Người lao động không đồng ý mà trừ lương có vi phạm pháp luật?

14/06/2020 06:20
Phan Tuyết
GDVN- Chính quyền địa phương nên nghĩ cách để những hộ nghèo làm thêm tăng thu nhập chứ không phải kiểu tìm cách ra công văn buộc đóng góp bằng ngày lương như hiện nay.

Giáo viên với đồng lương mồ côi (ngoài lương không có thêm một khoản tiền nào khác) nhưng hàng năm vẫn cứ bị chia năm xẻ bảy để ủng hộ các loại quỹ đang là nổi bức xúc của nhiều thầy cô giáo, nhân viên nhà trường ở khắp mọi nơi.

Cuộc sống của nhiều thầy cô giáo vẫn đang gặp khó khăn nhưng vẫn phải đóng góp rất nhiều (Ảnh minh họa. (baovinhphuc.com.vn).Cuộc sống của nhiều thầy cô giáo vẫn đang gặp khó khăn nhưng vẫn phải đóng góp rất nhiều (Ảnh minh họa. (baovinhphuc.com.vn).

Nơi ít bị trừ 4 ngày lương/năm, nơi nhiều gần chục ngày lương/năm nghĩa là gần như tháng nào cũng bị trừ lương cho các loại quỹ.

Hết chính quyền địa phương lại đến các hội thi nhau ra công văn quy định trừ lương người lao động mà bất chấp họ có đồng ý hay không?

Công văn đưa về từng trường, họ cũng dùng mỹ từ “ủng hộ tự nguyện” nhưng lại bắt buộc phải nộp đúng một ngày lương.

Họ còn yêu cầu thống kê, báo cáo, đưa danh sách từng người gửi lên cấp trên làm bằng chứng.

Giáo viên, nhân viên chỉ còn biết nhìn đồng lương của mình bị xẻ ra mà chẳng có quyền phản ứng hay đúng hơn là chẳng dám lên tiếng phản ứng.

Bởi họ biết, phản ứng cũng chẳng ai nghe, hỏi lãnh đạo trường thì được trả lời: “Cứ theo công văn mà làm”.

Người ta lấy danh nghĩa ủng hộ người nghèo, quỹ xóa đói giảm nghèo, phụ nữ nghèo, trẻ thơ nghèo, khuyến học, chất độc da cam…để yêu cầu người lao động phải đóng góp một cách bắt buộc.

Điều này, có vi phạm pháp luật hay không?

Cho quà, ủng hộ tiền có thoát nghèo được không?

Việc làm từ thiện của người dân hiện nay ngày một nhiều. Một hộ nghèo ở xã, một mùa Tết có khi nhận được vài chục ký gạo, dầu ăn, đường, bột ngọt, hàng chục thùng mì tôm. Có người ăn không hết phải mang ra hàng quán ký gửi bớt.

Vì nhận được khá nhiều quà, phong bì, học bổng cho gia đình có con đang đi học nên mới xảy ra tình trạng tranh giành hộ nghèo. Có nhà cứ muốn năm nào cũng nằm trong danh sách hộ nghèo để được nhận tài trợ.

Thế nên, mỗi lần bình bầu nơi thôn xóm, lời qua tiếng lại kê kích nhau để mong sao xuất hộ nghèo vào được tay nhà mình.

Người nghèo, người khó khăn trong địa phương họ cần nhiều hơn dăm bảy ký gạo, vài thứ nhu yếu phẩm, thùng mì tôm hay vài hộp bánh thậm chí là chiếc phong bì vài ba trăm ngàn đồng.

Những thứ ấy có trao cho người nghèo cũng chẳng thể giúp họ thoát nghèo. Cái họ cần là công ăn việc làm có thu nhập ổn định.

Không có món quà nào giá trị bằng việc tạo công ăn việc làm cho người nghèo

Người nghèo cần “cần câu cơm” hơn là được nhận quà và ít tiền ủng hộ. Vì khi có công ăn việc làm ổn định họ sẽ có thu nhập ổn định, điều này mới giúp họ thoát nghèo.

Nhưng những thứ mà người nghèo nhận được hiện nay cũng chỉ đỡ đần qua bữa chứ làm sao có thể thoát nghèo vĩnh viễn đây?

Bởi thế, chúng tôi nghĩ chính quyền địa phương, các hội nên nghĩ cách gì để những hộ nghèo ở địa phương làm thêm tăng thu nhập chứ không phải kiểu tìm cách ra công văn buộc mọi người đóng góp bằng tiền để giúp đỡ họ như hiện nay nhiều địa phương đang áp dụng.

Khi giáo viên chưa thể sống được bằng lương mà cứ phải gồng mình đóng góp hết khoản này đến khoản khác, hết đóng ở trường lại về đóng ở địa phương thì chúng tôi làm sao ổn định được cuộc sống?

Khi cái dạ dày bị đói, các khoản phải lo cứ luẩn quẩn trong đầu thử hỏi chúng tôi có thể yên tâm giảng dạy tốt được không?

Phan Tuyết