Cô giáo Đắk Nông đưa học trò ra thế giới

07/06/2020 07:25
Sơn Quang Huyến 
GDVN- Mơ ước thành giáo viên dạy tiếng Anh đã thành hiện thực, thế nhưng làm sao cho học sinh thích học, học tốt tiếng Anh cứ trăn trở trong cô giáo trẻ Võ Tuyết Thành.

Tốt nghiệp Sư phạm Ngôn ngữ Anh năm 2007, cô giáo Võ Tuyết Thành về Trường Trung học phổ thông Phan Chu Trinh, Huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông công tác.

Mơ ước thành giáo viên dạy tiếng Anh đã thành hiện thực, thế nhưng làm sao cho học sinh thích học, học tốt tiếng Anh cứ trăn trở trong cô giáo trẻ Võ Tuyết Thành.

Cô Võ Tuyết Thành học hỏi thầy cô giáo đồng nghiệp trong trường, học hỏi từ những giáo viên trong cộng đồng MIE kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, trong đó phải kể đến hệ sinh thái O365 của Microsoft.

Cô giáo Đắk Nông đưa học trò ra thế giới ảnh 1Cô giáo Võ Tuyết Thành (áo dài màu vàng) - Trường Trung học phổ thông Phan Chu Trinh, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, cùng học sinh lớp chủ nhiệm

Tham gia vào những bài học online do giáo viên trong cộng đồng MIE tổ chức, cô Võ Tuyết Thành đã biết và sử dụng tương đối thành thạo các công cụ để hỗ trợ việc giảng dạy và có những công cụ đã tối ưu hóa những trăn trở của cô về việc nâng cao khả năng nói tiếng Anh của học sinh.

Cô Võ Tuyết Thành đã ứng dụng Skype in the Classroom, Flipgrid, Padlet, Sway, Microsoft Teams và PowerPoint vào dạy học.

Với mong muốn giúp các em học sinh kết nối với thế giới, mở rộng không gian lớp học, cô Võ Tuyết Thành đã sử dụng Skype in the Classroom kết nối với các nhà giáo dục, các diễn giả từ nhiều quốc gia trên thế giới, để các em học sinh được mở rộng kiến thức về văn hóa và tăng cường khả năng Nghe và Nói tiếng Anh nhiều hơn.

Cô giáo Đắk Nông đưa học trò ra thế giới ảnh 2Giờ học tiếng Anh qua Skype in the Classroom của học sinh trường Phan Chu Trinh - Cô giáo Võ Tuyết Thành mặc áo xanh

Với Flipgrid, cô Võ Tuyết Thành đã tổ chức cho các em các hoạt động nói tiếng Anh theo các chủ đề trong chương trình học.

Học sinh quay video nội dung bài nói của mình ở nhà vì việc tổ chức thi nói tiếng Anh trên trường thường xuyên sẽ rất khó tiến hành vì thời gian không cho phép.

Với ứng dụng Flipgrid, học sinh làm video rất tiện lợi và giáo viên có thể nhận xét video của từng em trực tiếp trên ứng dụng.

Các em học sinh có thể xem video của bạn mình và học hỏi những điểm mạnh của các bạn và có hướng cải thiện khả năng của bản thân.

Cô Võ Tuyết Thành đang và đã sử dụng Flipgrid trong chuỗi hoạt động THỬ THÁCH 30 NGÀY HỌC TIẾNG ANH KHÔNG NGỪNG (có 4 giai đoạn).

Giai đoạn 1: Các em sẽ sử dụng SHADOW TECHNIQUE (Kĩ thuật bắt chước): các em sẽ nghe một video (1 đến 7 phút), nghe từng câu và đọc theo cho giống giọng của người đọc trong video/audio, sau đó các em sẽ quay video trên Flipgrid. Các em sẽ làm điều này liên tục trong 30 ngày.

Giai đoạn 2: Mỗi ngày học 5 từ vựng, liên tục trong vòng 30 ngày: Các em dùng Padlet để ghi ra 5 từ/cụm từ và nghĩa tiếng Anh kèm theo của những từ vựng này.

Các em đặt 5 câu riêng lẻ với mỗi từ vựng. Sau đó các em sẽ tập đọc tất cả những từ/cụm từ, nghĩa của từ và câu và quay video trên Flipgrid. Các em làm liên tục như thế trong vòng 30 ngày.

Giai đoạn 3: Mỗi ngày học 5 từ vựng và viết một câu chuyện ngắn sử dụng 5 từ vựng đó. Khác với giai đoạn 2 là các em sẽ viết 5 câu riêng lẻ, còn giai đoạn 3, các em sẽ viết thành một đoạn văn ngắn.

Các em cũng sẽ viết trên Padlet và tập đọc nội dung đoạn văn rồi quay video trên Flipgrid.

Giai đoạn 4: Các em sẽ kết hợp các hoạt động của giai đoạn 1,2,3 và hình thành thói quen học tiếng Anh liên tục mỗi ngày.

Các em sẽ cố gắng lan tỏa những hoạt động học tập của mình với các bạn học sinh khác bằng minh chứng những hoạt động của mình.

