Đến xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, tôi được nghe những lời nhận xét “có cánh”, ngọt ngào, của giáo viên, học sinh Trường Trung học cơ sở Xuân Đường về đồng nghiệp của mình, cô Phan Thị Thu Hằng.
Cô Phan Thị Thu Hằng, giáo viên dạy môn Địa lý, tại Trường Trung học cơ sở Xuân Đường từ năm học 1992-1993 đến nay.
Thời kì cô Hằng mới về trường công tác, đường đi khó khăn, phòng học làm bằng gỗ, lợp lá, nền đất, bàn ghế ọp ẹp; đồ dùng dạy học không có, cô phải tự nghiên cứu làm đồ dùng, tự dán giấy vẽ phóng to các tấm bản đồ trong sách giáo khoa để dạy.
Cô còn đốt đèn dầu thâu đêm nghiên cứu, lắp ráp và đắp những mô hình địa lí cho kịp dự thi hội giảng, thi đồ dùng dạy học các cấp; cho các tiết học sinh động, dễ hiểu với học trò.
Thời trẻ của cô là cả một niềm say mê, yêu nghề; một lòng tâm huyết với trường, với lớp, với học trò. Với tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, nói đi đôi với làm, mỗi khi có cuộc thi gì do ngành tổ chức, cô luôn là người đầu tiên xung phong tham gia.
Em Lê Thị Bé Ngoan, học sinh cũ của cô Hằng đã nói: “Cô em rất khiêm tốn, giản dị, gần gũi, đầy lòng yêu thương học trò.
Các bạn học sinh trong trường, ai cũng yêu mến cô. Đối với học sinh, cô hiền từ, nhiệt tình, thân quen, gần gũi như một người mẹ.
Mỗi giờ học với cô, đều đem lại cho chúng em những tiếng cười vui vẻ, thú vị, tiết học không một chút áp lực.
Trong lòng chúng em, cô là người tuyệt vời nhất. Cô Hằng là tấm gương sáng, cho chúng em học tập”.
Cô Phan Thị Thu Hằng trong giờ dạy học. Ảnh: Sơn Quang Huyến |
Trường Trung học cơ sở Xuân Đường hôm nay đã đạt chuẩn quốc gia; gặp đồng nghiệp của Hằng, nghe họ nói, tôi không bất ngờ khi cô được học sinh, phụ huynh tin, yêu.
Cô Hiếu - giáo viên dạy Văn cùng trường đã chia sẻ: “Cô Hằng là một giáo viên có chuyên môn giỏi và rất tốt bụng. Em vừa là học trò cũ, vừa là đồng nghiệp. Chính hình ảnh của cô, làm em chọn nghề giáo.
Trong trường, em là người có hoàn cảnh gia đình tương đối khó khăn so với các đồng nghiệp, luôn được cô quan tâm, giúp đỡ rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần.
Em rất kính trọng, biết ơn; cô Hằng một tấm gương sáng, cho em học tập và noi theo”.
Cô Lê Thị Yến Thu, chia sẻ: “Ngày mới ra trường, chúng em sợ soạn giáo án; than vãn với cơm gạo áo tiền, chính tấm gương của cô Hằng động viên, chúng em noi theo mà vượt qua khó khăn bám trụ với nghề”.
Cô Hằng tâm sự “Với em, không có học sinh hư mà chỉ là chưa ngoan, chưa được quan tâm; chỉ bảo rồi sẽ ngoan thôi “cây non dễ uốn mà”, ai mà chẳng có lúc sai.
Không có học sinh dốt, chỉ là mình chưa khơi dậy được năng lực của từng học trò, có thể nó học yếu môn này, nhưng lại giỏi cái khác; miễn sao mình khơi dậy được năng lực tốt cho học trò là mừng thầy ạ.
Vừa dạy, vừa dỗ; giáo dục học trò không gì hơn chính mình nêu gương trước”.
Thầy Cao Ngọc Sơn, thầy giáo thể chất đam mê nghiên cứu khoa học |
Nói về đồng nghiệp của mình, thầy hiệu trưởng Trương Thanh Hải, hồ hởi:
“Tuyệt vời, cô Hằng là tấm gương sáng của học trò và đồng nghiệp.
Cô là giáo viên dạy giỏi, giáo dục học sinh tốt. Cô luôn luôn hoàn thành xuất sắc bất cứ nhiệm vụ gì được giao”.
Hy sinh, cống hiến cho vùng đất đỏ xa xôi, cô giáo Hằng đã để lại niềm tin yêu, ký ức đẹp cho biết bao thế hệ học trò Trường Trung học cơ sở Xuân Đường.
Đóng góp của cô với ngành giáo dục, đã được công nhận chiến sĩ thi đua cấp Huyện 13 năm; 5 lần chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh; Ban Tuyên giáo, Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Nai tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
Ngoài ra còn rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ghi nhận thành tích, đóng góp của cô với giáo dục địa phương.
Hiện nay cô là cộng tác viên thanh tra, tổ trưởng tổ bộ môn Địa lí của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Mỹ; thành viên của Hội đồng bộ môn Địa lí, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai.
Chia tay Xuân Đường, lòng vui phơi phới, hình ảnh cô giáo tận tâm với nghề, yêu thương học trò, đem lại niềm tin cho xã hội, cho chính mình, thêm yêu nghề giáo hơn. Mong càng ngày, càng có nhiều hơn những cô giáo như thế.