LTS: Nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tá Đặng Việt Thuỷ chia sẻ bài viết "Các trận quyết chiến chiến lược trong chiến dịch Tây Nguyên".
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngày 6 tháng 1 năm 1975, tin chiến thắng Phước Long làm nức lòng quân và dân cả nước.
Trước đó, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng bắt đầu từ ngày 18 tháng 12 năm 1974. Ngày 7 tháng 1 năm 1975, tại phiên họp cuối của Hội nghị Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kết luận:
"Khả năng đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp, hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.
Nếu ngụy có nguy cơ sụp đổ lớn, ta cần đề phòng Mỹ có thể can thiệp bằng không quân, hải quân, nhưng không phải để mở rộng chiến tranh mà để cứu vãn chính quyền Sài Gòn...
Dù chúng có can thiệp như thế nào, ta cũng có đầy đủ quyết tâm và điều kiện để đánh thắng và chúng không thể cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.
Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc".
Đoàn xe vận tải 238 vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu TTXVN |
Bộ Chính trị nhận định: Cả năm 1975 là thời cơ, đòn tiến công quân sự mạnh tạo nên thời cơ, phong trào chính trị thúc đẩy thời cơ, từ bình thường đến vừa, đến cao, đến đột biến với tốc độ "một ngày bằng hai mươi năm".
Do đó, cần phải khẩn trương, phải đánh nhanh hơn, nếu đã có thời cơ mà không kịp thời phát hiện, bỏ lỡ thì có tội lớn đối với dân tộc.
Ngoài kế hoạch chiến lược hai năm 1975 - 1976, Bộ Chính trị còn dự kiến: "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975".
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975.
Ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị, ngày 9 tháng 1 năm 1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp, bàn nhiệm vụ quân sự trong mùa xuân 1975, thực hiện bước một của kế hoạch chiến lược.
Một số đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chiến trường Khu 5, Tây Nguyên (Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Hoàng Minh Thảo) và đồng chí Tổng tham mưu phó Lê Trọng Tấn dự hội nghị.
Tại hội nghị này, ý định đánh Buôn Ma Thuột hình thành rõ rệt và chiến dịch Tây Nguyên chính thức được quyết định mở với mật danh "Chiến dịch 275".
Tại sao chọn Tây nguyên để mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975? |
Tây Nguyên là vùng đất chiến lược quan trọng, vì vậy Mỹ - ngụy đã biến Tây Nguyên thành một căn cứ chiến lược lớn hòng đè bẹp phong trào cách mạng của ba nước Đông Dương, ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc vào và từ rừng núi xuống đồng bằng.
Sở chỉ huy quân đoàn 2, quân khu 2 ngụy được đặt ở Pleiku.
Dọc theo biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia là các trại biệt kích, dọc theo đường 14 là hệ thống các căn cứ quân sự dày đặc, trong đó có các căn cứ cấp sư đoàn và quân đoàn được tổ chức vững chắc thành tuyến phòng ngự cơ bản làm nòng cốt cho hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên.
Trên các trục đường ngang như 19, 21 cũng được địch tổ chức thành các tuyến phòng thủ mạnh để đảm bảo giao thông từ Tây Nguyên xuống đồng bằng.
Toàn bộ lực lượng địch ở Tây Nguyên có sư đoàn bộ binh 23 (3 trung đoàn: 44, 45 và 53), 7 tiểu đoàn biệt động quân (21, 22, 23, 24, 45, 4, 6), 36 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn thiết giáp, 230 khẩu pháo, sư đoàn 6 không quân với 150 máy bay các loại.
Nhìn tổng thể, địch bố trí mạnh ở phía bắc, còn khu vực phía nam được xem như là hậu phương, chúng bố trí lực lượng mỏng hơn.
Sau khi hạ quyết tâm mở chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, Trung tướng Hoàng Minh Thảo được giao trọng trách làm Tư lệnh, đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy chiến dịch.
Khu ủy Khu 5 cử đồng chí Bùi San, Phó bí thư Khu ủy và đồng chí Nguyễn Cần, Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc đi cùng Đảng ủy, Bộ tư lệnh chiến dịch trực tiếp chỉ đạo các tỉnh phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, trong chuẩn bị cũng như trong tác chiến.
Bộ phận đại diện của Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh do Đại tướng Văn Tiến Dũng chủ trì cũng được đặt tại Tây Nguyên để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.
Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 5 sư đoàn bộ binh 10, 320, 316, 3 và 968; 4 trung đoàn bộ binh (25, 29B, 271, 95A), Trung đoàn đặc công 198, hai tiểu đoàn đặc công 14, 27, hai trung đoàn pháo binh 40, 675, ba trung đoàn phòng không 232, 234, 593, Trung đoàn xe tăng thiết giáp 273, hai trung đoàn công binh 7, 575, Trung đoàn thông tin 29, trung đoàn ô tô vận tải và lực lượng vũ trang các tỉnh Đắc Lắc, Kon Tum và Gia Lai.
Cuộc tranh luận chưa hồi kết về ngày mở màn Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 |
Đảng ủy Bộ tư lệnh chiến dịch sau khi được thành lập đã nhanh chóng quán triệt nhiệm vụ và xây dựng quyết tâm chiến dịch.
