Tháng 11/2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phê duyệt 38/49 bản mẫu sách giáo khoa cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Tháng 1/2020, Bộ Giáo dục và Đào yêu cầu các nhà xuất bản khẩn trương thực hiện các thủ tục, công bố giá của sách giáo khoa lớp 1 đã được phê duyệt để các cơ sở giáo dục, các địa phương có đầy đủ thông tin tổ chức lựa chọn sách.
Ngày 21/2/2020, Bộ trưởng tiếp tục phê duyệt 7 mẫu sách giáo khoa, nâng tổng số sách giáo khoa lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới lên 45 cuốn của 9 môn học và các hoạt động giáo dục.
Dư luận xã hội cho rằng nguyên nhân chính của việc giá sách giáo khoa mới tăng cao như hiện nay phần lớn là do Bộ Giáo dục chưa thực hiện đúng với tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. Ảnh: Tùng Dương. |
Nhưng cả 5 bộ sách giáo khoa mới vừa được công bố thì cũng đã nhận được nhiều ý kiến xã hội, đặc biệt nhất là về giá thành. Tại sao giá sách giáo khoa mới lại cao hơn gấp 4 lần sách giáo khoa hiện hành?
Có ý kiến cho rằng đơn vị biên soạn sách giáo khoa không nên là các nhà xuất bản mà phải là một đơn vị độc lập, sau khi sách được duyệt thì mới đưa sang các nhà xuất bản để thực hiện khâu in ấn.
Nhưng hiện nay các nhà xuất bản vừa tổ chức viết biên soạn, vừa in ấn xuất bản, lại còn tự ý đưa ra nhiều sách như vậy nên rất dễ độc quyền về giá. Vừa đá bóng vừa thổi còi.
Như vậy là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 88/2014/ QH13 của Quốc hội, mà thả nổi cho thị trường nâng giá, có thể nói đây là xã hội hóa về giá sách giáo khoa thì đúng hơn.
Theo chuyên gia kinh tế tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: “ Khi thị trường chỉ có 1 doanh nghiệp làm sách giáo khoa thì Nhà nước phải kiểm soát giá để tránh độc quyền.
Còn khi thị trường đã có nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà xuất bản tham gia, nếu doanh nghiệp định giá quá cao so với thực tế thì sản phẩm sẽ không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác.
Vai trò quản lý của Nhà nước là làm sao để giám sát, hạn chế được tình trạng doanh nghiệp cùng bắt tay để tăng giá bán một cách vô tội vạ, đẩy giá bán cao hơn so với giá thành”.
Vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn thì để mỗi em học sinh mua được một bộ sách giáo khoa là việc không hề dễ dàng. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “ Giá của sách giáo khoa cần phải tính toán hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người sử dụng.
Tuy nhiên, để sự cạnh tranh lành mạnh giữa các bộ sách thì trách nhiệm của Nhà nước như thế nào? Với nhóm đối tượng được Nhà nước bao cấp thì Nhà nước thể hiện như thế nào?
Ví dụ có thể không thu tiền, miễn phí… hoặc hỗ trợ các trường mua sách cho học sinh thuê, rồi quay vòng cho những năm học sau. Về phía đơn vị cung cấp thì cần có định hướng của Nhà nước.
Nếu không muốn vượt quá giá sách hiện hành thì việc đầu tư cho sách nên ở chừng mực nào thôi. Nội dung bên trong, trí tuệ hội tụ của các tri thức trong đó mới quan trọng.
Vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng để thích ứng với thị trường, nếu giá cao quá mà với thu nhập của người dân hiện tại không đủ tiền mua thì rất khó”.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Nghị quyết 88/2014/ QH13 nêu rõ “ Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa khác do các tổ chức, cá nhân biên soạn”.
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn được một bộ sách của riêng mình như tinh thần của Nghị quyết 88 thì sẽ là quy chuẩn về mọi mặt từ nội dung, số lượng sách cũng như giá thành để từ đó áp dụng cho các đơn vị tham gia biên soạn, tránh được tình trạng tăng giá.
Bộ phải có những giải pháp khuyến khích xã hội hóa để thu hút thêm các nhà xuất bản, các tổ chức tham gia biên soạn, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, tránh nguy cơ độc quyền, tăng giá tạo thêm gánh nặng về kinh tế cho phụ huynh và học sinh cũng như toàn xã hội.
Giá sách giáo khoa mới hiện nay cao hơn gấp 4 lần so với giá sách giáo khoa hiện tại. Ảnh: T.D. |
Thực tế có quá ít đơn vị tham gia biên soạn sách giáo khoa mới, phải chăng là do cơ chế hiện nay?
Có 03 nhà xuất bản được phát hành sách giáo khoa, đó là Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng số lượng sách giáo khoa mới lại tập chung vào Nhà xuất bản Giáo dục khi có tới 4 bộ sách.
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có chung 1 bộ sách giáo khoa. Liệu có điều gì bất thường ở đây?
Bộ Tài chính cũng khẳng định thống nhất quan điểm với Văn bản số 115/BGDĐT - KHTC ngày 14/1/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “ Đảm bảo không vượt mức giá kê khai bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường cho năm học 2019 -2020.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến và hướng dẫn các nhà xuất bản kê khai giá theo đúng chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Văn bản số 115”.
Nhưng ngày 20/2/2020, Bộ Tài chính lại có văn bản số 1760/BTC - QLG về việc kê khai giá bán sách giáo khoa gửi 03 nhà xuất bản “ Nhằm mục tiêu ổn định kinh tế, kiểm soát lạm pháp, bảo đảm an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kiểm soát chặt chẽ chi phí kinh doanh…
Trên cơ sở đó các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá sách giáo khoa theo quy định tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn thi hành, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai”.
Việc ra Văn bản này của Bộ Tài chính lại trái ngược với sự đồng thuận trước đó với Văn bản 115 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến dư luận thấy khó hiểu? Phải chăng các nhà xuất bản dựa vào Văn bản này để lách luật tăng giá sách?
Điểm mấu chốt nữa là Nghị quyết 88/2014/ QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa đã được ban hành từ tháng 11/2014.
Cho đến nay đã 6 năm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa đưa ra được một quy chuẩn nào về các phương diện của sách giáo khoa như kích cỡ sách, số lượng trang, mầu in, chất lượng giấy, số lượng cuốn trong 1 bộ sách… trong khi đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu trước khi biên soạn sách giáo khoa.