Trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

19/04/2020 06:12
Đại tá Đặng Việt Thuỷ
(GDVN) - Trận then chốt quyết định của chiến dịch thắng lợi giòn giã đã góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975, qua nghiên cứu tình hình mọi mặt, Bộ chỉ huy chiến dịch căn cứ vào phương châm và tư tưởng chỉ đạo tác chiến "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", đồng thời với việc tổ chức trận then chốt tiêu diệt các sư đoàn chủ lực mạnh của địch ở tuyến phòng thủ vòng ngoài, không cho chúng co cụm lớn về Sài Gòn, Bộ tư lệnh chiến dịch xác định phải chuẩn bị chu đáo, tổ chức các mũi thọc sâu có sức đột kích mạnh đánh nhanh vào các mục tiêu chủ yếu trong nội đô Sài Gòn. 

Trên hướng tiến công từ phía Tây Bắc, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 giao cho Sư đoàn 10 được tăng cường Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320A), Trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn cao xạ 234; 2 tiểu đoàn xe tăng, xe thiết giáp và 1 đại đội xe tăng M41 - M48; 1 tiểu đoàn pháo 155mm, 1 trung đội A72 có nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và phối hợp với Sư đoàn 320B (Quân đoàn 1) đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Trong quá trình chiến đấu được 2 cụm pháo binh số 4 và 6 của chiến dịch chi viện.

Diễn biến trận đánh: Sau khi Sư đoàn 320A tiến công làm chủ căn cứ Đồng Dù, 5 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, đội hình thọc sâu của Sư đoàn 10 bắt đầu xuất kích tiến công.

Trên đường hành tiến, quân ta vừa dùng hỏa lực chế áp vào những vị trí chốt chặn của địch trên dọc đường và bắn trả máy bay của chúng.

Trung đoàn 28 liên tục phát huy sức mạnh đột kích đánh tan các vị trí của địch ở Phú Hòa Đông, Tân Quy; khi tiến vào Hóc Môn thì cầu Sáng sập (do xe tăng của ta đi gần nhau quá trọng tải), Trung đoàn trưởng quyết định tổ chức cho đơn vị vòng theo đội hình của Trung đoàn 24 và cơ quan sư đoàn.

Thực hiện cách đánh kết hợp chặt chẽ giữa hỏa lực và xung lực mạnh tiến công từ chính diện với các mũi vu hồi bên sườn, phía sau. 

Trung đoàn 24 phát huy sức mạnh đột kích liên tục đánh tan các cụm quân địch ở Củ Chi, Nam Cầu Bông, Thành Nam Quan, trại Quang Trung mở đường cho sư đoàn.

Vào đến Sài Gòn, Trung đoàn 24 vượt qua cầu Tham Lương, liên tiếp đánh tan các cụm quân địch ở nhà máy dệt Vi-na-nếch-cô, Ngã ba Bà Quẹo, Ngã tư Bảy Hiền. Lăng Cha Cả. 

Tại các khu vực này, địch dùng không quân, pháo binh ngăn chặn ác liệt (có cả đạn hóa học), nhiều cán bộ chiến sĩ ta đã hy sinh. 

Ở xưởng dệt Vi-na-tếch-cô giáp với đầu phía Tây Tân Sơn Nhất, lực lượng của địch có 1 tiểu đoàn bảo an, 1 tiểu đoàn dù và 1 chi đội xe thiết giáp. 

Ta vừa phải tổ chức lực lượng phòng không khống chế không quân địch, vừa cơ động hỏa lực mạnh lên chế áp mục tiêu tạo điều kiện cho bộ binh, xe tăng đột phá mới thành công. 

Xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 - Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng (Ảnh: Baohatinh.vn)
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 - Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng (Ảnh: Baohatinh.vn)

7 giờ ngày 30 tháng 4, Sư đoàn 10 bắt đầu tiến công vào mục tiêu chủ yếu được giao.

Được pháo binh chiến dịch và sư đoàn chế áp sân bay Tân Sơn Nhất chi viện, Trung đoàn 24 tổ chức hai mũi tiến công vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 5 phát triển từ Ngã tư Bảy Hiền vào cổng số 5 sân bay, sau đó đánh vào khu truyền tin và sở chỉ huy sư đoàn không quân. 