Nhiệm vụ chủ yếu mà Bộ Chính trị và Quân ủy giao là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch (diệt sư đoàn 22, đánh thiệt hại nặng quân đoàn 2 ngụy), giải phóng các tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức; mục tiêu then chốt là thị xã Buôn Ma Thuột và ba quận lỵ Đức Lập, Cẩm Gia, Kiến Đức, mở rộng hành lang, nối liền Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, thực hiện chia cắt chiến lược, tạo cục diện mới về chiến lược.
Bộ tư lệnh chiến dịch xác định quyết tâm và kế hoạch chiến dịch như sau: hướng và khu vực tác chiến chủ yếu là Buôn Ma Thuột - Đức Lập; mục tiêu đánh mở đầu là Đức Lập, mục tiêu chủ yếu quyết định là thị xã Buôn Ma Thuột.
Hướng và mục tiêu quan trọng là Thuần Mẫn (Cẩm Gia) nhằm cắt đứt đường 14, chia cắt địch về chiến dịch, ngăn chặn dự bị của địch từ Pleiku xuống Buôn Ma Thuột.
Hướng phát triển: Phú Bổn, Quảng Đức, chủ yếu là Phú Bổn, bao gồm cả thị xã Cheo Reo.
Hướng bao vây chia cắt chiến dịch là cắt đường 19 từ đông Pleiku qua An Khê tới đông Bình Khê, cắt đường 21 trên đoạn đông tây Chư Cúc.
Hướng kiềm chế nghi binh, giam chân khối chủ lực của quân đoàn 2 ngụy là Kon Tum, Pleiku.
Về cách đánh cụ thể được xác định là tiến công nghi binh vào Pleiku và Kon Tum, cắt đường 14, thu hút và giam chân phần lớn chủ lực địch ở bắc Tây Nguyên;
Cắt đứt hai trục đường 19 và 21 để ngăn chặn, tiêu diệt lực lượng dự bị của địch từ đồng bằng lên Tây Nguyên và quân địch ở Tây Nguyên rút chạy;
Đánh chiếm Đức Lập, Thuần Mẫn nhằm cô lập thị xã Buôn Ma Thuột; tập trung lực lượng chủ yếu giáng đòn quyết định giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, sẵn sàng đánh bại cuộc phản kích của địch.
Trận then chốt đánh thị xã Buôn Ma Thuột được dự kiến trong trường hợp địch chưa kịp tăng cường phòng ngự dự phòng, và ngay cả trong trường hợp địch đã tăng cường phòng ngự dự phòng.
Công tác chuẩn bị chiến dịch được tổ chức hết sức công phu và tiến hành theo hai bước: bước chuẩn bị trước và bước chuẩn bị trực tiếp.
Trong bước chuẩn bị trước ta đã mở rộng và hoàn chỉnh vùng giải phóng, củng cố hậu phương tại chỗ, dồn ép địch vào các thị xã, thị trấn.
Trên hướng Pleiku, ta diệt các căn cứ Chư Nghé, Lệ Ngọc, Ia Súp. Trên hướng Kon Tum, ta diệt cứ điểm Kon Rốc, đánh chiếm quận lỵ Măng Đen và Đắc Pét. Bộ đội địa phương bức rút quận lỵ Măng Bút.
Đến đầu năm 1975, vùng giải phóng của ta được mở rộng vào sát các thị xã, thị trấn và đường giao thông chiến lược quan trọng của địch ở hầu hết các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và Gia Nghĩa.
Một công việc hết sức quan trọng trong bước chuẩn bị trước là xây dựng hệ thống đường cơ động và hệ thống kho tàng dự trữ hậu cần.
Từ sau Hiệp định Pa-ri, Mặt trận Tây Nguyên cùng Đoàn 559 khẩn trương hoàn chỉnh đường chiến lược Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây Nguyên.
Con đường này không chỉ nhằm bảo đảm về hậu cần cho chiến dịch mà còn là con đường cơ động quan trọng của khối chủ lực từ bắc Tây Nguyên xuống nam Tây Nguyên.
Từ tháng 9 năm 1974, ta triển khai xây dựng hệ thống đường chiến dịch ở nam Tây Nguyên gồm các đường 68, 28, N1, N5, 140, 22, 23, 128 và các đường nhánh về từng đơn vị.
Từ tháng 11 năm 1974, ta đã bắc 3 cầu Pô Kô Hạ, Diên Bình, Đắc Mót và tiếp đó đã bắc cầu phao có trọng tải 50 tấn qua sông Pô Kô và Sê Rê Pốc.
Từ ngày 31 tháng 1 năm 1975, ta khôi phục đường 50 và 48 ở bắc Buôn Ma Thuột.
Đến tháng 2 năm 1975, ta đã mở thêm các đường mới: 503, 500, 508 dài 61km, đường 51, 57B, 57C dài 75km. Khó khăn nhất là làm đường 20C ở tây sông Sê Rê Pốc.
Con đường này chỉ được phép đánh dấu và cưa sẵn hai phần ba thân các cây lớn, chờ khi nổ súng mới đổ cây và dọn đường cho xe tăng đi.
Tính đến khi nổ súng (ngày 4 tháng 3), ngoài hệ thống đường có sẵn, bộ đội và nhân dân Tây Nguyên đã làm thêm khoảng 560km đường phục vụ chiến dịch.
