ điều chỉnh việc dạy học áp dụng cho khối 12, và cũng theo dự kiến là vào đầu tháng 4 này chúng tôi sẽ chủ động triển khai chương trình dạy Online cho khối 12”.