Tại Ngã tư Bảy Hiền, hai tiểu đoàn của địch có xe tăng yểm trợ lợi dụng các vị trí có lợi ở hai bên phố dùng hỏa lực ngăn chặn ta quyết liệt.

Ta phải tổ chức lại hỏa lực chi viện cho bộ binh, xe tăng đột phá, đồng thời tổ chức một mũi vu hồi theo hướng bệnh viện "Vì Dân", thực hiện chia cắt, đánh gần đánh tan cụm quân địch tại đây.

8 giờ 45 phút, khi phát triển đến Tây Nam cổng số 5, Tiểu đoàn 5 đề nghị trên dừng bắn cho đơn vị xung phong đánh chiếm mục tiêu trong sân bay.

Nhưng khi đội hình tiến công của ta vừa đến cách địch khoảng 100m thì bị hỏa lực của chúng ngăn chặn.

Sau nhiều lần đột phá tiến công không thành công, Tiểu đoàn 5 được trung đoàn tăng cường thêm hỏa lực, bộ binh và xe tăng tiếp tục đột phá.

Sau một giờ chiến đấu quyết liệt, ta chiếm được cổng số 5 và phát triển đánh vào các mục tiêu được phân công, đồng thời chia cắt giữa Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu ngụy. 

Cùng thời gian, hai tiểu đoàn 4 và 6 cơ động trên đường Hoàng Hoa Thám đánh chiếm mục tiêu, từ 9 giờ Tiểu đoàn 4 bắt đầu tiến công đánh chiếm Bộ tư lệnh quân dù ngụy.

Đúng 11 giờ 30 phút, Trung đoàn 24 đã làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất - căn cứ không quân lớn nhất của quân đội Sài Gòn.

Lá cờ "Quyết thắng" của quân đội ta được các chiến sĩ kéo lên đỉnh cột cờ của sân bay cao vút, tung bay trong nắng.

Chiến dịch Đà Nẵng 45 năm nhìn lại
Chiến dịch Đà Nẵng 45 năm nhìn lại

Trung đoàn 28 vào đến nội đô, khi đội hình trung đoàn đến cách Lăng Cha Cả 200m thì gặp Trung đoàn 24 đang chiến đấu quyết liệt với quân địch tại đây, nên phải tiến theo đường Trương Minh Ký qua nhà thờ Tân Châu Sa, rẽ sang đường Thái Ngọc Hậu, rồi sang đường Võ Tánh đánh vào Bộ tổng tham mưu ngụy.

Quân địch nấp hai bên dãy phố liên tiếp ngăn chặn, quân ta phát huy hỏa lực của xe tăng, pháo cao xạ vừa hành tiến vừa đánh trả quân địch.

Quân địch co dần về cụm lại trước cổng Bộ tổng tham mưu nổ súng chống trả. 

Trung đoàn 28 tổ chức tiến công bằng hiệp đồng binh chủng, sau 20 phút chiến đấu quyết liệt, ta đánh tan cụm quân của địch tại đây và thừa thắng đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Địch dùng bộ binh, xe tăng bịt cổng chính, đồng thời tổ chức một mũi từ phía Nam tới phản kích.

Sau khi đánh tan lực lượng phản kích của địch, trung đoàn tổ chức hai mũi tiến công, một mũi phối hợp với Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320B) đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy, một mũi phối hợp với Trung đoàn 24 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất (nhưng đơn vị bạn đã làm chủ mục tiêu).

11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, Sư đoàn 10 chiếm xong mục tiêu chủ yếu được giao.

Trên hướng tiến công từ phía Bắc Sài Gòn, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 giao cho Sư đoàn 320B được tăng cường Trung đoàn bộ binh 95, tiểu đoàn bộ đội địa phương Phú Lợi, 1 tiểu đoàn cao xạ và 1 đại đội xe tăng, xe thiết giáp (Trung đoàn 202), Trung đoàn pháo cao xạ 80 (Sư đoàn 367), 1 tiểu đoàn công binh cầu phà và 1 đại đội công binh công trình, 1 trung đội súng phun lửa, 1 trung đội A72; 1 tiểu đội trinh sát hóa học và Tiểu đoàn 51 ô tô vận tải, tiến công địch trong hành tiến, thọc sâu đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy, khối binh chủng, tiểu khu Gia Định và quận lỵ Gò Vấp. Trong quá trình chiến đấu, sư đoàn được cụm pháo của Quân đoàn chi viện.