Nhu cầu vật chất cho chiến dịch Tây Nguyên rất lớn (ước khoảng 14.000 tấn). Với nỗ lực của Đoàn 559, số hàng nhận theo kế hoạch đã vượt 10% cho cả năm 1975.
Đến đầu tháng 3, hậu cần chiến dịch đã chuyển giao cho các đơn vị đạt 78% kế hoạch, trong đó quân lương đạt 114%, vũ khí đạt 78%, xăng dầu đạt 24%.
Hậu cần chiến dịch đã tổ chức căn cứ ở suối Đak Đam và phân cụm ở tây Ea H'leo bảo đảm cho hai hướng của chiến dịch.
Đặc biệt số đạn pháo cần cho trận Buôn Ma Thuột, ngoài kế hoạch chuyển từ hậu phương vào, ta còn dự trữ được một số lượng khá lớn, đồng thời hoàn thành bảo dưỡng, kiểm tra các loại xe pháo.
Với thế bố trí của ta từ sau Hiệp định Pa-ri, địch đã tập trung phần lớn chủ lực ở bắc Tây Nguyên để đối phó với chủ lực ta.
Trong thời gian chuẩn bị trước, ta đã tiến hành một loạt các biện pháp nghi binh để củng cố thêm sai lầm này của địch và bảo đảm bí mật cho việc vận chuyển vật chất và di chuyển lực lượng của ta xuống nam Tây Nguyên.
Đoàn 559 sử dụng hai sư đoàn công binh 473 và 470 mở đường cơ giới từ A Sầu vào Đắc Tô, Kon Tum.
Khu 5 huy động công binh và hơn chục nghìn dân công mở các đường nhánh, gùi thồ rầm rộ tới các vùng căn cứ ở ngoại vi bắc Tây Nguyên.
Sư đoàn 968 vào thay thế vị trí và duy trì các hoạt động ở bắc Tây Nguyên của hai sư đoàn 10 và 320, để hai sư đoàn này di chuyển vào nam Tây Nguyên.
Từ ngày 21 tháng 1 năm 1975, Bộ tư lệnh chiến dịch hoàn chỉnh thêm một bước quyết tâm chiến dịch, tiếp tục hoạt động nghi binh và điều chỉnh, bố trí lực lượng thành các cụm theo nhiệm vụ chiến dịch.
Cụm lực lượng trên hướng Buôn Ma Thuột có Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Trung đoàn 24 (thiếu 1 tiểu đoàn), Tiểu đoàn 21 của Đoàn 559, Trung đoàn đặc công 198 và Tiểu đoàn đặc công 27, Trung đoàn xe tăng thiết giáp 273 (thiếu 1 tiểu đoàn), hai trung đoàn pháo (40 và 675), hai trung đoàn phòng không (232 và 234), hai trung đoàn công binh (7 và 575) và lực lượng vũ trang tỉnh Đắc Lắc.
Cụm lực lượng trên hướng Đức Lập - Quảng Đức có Sư đoàn 10 (thiếu Trung đoàn 24), Trung đoàn 271, một tiểu đoàn pháo của Trung đoàn pháo binh 40, Tiểu đoàn đặc công 14.
Cụm lực lượng trên đường 14 - Thuần Mẫn có Sư đoàn 320. Cụm lực lượng trên đường 19 có Sư đoàn 3 (thiếu 1 trung đoàn) ở Bình Khê và Trung đoàn 95A ở Plei Pôn. Hướng Kon Tum và Pleiku do Sư đoàn 968 và lực lượng vũ trang hai tỉnh đảm nhiệm.
Ngày 23 tháng 2 năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng, đại diện Bộ Tổng tư lệnh chính thức phê chuẩn quyết tâm, kế hoạch của Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên. Lúc này mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành.
Ngày 4 tháng 3, chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu.
Từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 3, ta tổ chức nghi binh, tạo thế, triển khai lực lượng, chia cắt chiến dịch, tạo điều kiện đánh Buôn Ma Thuột.
Sau một thời gian tiến hành nghi binh, ta đã làm cho địch tin chắc ta sẽ đánh Pleiku.
Các trận đánh then chốt, xuất hiện thời cơ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng |
Đòn nghi binh của ta đã có kết quả, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định nổ súng đánh cắt giao thông, chia cắt chiến dịch theo kế hoạch.
Trên đường 19, ngày 4 tháng 3, Trung đoàn 95A đã tiêu diệt một loạt vị trí địch, trong đó có căn cứ A Dun do một tiểu đoàn bảo an chiếm giữ, làm chủ đoạn từ ngã ba Plei Pôn đến ấp Phú Yên.
Sư đoàn 3 tiến công tiêu diệt 11 vị trí địch như Cây Rui, Chóp Nón, Hòn Kiềng, Cột Cờ, Truông Ổi, Che Chẻ, Đồi Đá, Làng Mai... diệt hơn 300 tên của trung đoàn 47 ngụy, làm chủ đoạn từ Thương Giang đến Bình Khê.
Như vậy, trong ngày mở đầu chiến dịch, đường 19 - con đường huyết mạch tiếp tế cho Tây Nguyên của địch đã bị cắt hoàn toàn.
