Giáo viên huyện Kỳ Sơn lại gồng mình vì đóng góp

12/06/2020 11:39
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm nay, nhà em đóng góp, ủng hộ nhiều quá rồi... nhiều khoản ủng hộ kiểu trừ ngày lương. Chúng em sống sao nổi?

Từ công văn buộc giáo viên đóng góp một ngày lương của Hội Khuyến học huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An

Công văn của Hội Khuyến học huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An hướng dẫn công tác xây dựng Quỹ Khuyến học năm 2020 nêu rõ:

Công văn yêu cầu trừ 1 ngày lương của Hội Khuyến học huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An (Ảnh CTV)

Công văn yêu cầu trừ 1 ngày lương của Hội Khuyến học huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An (Ảnh CTV)

Đối tượng tham gia gồm: …cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên…

Mức ủng hộ: Cán bộ công nhân viên chức 1 ngày lương cơ bản (Lấy tổng lương cơ bản 1 tháng chia cho 30 ngày).

Chúng tôi có cuộc trao đổi với một lãnh đạo Hội Khuyến học huyện Kỳ Sơn được biết : “Đóng góp là theo quy định của trường, không quy định giáo viên phải nộp”.

“Không quy định giáo viên phải nộp, thì lẽ ra công văn phải ghi là tự nguyện nhưng tại sao lại ghi rõ mức đóng góp bằng một ngày lương? Ghi như thế thì trường nào dám làm trái?”

Vị lãnh đạo hội khẳng định: “Đây là thực hiện chung của huyện”.

Các tổ chức hội ở địa phương có quyền quy định người lao động buộc phải ủng hộ các cuộc vận động khác bằng một ngày lương không?

Nghị định 94/2014/ NĐ-CP Quy định về việc thành lập và quản lý quỹ phòng, chống thiên tai của Chính phủ.

Điều 5 khoản 2 quy định khá rõ: “ Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau:

a) Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp;

Nghĩa là người lao động buộc phải trừ 1 ngày lương cho Quỹ phòng, chống thiên tai đã được Chính phủ quy định.

Còn tất cả những loại quỹ khác các cấp ở địa phương chỉ có quyền vận động theo đúng tinh thần tự nguyện, ai muốn đóng nhiều hay ít thì tùy.

Không thể lấy danh nghĩa hội này, hội kia tự ý ra công văn buộc cán bộ công nhân viên phải đóng góp một ngày lương như Hội Khuyến học huyện Kỳ Sơn là sai nguyên tắc.

Nỗi niềm của nhà giáo và công nhân viên nhà trường

Năm nay, nhà em đóng góp, ủng hộ nhiều quá rồi: Mua bò, người nghèo, Covid... Mỗi năm gần chục khoản buộc ủng hộ kiểu này (trừ ngày lương) chúng em sống sao nổi?

Người ta còn có tiền này tiền kia, giáo viên nhà em lương ba cọc ba đồng mà cứ phải gồng lưng đóng góp biết lấy tiền ở đâu?

Giáo viên còn đỡ nhưng nhân viên thì vô cùng tội nghiệp. Lương một tháng chỉ vài triệu đồng, ăn còn chẳng đủ mà đóng góp kiểu này đúng là nghèo luôn.

Những lời ca thán của giáo viên, nhân viên huyện Kỳ Sơn một huyện nghèo miền núi của tỉnh Nghệ An đã nhiều năm nhưng có lẽ cũng chẳng làm ai đó động lòng?

Bởi, nhiều năm nay giáo viên, nhân viên nhà trường vẫn đang phải gồng mình đóng góp khá nhiều loại quỹ.

Khá nhiều gia đình nhà giáo, nhân viên đã phải trích khoản tiền lương ít ỏi ra đóng góp sau đó phải đi vay, đi mượn nhiều nơi vì hụt đi những khoản chi phí sinh hoạt trong tháng của mình.

Điển hình như quỹ ngân hàng bò, người ta hồ hởi báo cáo vì thu được số tiền lớn sau cuộc vận động đóng góp. Hàng chục gia đình nông dân nghèo nơi đây có được con bò để tiến tới cơ hội thoát nghèo.

Nhưng hàng trăm thầy cô giáo cũng gặp khó khăn khi phải bỏ số tiền ra ủng hộ lại không hề nhỏ. Không chỉ bằng ngày lương, có trường một giáo viên phải đóng từ 300-400 ngàn đồng. Trường ít giáo viên còn phải đóng 500-600 thậm chí 700, 800 ngàn đồng/người.

Hai vợ chồng nhà giáo mất đứt hàng triệu đồng chỉ cho một loại quỹ.

Tiền quỹ bò vừa xong, quỹ ủng hộ Covid-19, nay lại đến quỹ Khuyến học của huyện.

Nếu kêu gọi đóng góp trên tinh thần tự nguyện, ai có ít đóng ít, ai có nhiều đóng nhiều, ai khó khăn quá thì không cần đóng lại chẳng có thầy cô giáo nào có ý kiến.

Nhưng người ta lại ra hẳn công văn gửi về với quy định hẳn hoi mức đóng góp bằng một ngày lương.

Có thầy cô chua chát nói: “Hội nào ở huyện cũng ra công văn đóng góp một ngày lương kiểu này thì nhà em đi húp cháo à?”

Một điều chắc chắn, giúp đỡ những người nghèo này chẳng ai muốn lại tạo ra những người nghèo khác.

Một năm học mà phải gồng mình đóng góp hàng chục loại quỹ như thế thì sợ rằng sẽ có không ít gia đình nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục đủ điều kiện trở thành những hộ nghèo mới.

Được biết chính quyền cấp huyện nơi Kỳ Sơn rất quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân nên mới thường xuyên kêu gọi sự chung tay của mọi người.

Thế nhưng sự vận động đóng góp chỉ nên dừng ở mức ra lời kêu gọi trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện đừng nên ra công văn ấn định hẳn mức đóng bằng một ngày lương như kiểu Hội Khuyến học đang làm sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người.

Phan Tuyết