Có một sự thật là việc tăng giá sách giáo khoa sẽ chỉ làm lợi cho một nhóm người trong khi đó các trường và đặc biệt là học sinh sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Khi trao đổi với một số hiệu trưởng tại huyện Xín Mần (Hà Giang) và các trường vùng cao, phóng viên mới vỡ lẽ được nhiều điều.
Hiện nay, trên thực tế việc đăng ký, lựa chọn sách giáo khoa được giao cho các trường trên cơ sở phụ huynh tự nguyện.
Giá sách giáo khoa mới và những lời giải thích vô cảm |
Thế nhưng tại một số nơi việc đăng ký mua sách giáo khoa gần như là bắt buộc và vai trò của nhà trường đơn giản là đứng ra mặt làm thay công việc của Phòng giáo dục huyện.
Tại huyện Xín Mần, có những trường có đến trên 50% học sinh thuộc đối tượng nghèo.
Thế nhưng năm học nào, phụ huynh cũng phải bỏ ra khoảng 500.000 đồng – 600.000 đồng để mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
Đáng nói, số tiền này trích từ tiền hỗ trợ học sinh nghèo theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Nghị định này, mỗi tháng học sinh sẽ nhận được 100.000 đồng tiền hỗ trợ từ Nhà nước. Như vậy, một năm học,học sinh nghèo tại huyện Xín Mần sẽ nhận được 900.000 đồng tiền hỗ trợ.
Theo nhiều hiệu trưởng: Việc phụ huynh bỏ ra một số tiền 500.000 đồng – 600.000 đồng/ năm học để mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập mới như vậy là rất lãng phí.
Trong khi đó đây đều là những đối tượng học sinh nghèo, gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.
Hơn nữa, theo thông tin phản ánh trên báo chí, giá một bộ sách giáo khoa mới có thể tăng đến 267%. Điều này sẽ gây áp lực không nhỏ đối với những gia đình nghèo.
Tại một số địa phương học sinh nghèo vẫn phải bỏ ra số tiền không nhỏ để mua sách giáo khoa mới và đồ dùng học tập (Ảnh:V.N) |
Cô N.T.L, hiệu trưởng một trường cấp 2 tại huyện Xín Mần (Hà Giang) cho biết:
“Từ thực tế tại huyện tôi cho thấy việc bán sách giáo khoa đem lại lợi ích không nhỏ dành cho các nhà cung cấp và một số cá nhân trong ngành.
Từ đầu năm Phòng giáo dục sẽ có một công văn gửi các trường hướng dẫn danh mục mua sách giáo khoa dành cho các đối tượng học sinh nghèo.
Đáng nói tiền mua sách sẽ được trừ vào tiền học sinh nhận được theo hỗ trợ của Nghị định 86/2015. Điều này không khác gì một hành vi tham ô chính sách.
Trong việc mua bán sách giáo khoa vai trò của các trường chỉ là người đứng ra đại diện.
Nói cách khác chúng tôi bị Phòng giáo dục đứng sau chỉ đạo. Với số tiền 500.000 đồng – 600.000 đồng nhân lên hàng chục nghìn học sinh trong huyện sẽ ra con số lớn như thế nào?”.
Có hay không nhóm lợi ích trong việc bán sách giáo khoa ở các địa phương (Ảnh:V.N) |
Theo cô giáo L. đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp ở đây là phụ huynh và học sinh:
“Việc bán sách giáo khoa từ lâu vẫn mang tính chất lợi ích nhóm. Ở các địa phương đó là bài toán của nhà cung cấp sách, nhà xuất bản sách và một số cá nhân trong ngành giáo dục.
Tất nhiên việc bán sách như này sẽ có hoa hồng. Cho nên người ta cố bán cho nhiều thì hoa hồng sẽ nhiều.
Vì thế mới có chuyện Phòng giáo dục huyện chỉ đạo đối tượng học sinh hưởng Nghị định 86/2015 phải mua hoàn toàn sách giáo khoa mới”.
Thương học trò, cô L và một số hiệu trưởng muốn thông qua báo chí để vạch mặt các chiêu trò hưởng lợi từ việc bán sách giáo khoa.
Sách giáo khoa mới, vẫn nguyên nguy cơ bia ít, lạc nhiều! |
Thầy giáo Đ.C.T (Xín Mần, Hà Giang) bày tỏ:
“Trong việc mua bán sách giáo khoa thực tế các trường chỉ làm theo chỉ đạo của Phòng giáo dục.
Điều bất cập là những đối tượng học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn lại được yêu cầu mua 100% sách giáo khoa mới.
Với mức giá sách giáo khoa mới tăng lên thì rõ ràng gánh nặng sẽ dồn lên vai phụ huynh học sinh. Đáng lẽ với số tiền đó các em sẽ sử dụng và nhiều việc có ích như mua gạo, mua thức ăn hoặc trang trải chi tiêu cho gia đình”.
Thực tế là đối với những phụ huynh vùng xuôi việc bỏ ra vài trăm nghìn cho một bộ sách giáo khoa không phải là điều khó khăn.
Tuy nhiên tại một số địa phương còn nghèo như huyện Xín Mần việc phụ huynh bỏ ra nửa triệu đồng để thay sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh là một điều rất lãng phí. Xuất phát từ thực tế này một số hiệu trưởng nơi đây đề xuất:
Thứ nhất: Việc lựa chọn mua sách giáo khoa hoặc đồ dùng học tập phải dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh. Học sinh có quyền lựa chọn mua sách giáo khoa mới hoặc dùng sách giáo khoa đã qua sử dụng. Phòng giáo dục và các nhà trường không có quyền can thiệp vào vấn đề mua sách giáo khoa của học sinh.
Thứ hai: Đề xuất các Nhà xuất bản, các đơn vị cung ứng sách giáo khoa có chính sách hỗ trợ học sinh nghèo tại các địa phương còn nhiều khó khăn.
Tăng giá sách giáo khoa cũng cần tính đến đối tượng học sinh nghèo (Ảnh:P.T) |
Cô L. tâm sự: “Chúng tôi rất thương học sinh ăn chẳng có mà ăn nhưng năm nào cũng phải bỏ tiền ra mua sách giáo khoa mới.
Nếu sách giáo khoa cứ tăng thì đối tượng bị ảnh hưởng nhất là phụ huynh và học sinh. Các trường chúng tôi không bị ảnh hưởng gì vì chỉ đơn thuần là làm theo chỉ đạo.
Trong khi đó sẽ có một nhóm giàu lên nhờ việc bán sách giáo khoa như thế này. Vì thế chúng tôi đề xuất có một phương án hỗ trợ cho nhóm đối tượng học sinh trên”.