Học bảo vệ bản thân thế nào trong thời đại IoT?

21/05/2020 06:39
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Ở đâu dạy cách bảo vệ bản thân trong thời đại IoT, khi những chương trình đào tạo sinh viên công nghệ không có nhiều thời gian dành cho tranh luận về đạo đức?

Trong một thời gian dài ở Việt Nam, để tranh luận về triết lý giáo dục, người ta đưa ra vấn đề liệu có nên giữ lại khẩu hiệu “Tiên học lễ; Hậu học văn” ở trường học.

Khi chưa ngã ngũ về vấn đề tiên học gì; hậu học gì với nền giáo dục được đánh giá với quốc tế là “có tiến bộ vượt bậc”, nhưng ngay chính với giáo viên phổ thông, giáo viên đại học thì chất lượng giáo dục Việt Nam là một câu hỏi lớn [1], thì trong thời đại công nghệ lúc được gọi là 4.0 (hay 0.4?), lúc được gọi là thời đại internet vạn vật (IoT – Internet of Things), vấn đề quản trị an toàn ở trường học hay làm thế nào để “bảo vệ” con người, bảo vệ chính bản thân mình lại không biết được “dạy”, được “học” ở đâu [2].

Mà đây cũng là câu hỏi về những thông tin cơ bản của chương trình đào tạo sinh viên và học sinh các cấp ở Việt Nam [3]!

Trong khi bàn về chủ đề Giáo dục và Công nghệ Thế kỷ 21 cho tương lai Việt Nam 2030 hay 2045 khi tròn 100 năm lịch sử Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, liệu chúng ta có thể đặt câu hỏi về chất lượng dạy và học những gì là cơ bản nhất, ví dụ, chưa dám bàn về “tự do – độc lập – hạnh phúc” dân tộc, nhưng thử hỏi, trong trường học, quy chế đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là những thông tin được dạy là đúng và trung thực, là hữu ích và đảm bảo cho học sinh, sinh viên ý thức được thế nào là “tôn trọng” và “bảo vệ” bản thân mình, từ cơ thể, trí tuệ, sức khỏe, đạo lý con người và hành xử có văn hóa và trách nhiệm, giáo dục sẽ thế nào? Và công nghệ thời IoT sẽ giúp ích điều gì?

Học bảo vệ bản thân thế nào trong thời đại IoT? ảnh 1Làm thế nào để chúng ta có thể bảo vệ dữ liệu cá nhân? (Ảnh minh họa: Bocongan.gov.vn)

Khi bàn về giáo dục lễ nghĩa theo triết lý “Tiên học lễ”, nhưng chúng ta liệu thực sự tôn trọng học sinh và giáo viên chưa [1]?

Khi nói đến giáo dục về “văn”, nhưng theo kiểu “30 năm vẫn chạy tốt” theo mô hình “văn mẫu” với những cách tiếp cận giáo dục theo tinh thần “trong nhà, cha mẹ là đúng; ở trường, thầy cô là đúng; ra đường, công an và chính quyền là đúng”, thì chúng ta mong đợi “tư tưởng sáng tạo” nào trong giáo dục và quản trị giáo dục, quản trị xã hội?

Nhân nói đến dạy “văn”, Võ Nguyên Giáp là một người thầy trước khi là một vị tướng [4]. Nhưng cuộc đời của Võ Nguyên Giáp sẽ được nhớ đến bởi điều gì, trong suốt những gì trong hơn 100 năm của ông và trong đám tang của một con người được coi là “lừng danh” thế giới?

Tôi muốn nói đến điều này như một ví dụ để nhắc đến những lời dạy của những con người, mà hôm nay có thể chúng ta coi là “vĩ đại”, nhưng ngày mai hay lúc nào đó theo thời gian, tất cả đều chỉ là “nhân vật lịch sử” mà sẽ được nghiên cứu, được đánh giá và lưu danh bởi những thế hệ sau [5].

Và nếu điều đó đúng trong lịch sử hàng nghìn năm của nhân loại [6], thì vai trò của giáo dục sẽ là gì; vai trò của tiến bộ công nghệ để thúc đẩy giáo dục con người ra sao?

Với những tiến bộ khoa học ngày càng nhiều trong hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu về con người, nhưng chính con người lại tự phải đặt ra câu hỏi về “Cuộc chiến cho Tương lai Nhân loại trước những quyền lực mới” của internet và công nghệ dựa trên internet, thì thế nào là “con người”, là “giáo dục cho con người”, trong thời đại của IoT [7]?