Trên đường 21, sáng ngày 5 tháng 3, Trung đoàn 25 diệt một đoàn xe địch và làm chủ đoạn đường ở đông Chư Cúc.
Trên đường 14, Sư đoàn 320 đưa Trung đoàn 9 ra phục kích ở đoạn nam cầu Ea H'leo.
Chiều ngày 5 tháng 3, Tiểu đoàn 2 của trung đoàn phục kích diệt 8 xe trong đoàn xe 15 chiếc của trung đoàn 45 ngụy từ Pleiku về Buôn Ma Thuột, 7 xe còn lại quay đầu chạy về Pleiku, trong đó có tên đại tá Vũ Thế Quang, sư đoàn phó sư đoàn 24.
Sáng ngày 7 tháng 3, Trung đoàn 48 tiến công đánh chiếm điểm cao Chư Di Rê (nam Thuần Mẫn), diệt một trung đội địch.
Tiếp đó, 6 giờ ngày 8, Trung đoàn 48 được tăng cường 3 khẩu pháo 105mm, tiếp tục nổ súng tiến công Thuần Mẫn, một quận lỵ nằm trên đường 14, cách Buôn Ma Thuột 80km.
Sau hơn một giờ chiến đấu, trung đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu tiểu đoàn 257 bảo an đóng giữ tại đây, làm chủ quận lỵ.
Cùng thời gian trên, quần chúng ở xung quanh đó đã phá 7 ấp chiến lược, giải phóng 27 buôn và 7.000 dân. Đường 14 bị gián đoạn nghiêm trọng.
Phát hiện được Sư đoàn 320 đánh Thuần Mẫn, chiều ngày 8 và sáng ngày 9 tháng 3, địch vội vã dùng máy bay lên thẳng đổ liên đoàn 21 biệt động quân từ bắc Tây Nguyên xuống sân bay Hòa Bình và đưa tiểu đoàn này lên Buôn Hồ (nam Thuần Mẫn 30km) để bảo vệ bắc Buôn Ma Thuột.
Nhận thấy dấu hiệu địch tăng cường lực lượng bằng đường không cho Buôn Ma Thuột, Bộ tư lệnh chiến dịch đã lệnh cho các đơn vị pháo binh tổ chức kiềm chế hai sân bay Cù Hanh và Hòa Bình; Sư đoàn 968 cắt đường 14 giữa Kon Tum với Pleiku và tiếp tục bắn phá vào hai thị xã này.
Tiếp tục kế hoạch cô lập Buôn Ma Thuột, 5 giờ 55 phút ngày 9 tháng 3, Sư đoàn 10 nổ súng tiến công Đức Lập.
Đức Lập là quận lỵ nằm trên đường 14, tây nam thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 50km, án ngữ giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Địch xây dựng ở đây 5 cứ điểm mạnh có lô cốt, hầm ngầm và hệ thống vật cản dày đặc; trong căn cứ có sở chỉ huy hành quân sư đoàn 23, hai tiểu đoàn bộ binh, ba đại đội pháo 105mm, một chi đoàn xe tăng, năm đại đội bảo an và một số đơn vị trinh sát, công binh trực thuộc sư đoàn 23.
Trận đánh của Sư đoàn 10 vào Đức Lập diễn ra rất ác liệt. Lúc 9 giờ ngày 30 tháng 9, các trung đoàn 28 và 66 đã làm chủ căn cứ Núi Lửa và sở chỉ huy hành quân của sư đoàn 23.
Song tại quận lỵ Đức Lập, địch dựa vào lô cốt, hầm ngầm ngoan cố chống cự. Sư đoàn 10 phải tổ chức nhiều đợt tiến công, đưa pháo vào gần bắn thẳng, đến 8 giờ 30 phút ngày 10 mới làm chủ được quận lỵ.
Sau khi chiếm Đức Lập, chiều ngày 10, Sư đoàn 10 tiếp tục tiến công căn cứ Đắc Lắc, giải phóng Đắc Song.
Như vậy, sau 6 ngày đêm chiến đấu, giai đoạn tạo thế của chiến dịch đã hoàn thành, Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị chia cắt từ mọi phía.
Ngày 10 và 11 tháng 3: tiến công thị xã Buôn Ma Thuột - thực hiện thắng lợi trận then chốt thứ nhất
Thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ Đắc Lắc, dân số khoảng 15 vạn, địa hình tương đối bằng phẳng, ít sông suối, rải rác xung quanh có một số điểm cao độc lập.
Năm 1975, địch nhận định hướng tiến công của ta ở bắc Tây Nguyên, nên mặc dù Buôn Ma Thuột là một vị trí xung yếu nhưng phòng thủ của chúng ở đây mỏng hơn bắc Tây Nguyên và có nhiều sơ hở.
Thành lập quân đoàn chủ lực, chuẩn bị cho cuộc tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 |
Mặc dù ta đã chiếm Thuần Mẫn, tiến công Đức Lập, nhưng địch vẫn chưa đoán được ý định tiến công vào Buôn Ma Thuột.
