Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo thông tư này là việc sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số với hầu hết các môn học.
Ngoài ra hình thức kiểm tra cũng phong phú hơn, kiểm tra trên máy tính được đưa vào dự thảo; số bài kiểm tra định kỳ sẽ giảm hẳn, các môn học chỉ có một bài kiểm tra định kỳ Giữa Kỳ (hệ số 2) và Kiểm tra học kỳ (hệ số 3).
Điều 1, Khoản 3, điểm 1 của Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có ghi: Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Hình thức kiểm tra đánh giá, các loại kiểm tra đánh giá, hệ số điểm bài kiểm tra đánh giá
1. Hình thức kiểm tra đánh giá
a) Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên: hỏi – đáp, thuyết trình, viết ngắn (trên giấy hoặc trên máy tính), thực hành, sản phẩm học tập.
b) Hình thức kiểm tra đánh giá định kì: bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; thuyết trình; thực hành; sản phẩm học tập.
c) Mỗi hình thức kiểm tra đánh giá phải có hướng dẫn cụ thể và được thông báo công khai trước khi thực hiện."
Kiểm tra bài cũ, giáo viên có cần báo trước cho học sinh không? (Ảnh mang tính minh họa: https://www.slideserve.com) |
Tôi xin góp ý sửa đổi điểm c, khoản 1, Điều 7 này như sau:
c) Mỗi hình thức kiểm tra đánh giá phải có hướng dẫn cụ thể và được thông báo công khai trước khi thực hiện (Trừ hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên: hỏi – đáp).
Tại sao phải sửa đổi như vậy?
Một là: Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên: hỏi – đáp từ trước đến nay được giáo viên quan niệm là hỏi bài cũ từ đầu tiết dạy, nếu hỏi bài cũ mà thông báo cho học sinh biết trước thì chỉ có số học sinh được thông báo chuẩn bị bài cũ, số học sinh không có tên trong danh sách sẽ không chuẩn bị bài, hoặc chuẩn bị bài cũ không tốt, chất lượng học bài mới sẽ giảm.
Hai là: Nếu giáo viên sử dụng “Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên: hỏi – đáp” trong tiết dạy bài mới, cũng phải thông báo cho học sinh trước, sẽ làm tiết dạy trở nên “thô thiển”, thiếu mạch lạc, thông thoáng; học sinh “bị thông báo kiểm tra đánh giá thường xuyên: hỏi – đáp” sẽ rất ức chế trong tiết dạy.
Một tiết học mà tâm thế học trò luôn phải phòng thủ để trả lời câu hỏi kiểm tra đánh giá, sẽ là tiết học thất bại cho cả người dạy và người học.
Như vậy vô hình trung chính những học sinh “bị thông báo kiểm tra đánh giá thường xuyên: hỏi – đáp” chịu thiệt thòi; người gây thiệt thòi cho học sinh không ai khác, chính là giáo viên bộ môn.
Ba là: Hình thức: hỏi – đáp trong tiết dạy đã được nhiều giáo viên sử dụng để đánh giá học sinh; cho điểm tốt khi học sinh xây dựng bài mới tốt hay vận dụng tốt kiến thức bài cũ để tìm kiến thức trong bài mới; chính điểm số tốt được thầy cô giáo đánh giá đã gây hứng thú cho học sinh.
Bốn là: Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên: hỏi – đáp không nhất thiết chỉ thực hiện 1 lần/học sinh/học kỳ; giáo viên có thể lấy điểm cao nhất của “Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên: hỏi – đáp” là điểm cuối cùng cho học trò ở hình thức này.
Có như vậy mới giúp học trò phấn đấu học tập, giáo viên mới thực sự đổi mới kiểm tra đánh giá; ghi nhận sự tiến bộ của học sinh hôm nay so với hôm qua.
Hình thức: hỏi – đáp trong tiết dạy cũng giúp giáo viên biết những chỗ học sinh bị hổng kiến thức để bù dắp cho các em.
Vì vậy hãy để hình thức hỏi – đáp giữa giáo viên và học sinh tồn tại tự nhiên như từ trước đến nay; đừng bắt thầy cô muốn hỏi bài cũ bằng hình thức hỏi – đáp phải báo trước cho học trò.
Kinh nghiệm thực tế, những giáo viên thành công trong giáo dục đều là những giáo viên sẵn sàng cho học sinh “gỡ điểm” khi điểm kiểm tra đánh giá không đạt mong muốn của học trò và … chính giáo viên.
Xin hãy để giáo viên tự do, chủ động, không cần thông báo công khai Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên: hỏi – đáp!
Tài liệu tham khảo:
1:thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-58-2011-TT-BGDDT-Quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-133268.aspx
2:moet.gov.vn/content/vanban/Lists/VBDT/Attachments/1478/200516%20Du%20thao%201%20Thong%20tu%20sua%20doi%20Thong%20tu%2058.pdf