Trường học không phải là nơi người lớn... đánh nhau

28/05/2020 06:18
Vũ Ninh
GDVN- Khi sự vị kỷ lấn át lòng nhân ái thì giáo dục đã xa rời bản chất vốn có của nó. Người tổn thương cuối cùng không phải là người lớn mà là những đứa trẻ.

Suy nghĩ về chữ “thiệt” và người thầy

“Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, hình ảnh tốt đẹp nhất của người thầy giáo là hình ảnh gắn liền với chuyên môn, gắn liền với sự yêu thương học sinh.

Người thầy phải giữ hình ảnh đẹp trong lòng học sinh chứ không phải là hình ảnh đẹp với đồng nghiệp, với hiệu trưởng, với cấp trên” – thầy Cẩm Việt, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Mèo Vạc tâm sự.

Gần 20 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy Cẩm Việt vẫn nhớ như in câu chuyện về bài học làm thầy.

Sau khi tốt nghiệp Đại Học, thầy Cẩm Việt nhận công tác tại tỉnh Hà Giang.

Lứa học trò đầu tiên của thầy đã tốt nghiệp hơn 10 năm nhưng vẫn nhớ về người thầy năm nào.

Có lần một cậu học sinh cũ có tình cờ công tác tại quê thầy Việt (Đan Phượng, Hà Nội).

Cậu học trò biết thầy giáo cũ sinh trưởng tại đây nên đã hỏi thăm gia đình thầy.

Điều này khiến 2 vị phụ huynh của thầy Việt rất cảm động: “Hóa ra thằng Việt còi cũng là một nhà giáo tử tế thì học sinh mới nhớ đến”.

Thầy Việt chia sẻ: “Làm thầy cũng cần phải học, nhiều người nghĩ rằng đã là thầy là biết tất cả mọi chuyện thì không cần phải học.

Nhưng thầy cô cũng là con người, không phải là thánh nhân, rời khỏi bục giảng cũng là một con người bình thường.

Làm thầy, làm cô càng cần phải học. Học ở đây là học cách dạy, học cách đối nhân xử thế. Sách vở cho ta tri thức, học sinh cho ta sự tôn trọng, mái trường cho ta ngôi nhà thứ 2, còn chữ Đạo cho ta trọn vẹn 2 chữ nhà giáo.

Tôi nghĩ rằng làm thầy cô đôi khi cần phải biết chịu thiệt 1 chút. Nhận thiệt về mình để dành những điều tốt đẹp cho học sinh. Như thế cũng có đi đâu mà thiệt”.

Giáo dục vị nhân sinh là bản chất của giáo dục (Ảnh:V.N)

Giáo dục vị nhân sinh là bản chất của giáo dục (Ảnh:V.N)

Cũng vì một chữ “thiệt” mà thầy Nguyễn Duy Tiến, hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Bản Công gần 20 năm cõng chữ lên non, chấp nhận đánh đổi lấy sự vất vả, khó khăn để bữa cơm của học sinh có cá, có thịt, được chăm lo đầy đủ.

Ngẫm về chữ thiệt, cũng có cô hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên sau khi vô tình (ngồi taxi) đâm gãy chân học sinh đã phát phiếu khảo sát cho 100% cán bộ, giáo viên và học sinh không có xe ô tô vào trường để trốn tránh trách nhiệm.

Hay mới đây vụ việc em học sinh M.T.T lớp 1A1 Trường tiểu học Quang Trung (P.Vạn Mỹ, Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) được phụ huynh phản ánh “phải đứng ngoài cổng trường vì đi học sớm” gây xôn xao dư luận.

Phía phụ huynh thì tố cáo cô giáo kỷ luật vô lý, sao đỏ không cho con vào lớp; phía nhà trường thì tung bằng chứng phụ huynh dàn dựng.

Câu chuyện này chưa rõ ai đúng ai sai, nhưng đứng về khía cạnh giáo dục: Nhà trường là nơi giáo dục con trẻ không phải là nơi tranh đấu, càng không phải là nơi để cho sự vị kỷ lên ngôi vì như thế là xa rời bản chất giáo dục.

Nhà trường không phải là nơi tranh đấu mà là nơi giáo dục học sinh (Ảnh:V.N)

Nhà trường không phải là nơi tranh đấu mà là nơi giáo dục học sinh (Ảnh:V.N)


Những đứa trẻ vô tội khi chứng kiến một bên là thầy cô, một bên là cha mẹ tranh cãi, thậm chí giở cả chiêu trò với nhau sẽ nghĩ như thế nào?

Chẳng phải lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền hay sao!