Tính đến ngày 9 tháng 3, lực lượng địch ở đây có sở chỉ huy tiền phương sư đoàn 23, ban chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc, trung đoàn 53 (thiếu), một tiểu đoàn xe bọc thép, một tiểu đoàn pháo binh, các phân đội trực thuộc của sư đoàn 23, hậu cứ của hai trung đoàn 44, 45, hai tiểu đoàn và một số đại đội bảo an cùng dân vệ, cảnh sát; tổng số khoảng 8.000 tên, tổ chức phòng thủ thành ba tuyến, tuyến ngoài cùng cách thị xã đến 30km.
Khoảng 16 giờ ngày 9, toàn bộ 12 trung đoàn bộ binh và binh chủng tham gia tiến công Buôn Ma Thuột bắt đầu rời khu tập kết để chuyển lên triển khai tiến công trên năm hướng: Sư đoàn 316 trên hướng bắc, nam và đông; Sư đoàn 10 tổ chức một mũi binh chủng hợp thành thọc sâu vào sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy; Trung đoàn 95B triển khai đánh vào Ngã Sáu.
2 giờ 3 phút ngày 10, các đội đặc công của Trung đoàn đặc công 198 luồn sâu lót sẵn bất ngờ nổ súng tiến công kho Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình, sân bay thị xã và hậu cứ trung đoàn 53 ngụy, làm chủ được một số mục tiêu.
Phối hợp với đặc công, các phân đội H12 và ĐKB bắn phá vào căn cứ của sư đoàn 23.
Lợi dụng tiếng nổ, các loại xe pháo, xe tăng, ô tô chở bộ binh của ta từ 5 hướng (đơn vị gần là 10km, đơn vị xa là 25km) tiến vào thị xã.
Từ 7 giờ 15 phút, khi sương mù đã tan, các cụm pháo của chiến dịch và pháo sư đoàn bắt đầu bắn phá các mục tiêu trong thị xã như căn cứ sư đoàn 23, tiểu khu Đắc Lắc, các khu pháo binh, thiết giáp...
Lợi dụng kết quả hỏa lực, bộ binh các hướng triển khai tiến công.
Trên hướng đông bắc thị xã, từ 8 giờ, Trung đoàn 95B tiến công đánh chiếm Ngã Sáu.
Địch chống trả quyết liệt, chúng ném bom ngăn chặn và dùng xe tăng, bộ binh phản kích đẩy ta ra xa.
Hai tiểu đoàn 4 và 5 của Trung đoàn 95B được tăng cường 4 xe tăng, liên tục tiến công và đánh địch phản kích. 13 giờ 30 phút, trung đoàn làm chủ Ngã Sáu, sau đó phát triển tiến công vào tiểu khu Đắc Lắc.
15 giờ, trung đoàn làm chủ tiểu khu và cử một bộ phận có ba xe tăng quay trở lại diệt đại đội biệt kích còn lại ở sân bay thị xã.
Trên hướng tây bắc, 6 giờ 30 phút, Trung đoàn 148 đánh chiếm điểm cao Chư Ebua, sau đó phát triển vào đánh chiếm khu pháo binh, thiết giáp và hậu cứ của tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 45 địch, rồi phát triển theo đường Phan Bội Châu, tiêu diệt địch ở chùa Bồ Đề và tiến đến Ngã Sáu bắt liên lạc với Trung đoàn 95B.
Trên hướng tây nam, địch dùng hai xe thiết giáp M113 và hai xe GMC chở bộ binh phản kích hòng chiếm lại kho Mai Hắc Đế.
Lực lượng đặc công đã cùng một bộ phận của Trung đoàn 174 đánh bại phản kích của địch, giữ vững trận địa.
Cùng thời gian trên, Trung đoàn 174 được phối thuộc một đại đội xe tăng đã sử dụng hai tiểu đoàn đánh chiếm điểm cao Chư Dluê.
Bộ phận còn lại đánh chiếm kho xăng và khu vực các đại đội trực thuộc của sư đoàn 23 ngụy ở nam đường 429.
Trên hướng tây, Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 24 cùng xe tăng, xe thiết giáp theo đường 429 thọc sâu vào sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy.
Tiểu đoàn đánh chiếm được khu truyền tin, khu quân y và tổ chức đánh bại phản kích của địch, giữ vững khu vực đã chiếm.
Trên hướng nam, Trung đoàn 149 bị địch chống trả quyết liệt chưa đánh chiếm được các mục tiêu theo quy định; Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 174 được biệt động dẫn đường đã tiến công đánh chiếm quận lỵ Hòa Bình.
Bị tiến công dồn dập, địch co về phòng thủ tại căn cứ sư đoàn 23, đồng thời sử dụng 79 lần chiếc máy bay ném bom vào đội hình tiến công của ta.
Phạm Văn Phú, tư lệnh quân đoàn 2 yêu cầu Vũ Thế Quang (chỉ huy ở nam Tây Nguyên) cố giữ từ hai đến ba ngày để chúng tăng viện ứng cứu.
Sau khi phân tích tình hình, Bộ tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm nhanh chóng đánh chiếm căn cứ sư đoàn 23 và các mục tiêu còn lại trước khi địch đưa lực lượng dự bị đến ứng cứu.