Một điều có thể là nhỏ, có thể lại là câu hỏi rất cơ bản, cho con người, cho học sinh và sinh viên, cho tương lai của tất cả chúng ta, đó là mỗi cá nhân có được là chính mình, có được sở hữu thông tin và dữ liệu cá nhân của chính bản thân mình hay không, hiện vẫn chưa có câu trả lời [8], thì thử hỏi, những gì chúng ta giáo dục con trẻ và người học về “bảo vệ” bản thân, dẫu là trong thế giới thực hay thế giới IoT mà ai cũng hy vọng sẽ “thay đổi giáo dục”, sẽ là “fake” (giả) đến đâu?

“Ra đường, công an và chính quyền là đúng”, thì liệu những vấn nạn "bảo kê” cho buôn bán dữ liệu người dân và học sinh sinh viên qua mạng như trò chơi đánh bạc online của những cơ quan an ninh mạng hay công nghệ đó [9], ai bảo vệ con trẻ, bảo vệ con người trong thế giới internet?

Ở đâu sẽ dạy cách bảo vệ bản thân trong thời đại IoT, khi những chương trình đào tạo sinh viên công nghệ không có nhiều thời gian dành cho tranh luận về đạo đức những người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin; hay hầu như tất cả đều mắt nhắm mắt mở trước những vấn đề “lợi nhuận” hay “thị trường”, bỏ qua những khía cạnh nhân bản của một xã hội con người, chứ con người không phải là công cụ hay những con số của dữ liệu [10]?

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Chạy trốn nghề giáo;http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/chay-tron-nghe-giao.html; Phẩm giá Giáo viên,http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/thay-my-dennis-berg-neu-quan-diem-muc-luong-va-pham-gia-cua-giao-vien.html; Những điều làm tổn thương giáo viên,http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/la-giao-vien-dieu-gi-lam-ban-ton-thuong-nhat.html

[2] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Vấn đề của Quản trị trường học,http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/tre-den-truong-trong-so-hai-nguy-hiem-van-de-cua-quan-tri-truong-hoc.html; Từ sự cố học sinh bị bỏng đến thiếu quy trình quản lý rủi ro trong trường học,http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/tu-su-co-nu-sinh-bi-bong-thieu-quy-trinh-quan-ly-rui-ro-trong-truong-hoc.html;

[3] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Sự thật khác về minh bạch thông tin giáo dục đại học,http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/su-that-khac-ve-minh-bach-thong-tin-giao-duc-dai-hoc.html;

[4] C. Currey, Victory at any Cost – The Genius of Vietnam’Gen Vo Nguyen Giap, “Nếu không có chiến tranh, có lẽ tôi là một thầy giáo”;

[5] Trần Trọng Kim,https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tan-man-nhan-vat-lich-su-tran-trong-kim.html;

[6] J. Diamond, Guns, Germs and Steel (Súng ,Vi Trùng và Thép);

[7] S. Zuboff, The Age of Surveillance Capitalism: The Fight for a Future Human at The New Frontier of Power; Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Quyền Con Người trong thế giới internet và nền kinh tế chia xẻ,http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/quyen-con-nguoi-trong-the-gioi-internet-va-nen-kinh-te-chia-xe.html; Letter to FBI and US Congress, (Thư gửi FBI và Quốc hội Hoa Kỳ),http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/fbi-education-technologies-data-collection-and-unsecured-systems-could-pose-risks-to-students.html;

[8] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, 4 Nguyên Lý Lãnh đạo Công nghệ, (bản dịch),http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/bon-nguyen-ly-lanh-dao-cho-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html;

[9] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Nguy Cơ Ai bán Dữ liệu cá nhân của người Việt cho nước ngoài,http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/nguy-co-ai-dang-ban-du-lieu-ca-nhan-cua-nguoi-viet-cho-nuoc-ngoai.html; Liệu trực tuyến để minh bạch hơn trong giáo dục?,http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/truc-tuyen-de-minh-bach-hon-trong-giao-duc.html; Sự thật khác trong minh bạch thông tin giáo dục đại học,http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/su-that-khac-ve-minh-bach-thong-tin-giao-duc-dai-hoc.html;

[10] A. Keen, Internet is NOT the answer; E. Siegel & T. Davenport, Predictive Analytics: The Power to Predict Who will click, buy, lie and die; [7];

Nguyễn Thị Lan Hương