Cô giáo đổi mới phương pháp dạy và học môn Địa lý

10/05/2020 07:15
Bài, ảnh: Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Cô Nguyễn Thị Mai là giáo viên, đảng viên trẻ, chuyên môn vững vàng, nhiệt tâm, nhiệt tình trong mọi công tác, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Về Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Liễn (tỉnh Hà Tĩnh), tìm hiểu mô hình áp dụng công nghệ vào quản lý giáo án bằng phần mềm chuyên dụng, thay vì yêu cầu giáo viên in ra giấy hay viết tay; tôi không bất ngờ khi bắt gặp giáo viên trong trường sử dụng công nghệ thông tin dạy học rất thành thạo.

"Cán bộ nào, phong trào đó", hiệu trưởng đã tiên phong sử dụng công nghệ để quản lý, giáo viên phải áp dụng công nghệ để dạy học là tất yếu.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai, Phó Bí thư đoàn trường, là giáo viên dạy Địa lý, thế nhưng công cụ dạy học của cô giáo không khác gì một giáo viên chuyên công nghệ thông tin đang dạy học.

Thầy giáo Nguyễn Nam Thắng, Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường thấy được sự bất ngờ của tôi.

Thầy chia sẻ “Không riêng gì cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên trường tôi đều sử dụng thành thạo công nghệ thông tin áp dụng vào dạy và học. Trong đó không ít thầy cô giáo được gọi là “cao thủ”.

Nhà trường phát động, giáo viên tự học, không kể môn nào, giáo viên đều khai thác hết công suất thiết bị dạy học hiện có.

Với cô giáo Nguyễn Thị Mai, cô dạy Địa lý nhưng rất “Tin học”.

Cô Nguyễn Thị Mai là giáo viên, đảng viên trẻ, chuyên môn vững vàng, nhiệt tâm, nhiệt tình trong mọi công tác, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai (bìa trái) cùng học sinh chuẩn bị diễn văn nghệ
Cô giáo Nguyễn Thị Mai (bìa trái) cùng học sinh chuẩn bị diễn văn nghệ

Để nâng cao chất lượng môn Địa lý do mình phụ trách, trong hơn 7 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Nguyễn Thị Mai không ngừng sáng tạo, với 3 đề tài sử dụng công nghệ thông tin vào dạy Địa lý (trong đó có 1 Sáng kiến đạt bậc 3; 2 sáng kiến đạt bậc 4 cấp ngành):

Năm học 2014 - 2015, đề tài “Hướng mới để khai thác kiến thức và giáo dục học sinh qua việc xây dựng và sử dụng video clip trong Bài 40. Địa lí ngành thương mại (Địa lí 10 - cơ bản) được Hội đồng khoa học Ngành xét đạt Sáng kiến kinh nghiệm cấp Ngành (Bậc 3);

Năm học 2016 - 2017, đề tài “Ứng dụng phần mềm Adobe Presenter xây dựng và sử dụng Bộ câu hỏi trắc nghiệm tương tác nâng cao hiệu quả dạy học Địa lí 12” được Hội đồng khoa học Ngành xét đạt Sáng kiến kinh nghiệm cấp Ngành (Bậc 4);

Năm học 2019 - 2020, đề tài “Ứng dụng Google Forms xây dựng và sử dụng Bộ câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến nâng cao hiệu quả dạy học Địa lí 12” được Hội đồng khoa học Ngành xét đạt Sáng kiến kinh nghiệm cấp Ngành (Bậc 4) trong học kì I.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai ứng dụng phần mềm Proshow Producer tự xây dựng các video clip và sử dụng hiệu quả trong dạy học.

Người truyền cảm hứng tự học, sáng tạo cho giáo viên
Người truyền cảm hứng tự học, sáng tạo cho giáo viên

Bạn đọc có thể vào các địa chỉ sau để tham khảo, khai thác áp dụng:

https://www.youtube.com/watch?v=cwdkCa_uYR4

https://www.youtube.com/watch?v=MPsDMdKSl2s

https://www.youtube.com/watch?v=33qP-G70ZgQ

https://www.youtube.com/watch?v=bLpULGV646w

https://www.youtube.com/watch?v=3bRUx96RdUA)

https://www.youtube.com/watch?v=KAPNe39P3iY)

Nhằm kích thích hứng thú học tập cho học sinh cô sử dụng Powerpoint và phần mềm ActiveInspire xây dựng các trò chơi và hoạt động.