Kết thúc mỗi giai đoạn các em học sinh nào hoàn thành được thử thách sẽ nhận được giấy chứng nhận và một món quà nhỏ động viên tinh thần của các em.

Trong quá trình thực hiện thử thách, đối với các lớp lớn, cô giới thiệu với các em một số trang web, kênh Youtube để các em có thể tự chọn lọc bài học theo sở thích của mình.

Còn các em nhỏ cô giúp các em chọn lọc những video phù hợp và edit một chút, làm thành những video từ PowerPoint và đăng lên kênh Youtube của cá nhân để phục vụ riêng cho việc học của các em.

Kênh Youtube của cô đã có hơn 200 video, chủ yếu để các em luyện nghe và nói. Bạn đọc tham khảo tại youtube.com/channel/UC20nf1SYcJfCnG5Fj7SfpFQ?view_as=subscriber.

Cô Võ Tuyết Thành áp dụng dạy học theo dự án bảo vệ môi trường.

Dự án Tái sử dụng đồ nhựa đã may mắn trở thành một trong 2 lớp học ở Việt Nam được lựa chọn có buổi kết nối qua ứng dụng Skype in the Classroom với lãnh đạo của Microsoft toàn cầu trong khuôn khổ sự kiện Microsoft Global Learning Connection (Học Tập Kết Nối Toàn Cầu).

Cô giáo Đắk Nông đưa học trò ra thế giới ảnh 4Cô Võ Tuyết Thành (bên trái) với dự án “Bí ẩn từ những chiếc bạt” đã lọt vào Top 50 dự án tham gia vòng chung kết E2 Việt Nam đầu năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Dự án “Bí ẩn từ những chiếc bạt”, là dự án về môi trường kết hợp với một lớp học ở trường Tiểu học Hàm Nghi, tỉnh Quảng Trị.

Dự án mang tính nhân văn và có tác động lên nhận thức của các em về ý thức bảo vệ môi trường qua việc tái chế những tấm bạt cũ để làm ra các sản phẩm tranh vẽ cổ động bảo vệ môi trường; số tiền bán tranh được dùng để mua sách vở tặng các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường.

Trong quá trình thực hiện dự án, sử dụng rất nhiều ứng dụng trong đó Skype in the Classroom, Flipgrid và Microsoft Teams là các công cụ hỗ trợ đắc lực để xóa bỏ khoảng cách về địa lí, để có thể có những buổi trao đổi giữa 2 lớp học để thảo luận những bước tiến hành dự án.

Dự án có buổi kết nối với nhà báo Lê Thanh Phong công tác tại báo Lao động, chuyên gia về môi trường để được giải đáp các vấn đề liên quan đến dự án.

Có thể nói dạy học qua dự án, cô giáo Võ Tuyết Thành đã đưa học trò vùng xa vươn ra biển lớn.

Tâm sự về nghề giáo, cô Võ Tuyết Thành chia sẻ “Nghề giáo là ước mơ từ nhỏ của em. Em đang ấp ủ kế hoạch kết nối các giáo viên và học sinh trong tỉnh tham gia câu lạc bộ tiếng Anh online qua sự hỗ trợ của các ứng dụng Microsoft Teams, Flipgrid và Padlet.

Cũng với mục đích là làm sao có thể tạo ra một cộng đồng học tiếng Anh trong toàn tỉnh và giúp giáo viên, các em học sinh học hỏi lẫn nhau; đặc biệt qua hoạt động này giúp giáo viên và các em học sinh phát triển những kĩ năng quan trọng của thế kỉ 21 (Kĩ năng cộng tác, kĩ năng giao tiếp và kĩ năng về Công nghệ thông tin)

Em cũng mong muốn các trường học có hệ thống cơ sở vật chất, như trang thiết bị về máy tính, Internet đáp ứng nhu cầu của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Em cố gắng học hỏi nhiều hơn nữa những phương pháp dạy học mới để có những hướng tiếp cận với các bài học trong chương trình dạy học hiệu quả hơn để tạo ra một môi trường học tập năng động, phát huy khả năng sáng tạo và kĩ năng làm việc cộng tác cho các em học sinh.

Những đóng góp của cô giáo trẻ Võ Tuyết Thành đã được công nhận Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; Sáng kiến kinh nghiệm với chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học” đạt giải B cấp Tỉnh năm học 2019-2020.

Ngoài ra Cộng đồng Giáo dục Microsoft Việt Nam công nhận “Top 50 tại diễn đàn giáo dục đổi mới, sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2020 (E2V2020), tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 1 năm 2020.

Cô giáo Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Chu Trinh phấn khởi khi chia sẻ về đồng nghiệp của mình:

“Cô giáo Võ Tuyết Thành là giáo viên Anh văn, chuyên môn vững vàng, nhiệt huyết với nghề, năng động, sáng tạo; đặc biệt sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Cô giáo Võ Tuyết Thành hiền hòa, được đồng nghiệp và học sinh quý mến, tin cậy”.

Chúc cô giáo Võ Tuyết Thành thật nhiều năng lượng để hoàn thành mơ ước của mình; chúc Trường Trung học phổ thông Phan Chu Trinh đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục.

Sơn Quang Huyến