Việc dạy học online và truyền hình hiện đã và đang triển khai ở nhiều địa phương được xem như là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bởi lẽ thông qua hình thức học tập này giáo viên vẫn chuyển tải được kiến thức bài học giúp học sinh lĩnh hội được các tri thức bài học từ đó làm chủ các nội dung cốt lõi của bài học.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Đặng Danh Hướng - giáo viên môn Lịch sử, trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) thẳng thắn thừa nhận với Giáo dục Việt Nam rằng:
Việc dạy học online, truyền hình trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Ví như: giáo viên quy định thời gian bắt đầu tiết học và kết thúc tiết học nhưng vẫn còn không ít học sinh tham gia tiết học không đúng thời gian quy định, khiến giáo viên phải nhờ tới trợ giúp của phụ huynh để đôn đốc con tham gia tiết học online, truyền hình trực tuyến.
Thạc sĩ Đặng Danh Hướng (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Thậm chí theo thầy Hướng, việc dạy online, truyền hình không phải dễ nó đòi hỏi giáo viên phải sử dụng thành thạo về công nghệ thông thạo trong dạy học, trong khi đội ngũ giáo viên có trình độ không đồng đều, nhất là những giáo viên có tuổi.
Bên cạnh đó việc tương tác giữa thầy và trò trong quá trình dạy học online, truyền hình gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là lối truyền đạt một chiều từ thầy tới trò….
Vì còn nhiều khó khăn khi dạy học qua truyền hình, online, do đó, thầy Hướng cho rằng, để có kết quả học tập hiệu quả, học sinh cần phải có kế hoạch học tập rõ ràng, lập thời gian biểu cá nhân.
Tinh giản kiến thức, đẩy mạnh dạy và học từ xa là giải pháp phù hợp nhất |
Học sinh cần phải nâng cao tinh thần tự giác, tự học, tham gia lớp học đúng giờ, đúng thời gian quy định (nếu không nhớ được thời gian học các em nên tạo lời nhắc trong điện thoại), phải có không gian học tập riêng tư.
Đặc biệt, theo thầy Hướng, để không ảnh hưởng đến việc tham gia học online, học sinh tuân thủ nghiêm túc theo sự hướng dẫn của giáo viên.
Nếu trong quá trình học tập học sinh thấy khó khăn trong việc nghe giảng cần phải báo cáo ngay cho giáo viên để thầy cô điều chỉnh trong những tiết học tiếp theo.
Nếu học sinh gặp khó khăn trong việc lĩnh hội tri thức kiến thức cần trao đổi để giáo viên làm sáng tỏ nội dung kiến thức mà các em chưa nắm được.
Việc ghi chép bài áp dụng phương pháp sơ đồ tư duy để dễ hiểu, dễ nhớ kiến thức từ cơ bản cho đến phức tạp, có như vậy các kiến thức bài học không bị rối.
Đánh giá về hướng dẫn nội dung tinh giản ở môn Lịch sử mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, thầy Hướng cho rằng, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang lây lan rộng chưa có dấu hiệu dừng, việc tinh giản nội dung kiến thức môn học cho học sinh là rất cần thiết.
Bởi lẽ môn Lịch sử với khối lượng kiến thức sâu rộng nên việc tinh giản kiến thức sẽ làm giảm đi áp lực cho cả giáo viên và học sinh trong thời gian nghỉ phòng tránh dịch kéo dài.
Toàn bộ đề tham khảo thi trung học phổ thông quốc gia 2020 |
Hơn nữa, theo thầy Hướng, việc tinh giản nội dung kiến thức trùng lặp, không dạy bài tự chọn, tập trung giảng dạy những nội dung cốt lõi giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm của bộ môn giúp học sinh tránh được tình trạng học lan man, dàn trải.
Dù vậy thì thầy giáo này cho rằng: “Việc không dạy bài tự chọn khiến học sinh không nắm được các kiến thức liên quan logic đến các sự kiện, hiện tượng lịch sử do đó giáo viên không dạy nội dung tự chọn nhưng cũng dành khoảng thời gian 5 phút trước mỗi bài giảng để giới thiệu qua giúp học sinh biết được, hiểu được sự gắn kết logic của các sự kiện, hiện tượng lịch sử”.
Thầy Hướng chia sẻ, chủ trương xây dựng nội dung bài học liên quan thành chủ để cốt lõi, đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ những năm học trước.
Vậy nên giáo viên phổ thông như thầy Hướng không bất ngờ mà ít nhiều có kinh nghiệm xây dựng thiết kế bài học theo chủ đề, có thể thực hiện tốt chủ chương trên.
“Thực tế trong những năm học qua khi áp dụng triển khai hình thức học tập theo chủ đề giúp học sinh hứng thú học tập hơn so với việc dạy học từng bài và học sinh đã chủ động tìm kiếm tri thức của bài học, sử dụng kiến thức bài học vào giải quyết các nhiệm vụ có ý nghĩa thực tiễn.
Đối với môn Lịch sử, thời điểm này khi Bộ đã có hướng dẫn nội dung tinh giản theo thầy Hướng, các em lớp 12 nên tập trung ôn tập những nội dung cơ bản của chương trình tinh giản, cụ thể đó là tiến trình lịch sử Việt Nam.
Thầy Hướng nêu ví như, bài 21, học sinh nghiên cứu sâu phần kiến thức miền Nam chiến đấu chống chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mĩ, hay như bài 23 học sinh nghiên cứu sâu phần Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26/4 đến ngày 30/4)...
“Tất cả các kiến thức này, các em phải biết được, hiểu được, vận dụng, phân tích, đánh giá các sự kiện và hiện tượng lịch sử.
Đặc biệt, khi học online học sinh phải ghi chép theo sơ đồ tư duy, bởi ghi chép theo sơ đồ tư duy giúp học sinh có xâu chuỗi được các mốc thời gian với nhau, các sự kiện hiện tượng lịch sử với nhau, qua đó học sinh có thể dễ dàng chọn lọc được các kiến thức cơ bản nhất, cốt lõi nhất của nội dung bài học”, thầy giáo dạy môn Lịch sử khuyên thí sinh.