Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 vừa được Bộ công bố để lấy ý kiến đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Điều đặc biệt là trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh lần này không còn từ “yếu” trong đánh giá và xếp loại đối với học sinh nữa.
Từ “yếu” trong Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT sẽ được thay thế bằng cụm từ “cần rèn luyện thêm”- đây được xem là một trong những khác biệt cơ bản nhất so với việc đánh giá, xếp loại học sinh lâu nay.
Học sinh sẽ không còn bị xếp loại yếu về học lực và hạnh kiểm (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 đã ra đời và thực hiện ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đến nay đã được gần 9 năm.
Tại Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT thì việc xếp loại hạnh kiểm của học sinh được chia làm 4 loại: tốt, khá, trung bình, yếu và học lực được xếp thành 5 loại: giỏi, khá, trung bình, yếu, kém.
Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh vừa được Bộ công bố để lấy ý kiến của dư luận thì đã được hướng dẫn sẽ điều chỉnh một số từ, cụm từ.
Trong đó, chúng ta thấy tại Điều 2 của dự thảo Thông tư hướng dẫn như sau: “Thay thế từ hoặc cụm từ: từ “yếu (Y)” trong khoản 2 Điều 3, khoản 4 Điều 4, điểm b khoản 2 Điều 15 và Điều 17 bằng cụm từ “cần rèn luyện thêm”.
Chúng tôi lật lại Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và đối chiếu thấy như sau:
Khoản 2, điều 2: Xếp loại hạnh kiểm:
Hạnh kiểm được xếp thành 4 loại: Tốt (T), khá (K), trung bình (Tb), yếu (Y) sau mỗi học kỳ và cả năm học. Việc xếp loại hạnh kiểm cả năm học chủ yếu căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm học kỳ II và sự tiến bộ của học sinh.
Khoản 4, điều 4: tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm
Loại yếu: Chưa đạt tiêu chuẩn xếp loại trung bình hoặc có một trong các khuyết điểm sau đây:
a) Có sai phạm với tính chất nghiêm trọng hoặc lặp lại nhiều lần trong việc thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này, được giáo dục nhưng chưa sửa chữa;
b) Vô lễ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể của giáo viên, nhân viên nhà trường; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn hoặc của người khác;
c) Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi;
d) Đánh nhau, gây rối trật tự, trị an trong nhà trường hoặc ngoài xã hội; vi phạm an toàn giao thông; gây thiệt hại tài sản công, tài sản của người khác.
Điểm b, khoản 2, điều 15: lên lớp hoặc không được lên lớp
Học lực cả năm loại Kém hoặc học lực và hạnh kiểm cả năm loại yếu;
Điều 17: rèn luyện hạnh kiểm trong hè
Học sinh xếp loại học lực cả năm từ trung bình trở lên nhưng hạnh kiểm cả năm học xếp loại yếu thì phải rèn luyện thêm hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, hình thức rèn luyện do hiệu trưởng quy định.
Nhiệm vụ rèn luyện trong kỳ nghỉ hè được thông báo đến gia đình, chính quyền, đoàn thể xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nơi học sinh cư trú.
Cuối kỳ nghỉ hè, nếu được Uỷ ban nhân dân cấp xã công nhận đã hoàn thành nhiệm vụ thì giáo viên chủ nhiệm đề nghị hiệu trưởng cho xếp loại lại về hạnh kiểm; nếu đạt loại trung bình thì được lên lớp.
Như vậy, nếu dự thảo thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông mà được thông qua thì việc xếp loại học sinh trong những năm học tới đây sẽ không còn loại “yếu” nữa.
Những em mà lâu nay bị xếp hạnh kiểm, học lực ở mức “yếu” sẽ được thay thế bằng cụm từ “cần rèn luyện thêm”.
Thay đổi từ “yếu” thành cụm từ “cần rèn luyện thêm” thấy nhân văn hơn
Nếu nhìn qua thì chúng ta thấy cách thay đổi từ, cụm từ trong việc đánh giá, xếp loại học sinh lần này rất nhân văn. Nhất là trong việc xếp loại hạnh kiểm cho học sinh.
Cụm từ “cần rèn luyện thêm” nó cũng bao hàm nghĩa còn yếu nhưng nghe nó nhẹ nhàng, nhân ái hơn. Hạnh kiểm của một học sinh- một công dân tương lai mà xếp “yếu” thì nó nặng nề và xót xa lắm.
Việc thay đổi như vậy là hợp tình, hợp lý mà vẫn giúp cho học sinh tiến bộ, các em đỡ mặc cảm với bạn bè, gia đình.
Suy cho cùng, mỗi học trò có một tính cách, một cách tiếp thu, động lực học tập khác nhau. Nhưng, các em đều là học sinh, nhất là lứa tuổi này có nhiều năm “ẩm ương” thay đổi về tâm sinh lý. Vì thế, việc thay đổi về tính cách, thái độ học tập là điều thường xảy ra.
Nếu như, các em bị thầy cô phê, xếp loại “yếu” ắt sẽ khó có thể vượt qua nỗi mặc cảm này mà đôi khi khiến cho các em trượt dài về sau. Thực tế cho thấy, phần lớn học sinh 2 cấp này mà bị xếp loại hạnh kiểm “yếu” là các em sẽ bỏ học.
Cụm từ “cần rèn luyện thêm” thì các em vẫn biết mình còn yếu nhưng trong cụm từ này có sự bao dung, nhân ái và khích lệ học trò chứ không lạnh lùng như từ “yếu” hiện nay.
Và, chúng tôi cho rằng sự thay đổi như vậy là rất cần thiết trong việc đánh giá, xếp loại học trò ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Tài liệu tham khảo:
//thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-58-2011-TT-BGDDT-Quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-133268.aspx
//moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1478