Tổ chức trò chơi “RƯỢT ĐUỔI THỜI GIAN” bằng Ứng dụng Google Forms thi giữa các Đội chơi trong một tiết dạy
Tổ chức trò chơi “RƯỢT ĐUỔI THỜI GIAN” bằng Ứng dụng Google Forms thi giữa các Đội chơi trong một tiết dạy

Ngoài ra, cô giáo Nguyễn Thị Mai còn ứng dụng phần mềm khác trong dạy học như:

Ứng dụng Google Earth Pro giúp học sinh quan sát các hình ảnh một cách trực quan, sinh động trong dạy học Địa lí khối 10 (Tìm hiểu về Trái Đất và Hệ Mặt Trời), khối 11 (Đặc điểm tự nhiên và phân bố dân cư các quốc gia, châu lục và khu vực trên thế giới), khối 12 (Đặc điểm tự nhiên và các vùng lãnh thổ Việt Nam).

Ứng dụng  phần mềm Adobe Presenter xây dựng và sử dụng Bộ câu hỏi trắc nghiệm tương tác nâng cao hiệu quả dạy học Địa lí 12.

Hình ảnh dạy trực tiếp trên lớp với Các gói câu hỏi được xây dựng bằng phần mềm Adobe Presenter thông qua tổ chức trò chơi giữa các nhóm
Hình ảnh dạy trực tiếp trên lớp với Các gói câu hỏi được xây dựng bằng phần mềm Adobe Presenter thông qua tổ chức trò chơi giữa các nhóm

Ứng dụng Trò chơi Kahoot trong dạy học Địa lí. 

Ứng dụng phần mềm Adobe Presenter xây dựng các bài giảng điện tử  E-learning trong năm học 2017- 2018.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học của cô giáo Nguyễn Thị Mai đã làm rất nhiều học sinh yêu thích bộ môn; cô đã cùng với giáo viên bộ môn Địa lý trong trường bồi dưỡng học sinh giỏi. Đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý của trường thành công rực rỡ.

Năm học 2016 - 2017, cô giáo Nguyễn Thị Mai và cô Nguyễn Thị Hồng Hải chủ trì đội tuyển học sinh giỏi tỉnh môn Địa lí 10, kết quả đạt 01 giải Nhì cấp Tỉnh, 01 học sinh giỏi cấp Tỉnh.

Năm học 2017 - 2018, cô giáo Nguyễn Thị Mai chủ trì đội tuyển học sinh giỏi Địa lí lớp 11 kết quả 01 giải Nhì, 01 (học sinh lớp 10 thi vượt lớp) đạt giải Ba cấp Tỉnh.

Năm học 2018 - 2019 cô giáo Nguyễn Thị Mai chủ trì đội tuyển học sinh giỏi Địa lí 12 kết quả 01 (học sinh lớp 10 thi vượt lớp) đạt giải Ba, 01 học sinh giỏi cấp Tỉnh.

Đồng thời cô giáo Nguyễn Thị Mai cùng cô Nguyễn Thị Hồng Hải bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh lớp 11 đạt kết quả 01 học sinh đạt Thủ khoa môn Địa lí; 02 học sinh đạt giải Ba cấp Tỉnh.

Sinh năm 1988, tốt nghiệp Đại học Sư phạm với tấm bằng loại giỏi, cô giáo Nguyễn Thị Mai về công tác tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Liễn (Hà Tĩnh) cho đến nay.

Những cống hiến, đóng góp của cô giáo Nguyễn Thị Mai đã được ghi nhận, cô liên tiếp là giáo viên dạy giỏi, được công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở và nhận nhiều giấy khen của các cấp quản lý.

Ngoài dạy giỏi Địa lý, cô giáo Mai còn tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Cô Nguyễn Thị Mai cùng học sinh tham gia cuộc thi thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật
Cô Nguyễn Thị Mai cùng học sinh tham gia cuộc thi thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật

Chia sẻ về nghề giáo mình đã chọn, cô tâm sự “Theo bản thân em, nghề giáo không chỉ cần đến cái “tâm”, cái “đức” và lĩnh vực chuyên môn sâu mà ngày nay cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, các thầy cô còn phải biết tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương pháp dạy và học.

Công nghệ thông tin chính là công cụ vô cùng hữu ích mà nếu thầy cô biết nắm bắt, là chìa khóa “vạn năng” giúp nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

Ngày nay, để tìm kiếm kiến thức, học sinh có thể tiếp cận từ nhiều kênh thông tin khác nhau. Việc sở hữu và sử dụng các thiết bị thông minh (Smartphone, Ipad, laptop…) đối với học sinh cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây.

Chính điều đó vừa tạo ra tiền đề, vừa tạo động lực giúp các giáo viên không ngừng tìm tòi, ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy của bản thân nhằm mục đích cao nhất là nâng cao chất lượng dạy học, trong đó có cá nhân em.”

Hà Tĩnh một ngày nắng gió, thế nhưng vẫn trào dâng cảm giác mát mẻ vì có những đóng góp thầm lặng của giáo viên cho ngành giáo dục. Chúc cô giáo Nguyễn Thị Mai thật nhiều sức khỏe, không ngừng sáng tạo đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành giáo dục.

Bài, ảnh: Sơn Quang Huyến