Ngay sau khi Sư đoàn 312 đột phá mở xong đoạn đột phá ở khu vực Bình Mỹ trên tuyến đường 16, từ 2 giờ ngày 29 tháng 4, đội hình thọc sâu của Sư đoàn 320B xuất phát.

4 giờ 30 phút ngày 29 tháng 4, khi lực lượng đi đầu của Trung đoàn 48 tiến đến xóm Chùa (Bắc Tân Uyên) thì bị địch ngăn chặn.

Trung đoàn 48 sử dụng ngay một lực lượng (có 1 xe tăng, 1 xe thiết giáp) cùng một bộ phận của Trung đoàn 64 và một bộ phận của Trung đoàn 27 (đang bám địch tại chỗ), thành 3 mũi tiến công đánh tan quân địch ở chi khu Tân Uyên.  

Do nắm địa hình chưa chắc, địch lại bố trí nhiều mìn trên trục đường 16, nên đội hình của sư đoàn bị ùn tắc tại Tân Uyên.

Để đảm bảo tốc độ tiến công, sư đoàn quyết định tiến theo 2 trục đường, Trung đoàn 27 nhanh chóng khắc phục mìn đi theo đường 16 - Tân Uyên - Tân Ba - Lái Thiêu; Trung đoàn 48 và cơ quan sư đoàn đi theo trục Khánh Vân - Bình Chuẩn - Búng - Lái Thiêu. 

Trung đoàn 27 vừa gỡ mìn, vừa tiến, đánh tan quân địch ở Ngã ba Bình Chuẩn; khi tiến đến Búng, nắm được lực lượng địch ở Lái Thiêu còn khoảng 1.500 tên, trung đoàn quyết định tiến công để mở đường tiến vào Sài Gòn. 

Trung đoàn 48 khi cơ động đến dốc Bà Nghĩa thì bị không quân địch đánh vào đội hình, ta vừa tổ chức đánh trả vừa tiếp tục tiến về Khánh Vân.

Khi cơ động đến Búng, đánh tan quân địch tại đây, phát hiện cầu Bình Lợi đã bị địch phá hỏng, ta sử dụng ngay tù binh dẫn đường cơ động theo Đông đường 13 về cầu Bình Triệu.

Từ 3 giờ đến 5 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, Trung đoàn 27 tiến công quân địch ở Lái Thiêu, sau đó tổ chức chốt giữ khu vực mục tiêu đã chiếm; chặn đánh tiêu diệt và bắt một số lực lượng của sư đoàn 5 ngụy chạy về.

Sau khi chiếm được quận lỵ Lái Thiêu, khối tiến công của Trung đoàn 27 tiếp tục phát triển về cầu Bình Phước, khi cách cầu Vĩnh Bình khoảng 1km thì bị bộ binh, xe tăng (30 xe) địch ngăn chặn.

Ta phải tổ chức hỏa lực chi viện cho bộ binh, xe tăng đột phá tiến công từ chính diện, kết hợp với tổ chức một mũi vu hồi vào trận địa của địch ở phía bờ Nam, tiêu diệt quân địch tại đây. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đã hy sinh trong trận này. 

Sau khi củng cố đội hình, 8 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, Trung đoàn 27 tiếp tục vượt qua cầu Bình Phước (cầu Bình Lợi bị địch phá) tiến đánh khu binh chủng. Trung đoàn 27 lần lượt đánh chiếm Bộ tư lệnh thiết giáp, căn cứ 60, pháo binh, lục quân công xưởng... và quận Gò Vấp. 

Khi Trung đoàn 27 tiến đánh vào khu binh chủng của địch, chúng co cụm lớn một lực lượng xe tăng, xe thiết giáp chống cự điên cuồng.