Từ 6 giờ ngày 11 tháng 3, ta nổ súng tiến công vào căn cứ sư đoàn 23 ngụy, sau hai giờ hỏa lực chuẩn bị, bộ binh xe tăng ta từ ba mũi tiến công, đến 11 giờ ta làm chủ trận địa.
Trận then chốt quyết định mở đầu chiến dịch thắng lợi sau 32 giờ tiến công mãnh liệt, ta bắt sống toàn bộ chỉ huy của địch.
Ngày 14 đến 18 tháng 3: Đánh bại đợt phản đột kích của sư đoàn 23 ngụy - thực hiện thành công trận then chốt thứ hai
Sau khi làm chủ Buôn Ma Thuột, Bộ tư lệnh chiến dịch lập tức triển khai lực lượng tiêu diệt địch ở ngoại vi, mà trọng điểm là các căn cứ của hai trung đoàn 45 và 53, quét sạch tàn binh, củng cố khu vực đã chiếm, sẵn sàng đánh bại phản kích của địch.
Sư đoàn 10 được điều động về khu vực đông bắc thị xã, sẵn sàng đánh địch phản kích.
Ngày 12 tháng 3, Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 95B đánh chiếm khu Nhà Lao; Trung đoàn 24 cùng một đại đội xe tăng đánh chiếm hậu cứ trung đoàn 45 và trung tâm huấn luyện của sư đoàn 23; Trung đoàn 174 tiến công cụm quân địch ở cầu Sê Rê Pốc; Trung đoàn 9 đánh chiếm quận lỵ Buôn Hồ, điểm cao Chư Bao, ấp Đạt Lý. Ngày 13, một bộ phận của Trung đoàn 148 đánh chiếm ấp Châu Sơn.
Ngày 14, Tiểu đoàn 21 giải phóng Bản Đôn, Tiểu đoàn 6 đánh chiếm Chư M'nga và Trung đoàn 149 được tăng cường một đại đội xe tăng, bắt đầu tiến công căn cứ trung đoàn 53.
Như vậy, ta đã cơ bản chiếm được các bàn đạp phản đột kích của địch quanh thị xã, buộc địch phải đổ quân ứng cứu xuống những vị trí không có lợi, dễ bị ta tiêu diệt.
Trên các hướng khác của chiến dịch cũng dồn dập tiến công quân địch.
Ngày 10 tháng 3, Trung đoàn 271 đánh chiếm hai ấp Nhân Cơ, Nhân Hải, áp sát sân bay Nhân Cơ.
Ngày 11 tháng 3, Trung đoàn 25 phục kích diệt một đoàn xe và một bộ phận địch ở khu vực Chư Cúc trên đường 21.
Ngày 12 tháng 3, Trung đoàn 19 Sư đoàn 968 đánh chiếm hai vị trí ở nam Pleiku và Kon Tum.
Ngày 13 tháng 3, Trung đoàn 95 tiêu diệt cụm quân địch ở ngã ba Pleku, tiếp đó diệt hai chi đoàn thiết giáp, đánh bại phản kích của địch và phát triển xuống đèo Măng Giang.
Sư đoàn 3 của Quân khu 5 tiêu diệt chín chốt địch trên đường 19, sau đó phát triển về vườn Xoài, tiếp tục cắt đứt đường 19.
Sau khi bị ta chiếm Buôn Ma Thuột, địch vội vã điều động sư đoàn 23 quay trở lại tổ chức phản kích hòng chiếm lại.
Chiều ngày 12 và sáng ngày 13, địch sử dụng 81 lần chiếc máy bay phản lực đánh phá khu vực đông bắc thị xã dọn bãi, sau đó dùng 145 lần chiếc máy bay lên thẳng đổ trung đoàn 45 và pháo đội 232 xuống khu vực điểm cao 581, nằm trên đường 21, phía đông thị xã, nơi đây đang có tàn binh của liên đoàn bảo an 21.
Do có chuẩn bị trước, ngay trong đêm 13, Trung đoàn 24 của Sư đoàn 10, được phối thuộc một đại đội xe tăng đã triển khai lực lượng áp sát địch.
Từ 7 giờ ngày 14, được sự chi viện của pháo binh, Trung đoàn 24 đã tiến công vào tiểu đoàn 2 của trung đoàn 45 ngụy ở chân điểm cao 581.
Tiểu đoàn 2 bị thiệt hại nặng, trung đoàn 45 cùng liên đoàn 21 địch buộc phải co cụm ở đồn điền cà phê tại ngã ba Nông Trại, đông điểm cao 581.
Ngày 15 và 16, địch đổ nốt trung đoàn 44 và sở chỉ huy nhẹ sư đoàn 23 xuống Phước An.
Như vậy, toàn bộ sư đoàn 23 đã quay trở về Đắc Lắc, tổng lực lượng của địch trong khu vực Nông Trại - Phước An lên tới 5.600 tên.
Thời cơ tiêu diệt lớn quân địch đã tới. Bộ tư lệnh yêu cầu Sư đoàn 10 tập trung lực lượng quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Nông Trại - Phước An.
Kế hoạch đánh địch của sư đoàn nhanh chóng được vạch ra. Trung đoàn 24 (thiếu) được tăng cường Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 66 tiến công vào Phước An từ hai hướng tây và nam; Trung đoàn 28 tiến công vào Phước An từ hai hướng bắc và đông bắc; Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 24 cùng xe tăng, xe thiết giáp tiến công vào Nông Trại.
