Tại hội thảo “Các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, gắn với nhu cầu nghiên cứu khoa học và nhóm nghiên cứu” diễn ra ngày 27/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ và Nghị định hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương. Ảnh: VTV |
Liên quan đến vấn đề đào tạo tiến sĩ của Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ với Giáo dục Việt Nam một số quan điểm xung quanh vấn đề này.
Đầu tiên, Tiến sĩ Cương cho rằng, muốn đào tạo trình độ tiến sĩ chất lượng hơn thì trước hết cần chú ý tính kế thừa, phát triển. Đó là nguyên tắc đầu tiên.
Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập toàn diện, cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, quy trình đào tạo tiến sĩ phải sát với các nước phát triển.
“Tôi thấy chúng ta đang có sự lúng túng khi chưa có hình mẫu nào để học theo. Cần có một hình mẫu chuẩn phù hợp về đào tạo tiến sĩ để hướng tới. Ở mức độ chuẩn đào tạo tiến sĩ như Mỹ thì Việt Nam chưa thể làm được.
Vì thế, phù hợp nhất là căn cứ theo các nước có nền giáo dục tiên tiến, giáo dục đại học phát triển những năm gần đây và có nhiều đặc điểm kinh tế-xã hội gần với Việt Nam như Singapore, Thái Lan…để học tập”, Tiến sĩ Cương nêu quan điểm.
Việc đổi mới quy chế đào tạo tiến sĩ phải quốc tế hóa về mặt công nghệ, chuẩn về quy trình, đạt chuẩn có bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus...
Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam đang có những cái không giống ai.
Tiến sĩ Đỗ Minh Cương nêu dẫn chứng. Đầu tiên là việc thể hiện trách nhiệm người hướng dẫn, hội đồng không rõ.
Ở nước ngoài giáo sư hướng dẫn, hội đồng chuyên môn của trường rất khách quan, nghiêm túc, khoa học.
Họ chịu trách nhiệm bằng danh dự của mình. Một thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh nếu nghiên cứu sinh này có bất cứ vấn đề gì về chất lượng thì thầy phải chịu trách nhiệm, chủ tịch hội đồng phải chịu trách nhiệm.
Ở Việt Nam, trách nhiệm cá nhân của người hướng dẫn, chủ tịch hội đồng không rõ.
Tiếp đó là một quy trình không giống ai trong bảo vệ luận án tiến sĩ. Quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ, đầu tiên là bảo vệ cấp cơ sở rồi tiến hành phản biện kín.
Sau đó, phải đợi rất lâu (có thể 3 tháng hoặc kéo dài hơn), mới bảo vệ chính thức. Buổi bảo vệ chính thức thì mang tính trình diễn nhiều hơn là mang tính học thuật.
Tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ chính thức, rất ít câu hỏi phản biện rõ ràng.
Đặc biệt, nhiều người không có chuyên môn đến dự như người thân, bạn bè của nghiên cứu sinh…tạo ra không khí học thuật thiếu nghiêm túc.
“Đúng ra, người thân chỉ nên đến khi công bố đã là tiến sĩ thôi. Ở trong hoàn cảnh rộn ràng như thế, hội đồng làm sao khách quan được.
Đây là những cái chúng ta đang tự thêm vào nhưng lại không hay hơn quốc tế”, Tiến sĩ Cương đánh giá.
Tiến sĩ Cương cũng nhấn mạnh, việc đào tạo tiến sĩ hướng tới chuẩn mực quốc tế, công nghệ theo quốc tế, quy trình chuẩn nhưng đối tượng, nội dung phải có tính dân tộc.
Tính dân tộc là phục vụ thế nào cho đất nước trong nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ đôi khi không rõ.
Hiện nay có xu hướng là chúng ta rất coi trọng các bài báo quốc tế và thưởng điểm rất cao. Phần lớn các bài đó đăng tạp chí nước ngoài và đa số người Việt Nam lại không đọc.
Các trường cũng thưởng rất cao cho bài báo được đăng. Chất lượng về nội dung, trình bày của bài báo đạt đẳng cấp quốc tế. Nhưng công bố đó có đem vào áp dụng ở Việt Nam được không, bao nhiêu người Việt Nam đọc được?
Có những bài báo đăng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Braxin… thì các nhà khoa học Việt Nam cũng không đọc được.
Chúng ta mới chỉ cần bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI-Scopus thôi chứ nội dung là gì, giá trị ra sao thì lại không đánh giá được.
Các nhà khoa học bỏ công, bỏ sức ra nghiên cứu thì phải áp dụng, phục vụ cho sự phát triển khoa học của Việt Nam.
“Tôi nhận thấy thời gian gần đây chúng ta đề cao tiêu chuẩn quốc tế nhưng tiêu chuẩn phục vụ cho lợi ích quốc gia, góp phần phục vụ cho đời sống nhân dân lại ít. Dường như chúng ta xem tiêu chuẩn quốc tế là đẳng cấp cao nhất.
Tuy nhiên, trong thực tế, không mấy người đọc các bài báo đó.
Vì vậy, người đào tạo tiến sĩ có năng lực làm việc theo chuẩn mực quốc tế nhưng cần phải đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu.
Một điểm nữa theo Tiến sĩ Đỗ Minh Cương là cần xem xét lại vấn đề đào tạo tiến sĩ hiện nay mục đích để làm gì.
Mối quan hệ giữa chất lượng và số lượng đã phù hợp chưa.
Có thời kỳ, chúng ta mặc nhiên đóng đinh quan niệm rằng, lãnh đạo sở, ngành là phải có bằng tiến sĩ.
"Nhiều sở như Sở Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch Đầu tư cần gì phải có bằng tiến sĩ.
Mục đích đào tạo tiến sĩ là để có được những cán bộ nghiên cứu khoa học, giảng dạy trong các trường đại học, làm tư vấn, làm chuyên gia.
Lãnh đạo không cần phải là tiến sĩ và không nên đặt tiêu chuẩn đó ra chỉ để làm đẹp hồ sơ, bằng cấp. Phải làm rõ mục tiêu đào tạo tiến sĩ để làm gì, sử dụng như thế nào.
Rõ ràng, những người được đào tạo tiến sĩ phải làm việc trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, đào tạo, tư vấn.
Không nên ưu tiên cho cán bộ có chức vụ trong bộ máy công quyền đi học tiến sĩ.
Nếu các vị đó tự bỏ tiền ra đi học tiến sĩ thì không sao nhưng nếu dùng ngân sách đào tạo để đi học là không hiệu quả", Tiến sĩ Cương nhận định.
Tiến sĩ Cương chia sẻ thêm, nếu làm thống kê chi tiết thì cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền của chúng ta có bằng tiến sĩ là cao hơn rất nhiều Nhật Bản và các nước trong khu vực nhưng mức độ phát triển kinh tế- xã hội thì lại có khoảng cách rất xa.
"Lãnh đạo nhiều tỉnh thành, Bộ ngành không những tiến sĩ mà còn được phong phó giáo sư, giáo sư. Nó thành ra một phong trào nhưng lại không cần thiết và rất lãng phí", ông Cương nói.