Sau nhiều lần đột phá không thành công, Trung đoàn 27 phải thay đổi cách đánh kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng bộ binh, xe tăng, xe thiết giáp cùng pháo binh, cao xạ vây chặt địch lại.

Sau đó dùng hỏa lực chế áp, tổ chức nhiều mũi bộ binh trang bị vũ khí chống tăng áp sát tiến công, chia cắt đội hình địch ra để tiêu diệt từng cụm quân của chúng.

Đến 10 giờ 30 phút cùng ngày, trung đoàn đánh chiếm xong khu vực mục tiêu được giao, có một bộ phận phát triển vào dinh Độc Lập, một bộ phận phát triển vào Bộ tổng tham mưu ngụy.

Chớp thời cơ địch ở Lái Thiêu đã bị Trung đoàn 27 tiêu diệt, Trung đoàn 48 nhanh chóng cơ động đánh tan các cụm quân địch ở Gò Dừa - Hiệp Bình, ấp Mai Liên, cầu Ông Đen, tiến thẳng vào đánh Bộ tổng tham mưu ngụy trong nội đô.

Trung đoàn vượt qua cầu Bình Triệu, theo đường Bạch Đằng, qua đại lộ Chi Lăng, đường Võ Tánh; tổ chức thành 3 mũi tiến công vào Bộ tổng tham mưu ngụy từ các cổng số 1, số 2 và số 3.

Cùng lúc, một mũi tiến công của Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) cùng phối hợp với mũi của trung đoàn đánh vào từ cổng số 1.

Các mũi tiến công của ta phát huy sức mạnh đột kích, nhanh chóng đè bẹp các ổ đề kháng của địch.

Đến 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, Sư đoàn 320B đánh chiếm xong các mục tiêu được giao.

Trên hướng tiến công từ phía Tây Nam, cụ thể là trên hướng Tây và Tây Nam, Bộ tư lệnh Đoàn 232 giao cho Sư đoàn 9 được tăng cường 3 tiểu đoàn xe tăng, xe thiết giáp (23, 24, 26), 5 đại đội pháo binh (2 đại đội 85mm, 1 đại đội 130mm, 1 đại đội lựu pháo 122mm, 1 đại đội cối 160mm), Trung đoàn cao xạ 595 có nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát ngụy.

Các trận quyết chiến chiến lược trong chiến dịch Tây Nguyên 1975
Các trận quyết chiến chiến lược trong chiến dịch Tây Nguyên 1975

Diễn biến: Trong lúc Sư đoàn 3 tổ chức đánh chiếm tiểu khu Hậu Nghĩa, thực hiện theo kế hoạch tác chiến, đêm ngày 28 tháng 4, các khối tiến công của Sư đoàn 9 tổ chức vượt sông.

Để đảm bảo cho binh khí kỹ thuật vượt sông Vàm Cỏ, ta sử dụng bộ binh vượt sông trước, đồng loạt tiến công đập tan tuyến phòng thủ của địch từ cầu Sáng (lộ 10), Trầm Lạc, Xuân Thới Thượng, Tân Hạo (Bà Hom) đến Ngã năm Vĩnh Lộc. 

Trung đoàn 1 đánh chiếm chốt Giồng Đình phân chi khu Mỹ Hạnh, đập tan các ổ đề kháng của tiểu đoàn 84 biệt động quân.

Trung đoàn 3 đánh tan một tiểu đoàn biệt động quân ngụy, làm chủ đoạn đường 10 từ Ngã ba Bà Lạc đến cầu kênh Sáng.

Đến hết ngày 29 tháng 4, toàn bộ lực lượng còn lại của Sư đoàn 9 vượt sông xong, hình thành đội hình tiến công trong hành tiến vào Sài Gòn.

Để mở đường cho lực lượng binh chủng hợp thành nhanh chóng đột kích vào mục tiêu chủ yếu, ở từng khối, ta sử dụng từ 1 đến 2 tiểu đoàn bộ binh luồn sâu phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang thành phố tập kích tiêu diệt các cụm quân địch, đánh chiếm khu vực từ Bắc đường Trần Quốc Toản đến ngã tư Bảy Hiền, trường đua Phú Thọ.

Đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4 năm 1975, các khối tiến công của Sư đoàn 9 bắt đầu hành tiến tiến công, Các đơn vị của Trung đoàn 1 đánh chiếm Ngã ba Bà Quẹo, tiêu diệt 1 tiểu đoàn dù; tiến công tiêu diệt tiểu đoàn 84 biệt động quân và 1 tiểu đoàn bảo an, chiếm phân chi khu Vĩnh Lộc.

Khi trung đoàn vào đến Ngã tư Bảy Hiền, địch ngăn chặn quyết liệt, chúng dùng không quân ở Trà Nóc lên ném bom vào đội hình.

Trung đoàn phải đưa lực lượng dự bị vào chiến đấu, đập tan kháng cự của địch. 

Các đơn vị của Trung đoàn 3 liên tục tiến công tiêu diệt sở chỉ huy liên đoàn 8 và tiểu đoàn 86 biệt động quân ở vành đai Đại Hàn; tiêu diệt tiểu đoàn 327 bảo an ở Nam Vĩnh Lộc...

9 giờ sáng ngày 30 tháng 4, các mũi tiến công của Sư đoàn 9 đã lọt qua tuyến phòng thủ cơ bản của địch, được nhân dân chỉ đường, quân ta theo đường Lê Văn Duyệt đánh chiếm Biệt khu thủ đô; sau đó phát triển lên dinh Độc Lập.

10 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, Sư đoàn 9 đánh chiếm xong các mục tiêu chủ yếu được giao.

Trên hướng tiến công từ phía Đông Sài Gòn, Quân đoàn 4 của ta đã tiến công đến thị xã Biên Hòa.

Các trận quyết chiến chiến lược trong chiến dịch Tây Nguyên 1975
Các trận quyết chiến chiến lược trong chiến dịch Tây Nguyên 1975

Nhưng đường 1 tại khu vực này hẹp và xấu, các cây cầu yếu, lợi dụng địa thế đó quân địch bố trí lực lượng mạnh, phòng thủ vững chắc và chống trả dữ dội.

Quân đoàn 4 phải chiến đấu quyết liệt để mở cửa vào nội đô Sài Gòn. 

Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đề nghị Bộ tư lệnh chiến dịch cho lực lượng thọc sâu của Quân đoàn được tham gia đánh chiếm dinh Độc Lập.

Được Bộ tư lệnh chiến dịch đồng ý, sau khi Sư đoàn 304 đánh chiếm xong khu vực Ngã ba đường 15 và cầu sông Buông, 15 giờ ngày 29 tháng 4, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 xuất kích.

Để có thể nhanh chóng vào dinh Độc Lập, Tư lệnh Quân đoàn 2 quyết định lực lượng thọc sâu phải đánh địch theo trục lộ Biên Hòa - Sài Gòn để kịp thời chiếm các mục tiêu mà Bộ tư lệnh chiến dịch giao cho cánh quân phía Đông.

Đội hình thọc sâu của Quân đoàn 2 được tổ chức thành hai khối tiến công.

Khối một gồm: Tiểu đoàn tăng thiết giáp 2, đại đội cao xạ 37mm và một đại đội công binh có nhiệm vụ đi trước, trinh sát đánh địch mở đường.

Khối hai gồm: hai tiểu đoàn tăng thiết giáp (4 và 5), 2 tiểu đoàn bộ binh và các lực lượng pháo binh, cao xạ, công binh còn lại là lực lượng tiến công chủ yếu. 

Quá trình tiến công địch trong hành tiến, khối tiến công đi đầu của ta dùng hỏa lực và sức đột kích mạnh chế áp các vị trí quân địch ngăn chặn trên dọc đường tiến, đánh chiếm các bàn đạp, dẫn dắt đội hình thọc sâu.

Lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 thực hiện cách đánh kết hợp chặt chẽ giữa hỏa lực và sức đột kích mạnh tiến công từ chính diện của các mũi xe tăng kết hợp với bộ binh vu hồi từ phía sau và bên sườn, đè bẹp các vị trí phòng ngự mạnh của địch ở khu vực cầu Xa Lộ qua sông Đồng Nai, khu vực Thủ Đức, cầu Xa Lộ trên sông Sài Gòn, cầu Thị Nghè...