Sáng ngày 16 tháng 3, Tiểu đoàn 6 cùng xe tăng tiến công tiêu diệt cụm quân địch ở Nông Trại. Tàn binh địch còn lại chạy về Phước An.
Ngày 17, Trung đoàn 24 và Trung đoàn 28 tiến công làm chủ Phước An, loại khỏi vòng chiến đấu tiểu đoàn 1 của trung đoàn 44 ngụy.
Địch thu nhặt tàn binh, tổ chức co cụm ở Chư Cúc, đồng thời dùng phi pháo bắn chặn, ném bom phá cầu trên đường 21 hòng ngăn chặn ta truy kích.
Bộ đội ta nhanh chóng khắc phục cầu đường, kiên quyết truy kích đập tan cụm quân địch ở Chư Cúc.
12 giờ ngày 18 tháng 3, được sự chi viện của pháo binh, Trung đoàn 28 cùng xe tăng của Trung đoàn 273 tiến đánh thẳng vào căn cứ Chư Cúc.
Trước sức tiến công áp đảo của ta, 1.500 tên địch buộc phải đầu hàng; số còn lại chạy về hướng đông, bị Trung đoàn 25 đang chuẩn bị đánh Khánh Dương đón đánh, tiêu diệt và bắt sống 500 tên.
Cũng trong đêm 16 rạng ngày 17 tháng 3, được sự chi viện đắc lực của cụm pháo binh chiến dịch, hai trung đoàn 66 và 149 từ hai hướng đột phá tiêu diệt phần lớn quân địch tại căn cứ trung đoàn 53, làm chủ căn cứ này, sau đó phát triển tiêu diệt cứ điểm B50 của địch.
Như vậy, toàn bộ lực lượng của sư đoàn 23 và liên đoàn 21 biệt động quân bị tiêu diệt và tan rã, kế hoạch phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột của địch bị thất bại hoàn toàn. Trận then chốt thứ hai của chiến dịch thắng lợi.
Từ ngày 17 đến 24 tháng 3: Đánh trận then chốt thứ ba - tiêu diệt quân địch rút chạy trên đường
Buôn Ma Thuột bị chiếm, sư đoàn 23 địch bị ta tiến công dữ dội, đường 19 bị cắt, Pleiku, Kon Tum bị bao vây uy hiếp, hướng Nha Trang - Cam Ranh bị bỏ ngỏ, địch rơi vào thế bị động lúng túng.
Ngày 14 tháng 3, tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu bay ra Nha Trang thị sát và quyết định rút toàn bộ lực lượng ở Tây Nguyên theo đường 7 về giữ đồng bằng.
Ngay trong đêm 14 rạng ngày 15, tướng Phú đã bí mật triển khai kế hoạch rút quân.
Đi đầu là các lực lượng sửa đường và bảo vệ đường, đi sau là toàn bộ lực lượng còn lại của quân khu 2 ở Tây Nguyên.
Từ ngày 13 tháng 3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã dự kiến tình huống địch rút chạy và đã chỉ thị cho Bộ tư lệnh chiến dịch chuẩn bị kế hoạch đánh địch rút chạy.
19 giờ ngày 16, sau khi nhận được điện của Đại tướng Văn Tiến Dũng thông báo địch rút chạy trên đường 7, Bộ tư lệnh chiến dịch đã nhanh chóng hạ quyết tâm sử dụng Sư đoàn 320(được tăng cường Trung đoàn 95B, một tiểu đoàn xe tăng và một bộ phận pháo binh của Trung đoàn 675) truy kích tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy, đồng thời yêu cầu bộ đội địa phương Phú Yên chặn đánh địch ở Củng Sơn.
Khi nhận lệnh, Sư đoàn 320 đang triển khai đội hình chiến đấu từ Chư Phao đến Cẩm Gia, cách Cheo Reo khoảng 50 ki-lô-mét.
Với tinh thần hết sức khẩn trương, Sư đoàn đã điều động toàn bộ lực lượng cơ động về hướng Cheo Reo truy kích địch.
Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 64, đang đứng chân ở đông đường 7B, được lệnh vận động lên trước để chặn địch. 11 giờ ngày 17, Tiểu đoàn 9 ra đến đường 7, tại khu vực đèo Mơ Ria (đông Cheo Reo 4km), cắt ngang đội hình địch và chặn đứng khối lượng lớn địch ở khu vực thị xã Cheo Reo (chỉ có liên đoàn 6 biệt động quân, thiết đoàn 19,một tiểu đoàn pháo và một bộ phận công binh chạy thoát về Củng Sơn).
Rạng sáng ngày 18, Trung đoàn 9 triển khai tiến công quận lỵ Phú Thiện, thực hiện chia cắt từ phía sau đội hình địch; Trung đoàn 48 đã chặn địch ở Chư Pả và tiến vào áp sát bao vây địch ở Cheo Reo từ phía bắc; Trung đoàn 64 đã đến đông Cheo Reo, cùng Tiểu đoàn 9 đến trước, hình thành hướng vây địch từ phía nam.
Đúng 11 giờ ngày 18, Trung đoàn 48 bắt đầu tiến công cụm địch ở Cheo Reo.