Vậy mà hai người mẹ, hai cô giáo lại lao vào nhau “ẩu đả” chỉ vì không ai chịu thiệt phân nào.

Đằng sau câu chuyện này đang phản ánh một thực trạng đáng buồn của ngành giáo dục đó là thiếu sự tin tưởng lẫn nhau.

Phụ huynh không tin nhà trường, nhà trường không tin phụ huynh.

Khi phụ huynh và nhà trường, giáo viên ở 2 chiến tuyến thì những người ở giữa (học sinh) là những người chịu tổn thương nhiều nhất.

Liệu rằng 10 năm nữa, em T. sẽ nhớ như thế nào về người chủ nhiệm, về mái trường của mình, về những ngày tháng này?

Người thầy phải là tấm gương sáng nhất cho học sinh

Đối với những người nặng lòng với nghề giáo như bà giáo già Hồ Hương Nam (đã gần 90 tuổi) không khỏi cảm thấy đau xót trước thực trạng này.

Bà Nam từng có lần vừa khóc vừa tâm sự với Giáo dục Việt Nam: “Dù rất đau lòng nhưng tôi cảm nhận nghề giáo ngày nay trong mắt một số thầy cô đã mất đi ý nghĩa của nó.

Người ta làm nghề giáo vì mưu sinh chứ không vì cái Đạo của người đi dạy, nhìn thời nay mà ngẫm đến thời xưa.

Thời xưa người giáo viên rất được coi trọng trong xã hội.

Tôi cho rằng một phần vì truyền thống tôn sư trọng đạo, một phần cũng vì giáo viên hết lòng vì học sinh”.

Theo bà giáo Nam chữ “Đạo” rất công bằng đặc biệt là chữ Đạo của người làm nghề dạy học:

“Nếu giáo viên sống vì chữ Đạo, vì yêu nghề, thương yêu học sinh thì học sinh sẽ tự khắc nhớ đến mình.

Còn những giáo viên nào chỉ sống vì đồng tiền, chỉ chăm chăm tổ chức dạy thêm, dạy nếm không vì học sinh thì không đời nào học sinh nó biết ơn mình.

Chữ Đạo trong nghề giáo rất công bằng. Nhiều thầy cô cứ trách vì sao học sinh hiện nay không tôn sư trọng đạo, không tình cảm.

Tôi cho rằng các thầy cô cũng nhìn nhận lại chính mình xem đã hết lòng vì học sinh chưa, đã hết lòng vì sự nghiệp giáo dục chưa? Nếu mình vì học sinh chắc chắn học sinh sẽ không bao giờ quên mình”.

Trước ý kiến này, có giáo viên phản hồi rằng: Thế bắt giáo viên phải nghèo khổ mới trong sáng vô tư à. Xã hội này có ai vô tư đâu mà giáo viên phải vậy. Đúng ra, giáo viên phải sống sung túc thì họ mới tâm huyết được!

Cũng có người nói rằng: Xã hội nào thì giáo viên đó, việc gì phải buồn , dạy học chỉ là một nghề kiếm sống như bao nhiêu nghề khác, giáo viên cũng là người như bao nhiêu người khác.

Quan điểm xã hội thế nào thì giáo viên phải thay đổi thế đó nếu không sẽ bị đuổi việc.

Người thầy phải là tấm gương sáng cho học sinh (Ảnh:V.N)

Người thầy phải là tấm gương sáng cho học sinh (Ảnh:V.N)

Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến thì cho rằng: Người thầy phải là tấm gương sáng nhất cho học sinh.

Thầy Tiến chia sẻ: “Đối với các cháu học sinh vùng cao, thời gian các cháu ở trường nhiều hơn ở nhà. Mỗi người thầy, người cô phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Có thể hiện nay người ta đã quên dần đi bản chất của giáo dục.

Đối với chúng tôi giáo dục không chỉ là dạy học sinh con chữ, biết viết, biết đọc mà giáo dục có chức năng thay đổi nhận thức của một thế hệ.

Lấy ví dụ các em học sinh ở trường được dạy học, dạy cách ăn nói, vệ sinh cá nhân...các em sẽ mang những tri thức đó về với thôn bản mình.

Để sau này dù các em không trở thành ông nọ, bà kia với hiểu biết đó ít nhất các em có thể dạy dỗ con cháu của mình”.

Bà giáo Hồ Hương Nam ngồi trầm ngâm một lúc rồi nói: “Đừng vì sự vị kỷ và một chút thiệt mà đánh mất hình ảnh người giáo viên.

Học sinh là con cháu của chúng ta chứ đâu phải người đối đầu mà dằn hắt các cháu, tội nghiệp chúng nó!”.

Vũ Ninh