11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 đã chiếm dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn.

Trong khi các sư đoàn (341 và 6) thuộc Quân đoàn 4 đang phải chiến đấu ác liệt tiến công vào các vị trí phòng thủ của lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến, chiến đoàn 318 bảo an và một số đơn vị của sư đoàn 18 ngụy tại khu vực Hố Nai, Biên Hòa thì trên các hướng khác những binh đoàn thọc sâu của ta đang tiến vào đánh chiếm mục tiêu chủ yếu ở nội đô Sài Gòn. 

Trước diễn biến thuận lợi của chiến dịch, 10 giờ ngày 29 tháng 4, Bộ tư lệnh chiến dịch đã ra lệnh cho Quân đoàn 4 phải nhanh chóng sử dụng lực lượng thọc sâu đánh chiếm mục tiêu được giao.

Kiên quyết thực hiện mệnh lệnh của trên, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 lệnh cho Sư đoàn 7 nhanh chóng tổ chức tiến công.

Vào lúc 23 giờ ngày 29 tháng 4, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 4 đến cách Hố Nai 1.500m, tại đây bộ phận đi đầu của ta đã chiến đấu đập tan khu vực phòng ngự của 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến và 22 chiếc xe tăng, mở đường cho binh đoàn. 

Khi đội hình hành tiến tiến công của ta vượt qua Hố Nai, lúc này tuyến phòng thủ của địch đã bị đập vỡ nhưng tàn quân của chúng co cụm lại thành những tốp nhỏ lợi dụng địa hình phức tạp ở hai bên đường phố bắn vào đội hình tiến công của ta.

Chỉ huy binh đoàn thọc sâu phải tổ chức lực lượng đột phá qua Tam Hiệp, mở rộng hành lang tiến công sang hai bên, vừa đi vừa đánh địch.

Nhưng đến 4 giờ sáng ngày 30 tháng 4, khi đội hình của binh đoàn tiến đến cầu sắt xe lửa Biên Hòa thì xe tăng không thể sang được. 

Trước tình hình hết sức khẩn trương, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 lệnh cho Sư đoàn 6 hành quân bằng ô tô vượt qua cầu sắt vào đánh chiếm các mục tiêu được phân công ở Gò Vấp, quận 3 và quận 10, còn lực lượng thọc sâu của Quân đoàn không đi theo đường 1 nữa mà quay ra đường Xa Lộ vào thẳng quận 1 Sài Gòn.

Ra đến Xa Lộ, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 4 tiến thẳng đến dinh Độc Lập, vào sau đội hình của Quân đoàn 2 một tiếng.

Phối hợp với các binh đoàn thọc sâu, trong thời gian các binh đoàn thọc sâu chiến dịch từ các hướng đang tiến vào đánh chiếm các mục tiêu đầu não của địch, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị, Bộ tư lệnh chiến dịch đã lệnh cho Quân chủng Phòng không - Không quân sử dụng một tốp máy bay đánh thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Cũng trong thời gian trên, sáng 30 tháng 4, Quân đoàn 2 cũng lập được một trận địa pháo tầm xa ở Nhơn Trạch, bắn vào mục tiêu trên; bịt đường rút chạy bằng đường không của địch, đấy nhanh hơn nữa quá trình hoang mang và tan rã của chúng.

Đến 12 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, 5 binh đoàn thọc sâu của chiến dịch đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương đánh chiếm các mục tiêu đầu não của địch ở nội đô Sài Gòn.

Đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng của địch ở địa bàn Sài Gòn - Gia Định, thu toàn bộ vũ khí, khí tài, trang bị và vật chất phục vụ cho chiến tranh của địch.

Trận then chốt quyết định của chiến dịch thắng lợi giòn giã đã góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

* Tài liệu tham khảo:

"Đại thắng mùa xuân 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, "Tổng kết những trận đánh then chốt chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2011.

"Năm 1975 - Những sự kiện lịch sử trọng đại", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.

Đại tá Đặng Việt Thuỷ