Pháo cối của ta bắn dồn dập vào các mục tiêu trong thị xã khiến địch hoảng loạn tranh nhau tháo chạy.
Đến 18 giờ 30 phút, quân ta làm chủ sân bay, trại Ngô Quyền, đài phát thanh, tiêu diệt và đánh tan liên đoàn 23 biệt động quân.
Sau đó phát triển làm chủ hoàn toàn thị xã lúc 24 giờ. Số tàn binh rút chạy trên đường 7 bị Trung đoàn 64 đánh bật lại, chúng co thành hai cụm cách nam Cheo Reo 2km.
6 giờ 30 phút ngày 19 tháng 3, Sư đoàn 320 tổ chức tiến công tiêu diệt hai cụm quân này, tiêu diệt hoàn toàn cụm quân địch ở thị xã Cheo Reo.
Cùng thời gian trên, Trung đoàn 9 đánh chiếm Phú Thiện và phối hợp với lực lượng ta ở Cheo Reo tiêu diệt gọn quân địch rút chạy.
Sau khi vượt thoát qua khu vực Cheo Reo, liên đoàn 6 biệt động quân (thiếu), thiết đoàn 19, tiểu đoàn pháo binh và một bộ phận công binh địch chạy về Tuy Hòa nhưng bị Tiểu đoàn 9 bộ đội Phú Yên phá cầu chặn đánh, chúng phải dừng lại ở Củng Sơn và cùng lực lượng tại chỗ ở đây gồm một tiểu đoàn bảo an và lính biệt kích, dân vệ của quận Sơn Hòa tổ chức phòng ngự và tìm cách sửa cầu, đường để rút chạy.
Về phía ta, sau khi giải phóng Cheo Reo, Sư đoàn 320 tiếp tục truy kích địch. Trung đoàn 64 cùng một đại đội thiết giáp đi đầu đội hình.
Trên đường hành tiến, ngày 21, trung đoàn giải phóng quận lỵ Phú Túc; ngày 22, diệt một bộ phận địch chốt ở gần Ca Lúi.
Ngày 23, trung đoàn tiến đến Củng Sơn, bắt liên lạc với Tiểu đoàn 96 bộ đội Phú Yên tại đây.
11 giờ ngày 24 tháng 3, phát hiện địch ở Củng Sơn chuẩn bị rút chạy, mặc dù lực lượng ít hơn địch nhưng Trung đoàn 64 cùng Tiểu đoàn 96 đã táo bạo đưa một đại đội sang sông chặn địch, đồng thời tổ chức hai mũi tiến công vào cụm quân địch.
Địch hoang mang, rối loạn và nhanh chóng bị tiêu diệt, chỉ có một số rất ít tên chạy được về Tuy Hòa.
Như vậy, đến ngày 24, quân ta đã hoàn thành thắng lợi trận truy kích quân địch rút chạy trên đường 7, đập tan ý định bỏ Tây Nguyên về co cụm ở đồng bằng của địch, tạo nên bước ngoặt chiến lược của cuộc chiến tranh, thúc đẩy nhanh quá trình tan rã và sụp đổ của chúng.
Phối hợp với hướng chính, từ ngày 12, Sư đoàn 3 của Quân khu 5 đã giải phóng An Khê; ngày 17, Trung đoàn 19 cùng lực lượng vũ trang địa phương giải phóng thị xã Kon Tum, Trung đoàn 95A cùng lực lượng vũ trang địa phương giải phóng Pleiku; ngày 20, Trung đoàn 271 giải phóng Kiến Đức và ngày 22 giải phóng Gia Nghĩa.
Ngày 24 tháng 3 năm 1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975 giành thắng lợi rực rỡ.
Kết quả, ta đã diệt và làm tan rã quân đoàn 2, quân khu 2 quân đội Sài Gòn cùng một bộ phận cơ động chiến lược của chúng.
Tiêu diệt sư đoàn 22 và 23, lữ đoàn 3 dù, tám liên đoàn biệt động quân, một liên đoàn công binh, bốn thiết đoàn thiết giáp, mười tiểu đoàn pháo binh, đánh thiệt hại nặng sư đoàn 6 không quân.
Tiêu diệt và làm tan rã bảy tiểu khu, 26 chi khu, 50 tiểu đoàn và 51 đại đội bảo an cùng toàn bộ lực lượng cảnh sát, dân vệ và phòng vệ dân sự trong bảy tỉnh.
Loại khỏi vòng chiến đấu hơn 28.000 tên địch, thu và phá hủy 154 máy bay, 1.096 xe quân sự, 17.188 khẩu súng cùng toàn bộ các cơ sở hậu cần, kỹ thuật, kho tàng của địch ở Tây Nguyên.
Giải phóng năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức và một số tỉnh Trung Bộ.
Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi đã tạo ra sự thay đổi cơ bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược giữa ta và địch.
Chiến thắng Tây Nguyên đã dẫn tới sự sụp đổ về chiến lược và về tinh thần của ngụy quyền Sài Gòn, tạo ra một bước ngoặt quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.
* Tài liệu tham khảo:
- "Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975)", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.
- "Năm 1975 - những sự kiện lịch sử trọng đại", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, "Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - Hà Nội - 2004.